Số 248 Cống Quỳnh

21/12/2015 04:36 GMT+7

Số 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM là tòa soạn (cũ) của Báo Thanh Niên . Thật sự, đây là tòa soạn thứ hai. Tòa soạn đầu tiên khi khởi nghiệp là một căn nhà phố một trệt một lầu trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5.

Số 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM là tòa soạn (cũ) của Báo Thanh Niên. Thật sự, đây là tòa soạn thứ hai. Tòa soạn đầu tiên khi khởi nghiệp là một căn nhà phố một trệt một lầu trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5.

Trụ sở mới của Báo Thanh Niên ở 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 - Ảnh: Diệp đức MinhTrụ sở mới của Báo Thanh Niên ở 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Về đường Cống Quỳnh - một trong những con đường đẹp với hệ thống cây cao bóng mát và những công trình văn hóa, kinh tế, xã hội quan trọng của thành phố, Báo Thanh Niên mới thật sự phát triển mạnh. Tôi có duyên khi gắn bó với số nhà ấy trong 22 năm qua và thật hạnh phúc khi được làm báo ở đó - một ước mơ lớn ấp ủ trong lòng mình từ thuở đôi mươi. Ngày xưa cha tôi dạy lớn lên cố gắng đi làm báo.
Bạn có thể hình dung ra cách làm báo “thủ công” thời ấy không nhỉ? Cả tòa soạn chúng tôi chỉ có được 2 máy vi tính loại 486 - được coi là sang trọng, vì thời ấy nhiều tờ báo... chưa có được chiếc máy vi tính nào. Phóng viên viết bài bằng tay; biên tập viên biên tập bằng tay; Ban Biên tập duyệt bài cũng... bằng tay. Nghĩa là các khâu đều làm theo kiểu thủ công; chỉ đến khi đưa bài lên máy tính nạp dữ liệu thì mới được “tối tân hóa” một bước. Ảnh dùng thời đó là ảnh đen trắng; chụp xong, tráng phim ra, cắt cúp thì mới gọi là ảnh. Riêng với tờ Thanh Niên nguyệt san - tiền thân của Thanh Niên tuần san ngày nay, thì được in bìa màu offset; ảnh là do các bạn ca sĩ, hoa hậu, người mẫu đem đến y khuôn y cỡ 20 x 26 cm.
Tôi chính thức đến nơi ấy và gia nhập đội ngũ của Báo Thanh Niên từ ngày 14.7.1993. Trước đó, tôi làm phó ban thư ký tòa soạn của một tờ báo khác, xin nghỉ việc đột ngột trong vòng... 5 phút vì lòng cảm thấy không vui. Đang nằm ở nhà thì anh Nguyễn Công Khế - Tổng biên tập gọi đến. Anh Khế chỉ nói ngắn gọn, rủ tôi về làm ở Báo Thanh Niên. Tôi hỏi lại anh tôi có thể làm gì. Anh dứt dạt: Thư ký tòa soạn, ông không làm thì thôi.
Tòa soạn Báo Thanh Niên ngày ấy vốn là một biệt thự của tư nhân. Căn biệt thự nằm phía trước được sửa sang lại để làm một phòng tiếp khách; một phòng nghỉ ngơi cho anh em ở lại buổi trưa; một bàn điện thoại; phía sau là phòng của Ban Biên tập và Ban Thư ký. Phía trước đối diện với biệt thự, báo cho xây một dãy nhà cấp 4 làm Phòng Công tác bạn đọc; phía sau biệt thự cũng có một dãy nhà cấp 4 có gác tạm dành cho Tổ Kỹ thuật và Tổ Tài vụ. Bước qua khỏi cổng, có một con đường hành lang đi thẳng đến chỗ tài vụ; nơi đó có trồng một cây nhãn chưa bao giờ thấy ra trái.
