‘Số phận’ quán vỉa hè nổi tiếng Sài Gòn - Kỳ 3: Quán chè hết sợ 'bị bắt'

Nhiều quán hàng rong ở Q.Tân Bình từng nhiều năm buôn bán trên vỉa hè nay cũng lần lượt được 'di cư' vào khu chợ Phạm Văn Hai. Vừa yên tâm buôn bán vừa xa rồi những ngày vừa dọn hàng vừa sợ... 'bị bắt'.

Nhiều bà con buôn bán tại chợ Phạm Văn Hai quận Tân Bình phấn khởi cho biết, thời gian trước đây họ kiếm sống nhờ vỉa hè lòng đường tại nhiều khu vực khác nhau, vừa bán vừa canh chừng lực lượng chức năng. Từ khi được vào khu hàng rong tập trung ở chợ Phạm Văn Hai, nhiều hộ đã dần ổn định cuộc sống và việc buôn bán diễn ra vô cùng thoải mái.
VIDEO: Nhiều quán vỉa hè nổi tiếng giờ đã yên tâm vào chợ kinh doanh
Xa rồi những ngày vừa bán vừa sợ bị bắt
Ghé qua gian hàng xôi gà của chị Nguyễn Thị Kim Ánh (31 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) trong chợ Phạm Văn Hai, trông chị có vẻ bớt đi nỗi lo phần nào. Chị đứng bán không kịp thở vì khách đến mua xôi rất đông. Mỗi lần múc xôi cho khách, chị lại thoải mái nói cười vui vẻ. Chị Kim Ánh là một trong những người trước kia từng bán hàng rong ngoài hè phố. Chị may mắn được vào chợ Phạm Văn Hai buôn bán để ổn định cuộc sống.
Chị kể, những năm tháng trước đây, chị mưu sinh bằng chiếc xe đẩy bán xôi và đôi bộ bàn ghế cho khách ngồi ăn. Cứ chiều đến, chị lại đẩy xe ra điểm tại khu vực cầu số 3 thuộc vỉa hè kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè.
Đa phần khách đến mua rồi mang đi, nhưng vẫn có người ở lại ngồi ăn, đậu xe ngay trên vỉa hè cho tiện, chị vừa bán vừa lo khi phải canh chừng lực lượng chức năng.
“Có những hôm cơ quan chức năng đi một ngày hai ba lần, làm tôi cứ nơm nớp lo sợ. Vì bán lề đường, nhiều lúc mấy ảnh đuổi mình phải chạy, bàn ghế dọn không kịp thì bị tịch thu là chuyện thường, rồi còn phải đóng phạt. Mà mỗi lần đóng phạt thì coi như hôm đó lỗ vốn”, chị Ánh chia sẻ. Bởi thế, nay được vào chợ buôn bán, chị Ánh an tâm và phấn khởi hẳn là phải!
Gần quầy chị Ánh trong chợ Phạm Văn Hai là gánh chè của chị Hương (ngụ P.3, Q.Tân Bình). Chị Hương bán chè vẫn giữ lại cái tên Cô Quy như 20 năm qua. Hồi trước khi vào chợ, quán chè này còn là gánh hàng rong, bán cố định tại vỉa hè ở ngã ba Ông Tạ. Người bán đầu tiên là bà ngoại, sau đến dì, mẹ và đến chị Hương tiếp quản hiện tại.
Chị Hương bảo hồi trước, quán chị vỏn vẹn vài mét vuông, ấy vậy mà quán càng ngày càng đông, khách đến không đếm xuể. Nhiều lần khách đông ngồi sát mép đường, xe lấn ra cả lòng đường. Chị bán từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng mỗi ngày.
Chị Hương gắn bó cùng "gánh" chè 20 năm của gia đình Phạm Hữu
“Quán của tôi bán nổi tiếng đến nổi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh... ghé ăn hoài. Đàm Vĩnh Hưng thích chè của quán tôi lắm. Không tin cứ ra ngã ba Ông Tạ hỏi quán chè Cô Quy là ai cũng biết”, chị Hương cười nói với giọng đầy tự hào. 
Tuy vậy, dù cho khách đông, quán nổi tiếng đến mấy thì cũng phải trả lại vỉa hè cho thông thoáng. Chị biết vậy nên tạm lánh sang vỉa hè đường Trường Sa, Q.Tân Bình. Nhưng công việc buôn bán của chị Hương cũng không mấy thuận lợi.
Vậy là chị được về chợ Phạm Văn Hai yên tâm buôn bán như hiện nay. Nhưng cái tên quán chè Cô Quy đi đâu cũng có khách quen ghé ủng hộ. Nhờ đó, giá bán từng loại chè vẫn giữ mức bình dân như ở vỉa hè ngày nào.
Ông Thái Bình Sơn, Trưởng Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết, khu chợ hàng rong này hoạt động được vài tháng, có khoảng 15 hộ buôn bán. Thời gian hoạt động chợ hàng rong từ 18 giờ 30 đến 23 giờ mỗi ngày. Mỗi hộ kinh doanh sẽ đóng mức phí mặt bằng áp dụng theo quy định của UBND TP (dao động trên dưới 100.000 đồng/ngày). Song song đó hộ kinh doanh cũng được miễn các loại chi phí về điện, nước, vệ sinh và được huấn luyện về an toàn thực phẩm.
Ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết thêm, UBND Q.Tân Bình sẽ nghiên cứu, khảo sát địa điểm mới và có thể triển khai tiếp theo mô hình chợ ràng rong tập trung này tại khu vực chợ Tân Bình và Bàu Cát.

