Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững

27/04/2021 16:07 GMT+7

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã và đang phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (NQ Đại hội XIV) đề ra; hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL vào năm 2030.

Triển khai mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xuất khẩu

Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, dân chủ… Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,15%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 2.110 USD. Trong đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, dịch vụ tiếp tục có tăng trưởng; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 40.000 tỉ đồng, tăng trên 1,9 lần so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 900 triệu USD, bằng 100% chỉ tiêu nghị quyết, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,2%/năm; sản lượng lúa vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó lúa đặc sản chiếm 52% tổng sản lượng. Đặc biệt, lúa ST24 được vinh danh trong “top 3 gạo ngon nhất thế giới”, giải nhất “Gạo ngon thương hiệu Việt” tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3. Gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi “Gạo ngon thế giới” 2019 tổ chức tại Philippines, giải nhì cuộc thi “Gạo ngon thế giới” năm 2020 tổ chức tại Mỹ.
Tham quan mô hình trồng lúa ST25 ở Sóc Trăng. Ảnh: Cao Xuân Lương

Tham quan mô hình trồng lúa ST25 ở Sóc Trăng

Cao Xuân Lương

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất, một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xuất khẩu bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 99 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được xếp hạng, vượt 282% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp thu hút, ưu đãi đầu tư; qua đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai xây dựng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn vốn, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công vào giữa năm 2019.

Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Nghị quyết Đại hội XIV xác định mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL”.
Thương lái thu mua lúa chất lượng cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Cao Xuân Lương

Thương lái thu mua lúa chất lượng cao ở Sóc Trăng

Cao Xuân Lương

Nghị quyết Đại hội XIV đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm tới đạt 8%; Sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm trên 80%/sản lượng lúa toàn tỉnh; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến cuối nhiệm kỳ đạt trên 250 triệu đồng/ha; Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 72 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 6 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành
nhiệm vụ xây dựng NTM; Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo từ 3 - 4%/năm…
Để thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên, tỉnh xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm là: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, cảng biển, khu logistics, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch… Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi “Gạo ngon thế giới” 2019. Ảnh: Cao Xuân Lương

Gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi “Gạo ngon thế giới” 2019

Cao Xuân Lương

“Để phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống người dân, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá, là: Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý), chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số…”, ông Lâm Văn Mẫn thông tin thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.