Từ hàng rong thành tiểu thương chợ
Chị Ánh cũng như nhiều tiểu thương khác, từ ngày được vào chợ Phạm Văn Hai, chị Ánh thiết kế gian hàng bắt mắt hơn, thoải mái bày thêm bàn ghế, bán thêm xôi đùi gà với gỏi khô bò, thay vì chỉ bán xôi gà xé như trước đây và vẫn giữ được giá 15.000 đồng/phần.
Được bán ở chợ là điều ngoài sức mong đợi của chị: “Từ khi được vào đây, gia đình tôi rất phấn khởi, không phải nơm nớp lo âu, vừa bán vừa canh chừng như lúc trước nữa, an cư thì mới lạc nghiệp được, với tình hình chung như thế này mà được vào chợ bán thì nhất rồi, lúc trước mỗi lần bị rượt là mỗi lần cực, đồ đạc nặng nề mà chỉ có 2 mẹ con tôi bán, nên việc bưng bê cũng khó khăn”.
Còn bà Bùi Thị Nhật (58 tuổi, ngụ P.3, Q.Tân Bình) bán cháo tại chợ Phạm Văn Hai chia sẻ, từ khi vào chợ, việc buôn bán tiến triển hơn rất nhiều, có nhiều khách đến ăn hơn, chủ động trong việc chuẩn bị số lượng cháo. Nhất là bà Nhật không phải đẩy xe "chạy" từ đường này sang đường khác như thời điểm còn bám vỉa hè trước đây.
Từ ngày nghe được tin chợ Phạm Văn Hai tổ chức cho người bán hàng rong vào chợ, bà Nhật mừng rỡ, quyết định xin vào chợ để bán.
Nhiều tiểu thương từng bán hàng rong bây giờ đã có thể bày biện bàn ghế nhiều hơn vì được bán ổn định ở chợ mà không lo sợ bị đuổi Phạm Hữu
“Lúc trước việc buôn bán bấp bênh lắm, không ổn định, bữa được bữa không, mưa gió đi lại bất tiện lắm, nhưng từ khi vào đây, có địa điểm cố định tôi được bày bàn ghế, bắt đầu có khách có “mối” cũng không sợ mưa gió gì nữa, ở đây có mái che rất tiện lợi", bà Nhật phấn khởi nói.
Từ một người đẩy xe bán cháo thì nay bà Nhật có hẳn một gian hàng trong chợ, được tự do bày biện bàn, ghế. Thu nhập từ việc bán cháo của bà cao hơn gấp 2 lần so với trước, không chỉ bán cháo bà còn bán thêm đồ uống để phục khách của mình.
Sau thời gian buôn bán tại đây, bà Nhật cảm thấy rất thoải mái, thu nhập cũng ổn hơn và nhất là không còn cảnh phải “co giò” đẩy xe bỏ chạy khi bị kiểm tra đột xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.