Báo Thanh Niên đi trước thời đại rất xa! Hồi ấy, chưa nghe chuyện ai cấm hút thuốc lá nhưng Ban Biên tập đã ra lệnh cấm hút thuốc lá trong cơ quan, anh nào hút ẩu, bị phạt! Mà cơ quan thì có ít nhất năm cái ống khói tàu. Hễ cấm trong nhà thì ra ngoài ngõ; chúng tôi phải ra... ngắm đường Cống Quỳnh, hút thuốc. Ngay trước cổng có cây dầu rất bự, bốn năm anh ra đứng đó hút thuốc khói tỏa mù trời; cứ y như những nhà thơ đang đi tìm tứ thơ. Tìm tứ thơ thì cũng tốt, nhưng tìm tứ thơ lúc trưa tháng 6 nắng gắt thì cũng hơi hăng hái với thơ quá!
Cảm thấy không có khiếu làm thư ký tòa soạn, tôi xin các anh Ban Biên tập chỉ cho làm tờ nguyệt san, kiêm nhiệm công việc công tác xã hội từ thiện; giao 3 tờ báo ngày lại cho đồng nghiệp khác. Các anh chấp thuận. Từ đó, Báo Thanh Niên có một đội ngũ làm công tác từ thiện xã hội khá tốt. Nơi nào có bão lụt hay xảy ra nạn nhà cháy, chỉ cần Báo Thanh Niên trưng lên một băng rôn là bà con thành phố đem tiền, quà đến gửi tặng. Đặc biệt, trận bão lớn năm 1996 ở Phú Yên đã được bà con tiểu thương chợ An Đông bao hết chuyện cứu trợ, từ tiền quà đến xe pháo vận chuyển. Báo Thanh Niên có chiếc Jeep lùn A2 chịu chơi, khi thì chạy như ngựa, khi thì phải còng lưng đẩy; vậy mà vẫn lên đèo xuống vực, đi khắp miền Trung vào đến đồng bằng sông Cửu Long để đến với bà con. Ban ngày cứu trợ, tối về viết tin bài gửi qua fax, còn hình ảnh thì nhiều khi... chịu chết! Công việc vậy mà vui hết biết.
Đại để, dù tòa soạn chưa quy mô mấy nhưng Thanh Niên đã nỗ lực để trở thành tờ báo của mọi người, mọi gia đình. Lớp lớp phóng viên trẻ vào đó học việc, sau này trở thành những nhà báo có tiếng tăm, làm lãnh đạo các phòng ban của báo. Tuy nhiên, hình ảnh mà tôi nhớ nhiều nhất là nhà thơ Bùi Giáng thường hay đến đó vào những tháng 11 dương lịch hằng năm, ngồi dưới gốc cây nhãn bên đường hành lang, “tác chiến” thơ để đăng báo tết. Tất nhiên là nhân viên lễ tân của báo vẫn thường lễ phép mời ông vào ghế bành ngồi nhưng biết sao được khi nhà thơ của chúng ta lại thích ngồi dưới gốc nhãn hơn. “Chu choa, có mấy bài thơ thơ mộng lắm ông Sao Biển nghe” - ông hay nói như vậy. Tôi nịnh ông: “Thưa anh, bài nào của anh cũng thơ mộng hết”. Và Thanh Niên cũng như Thanh Niên nguyệt san thường đăng những bài thơ của Bùi Giáng trên báo tết một cách trang trọng, đôi khi kèm cả hình hay thủ bút.
Trên đây là tôi nói chuyện tòa soạn 248 Cống Quỳnh của... thế kỷ thứ 20! Qua thế kỷ 21, Báo Thanh Niên ra nhật báo, 7 bản in một tuần và 4 bản in Thanh Niên tuần san mỗi tháng. Tòa soạn 248 Cống Quỳnh lột xác làm một cuộc đổi đời ngoạn mục, vươn lên thành tòa cao ốc 5 tầng với đủ chỗ rộng rãi cho các phòng ban làm việc; tầng hầm rộng rãi có thể chứa được cả trăm chiếc xe. Thế nhưng, chỉ với bấy nhiêu thôi thì cũng chưa đáp ứng được tiềm năng phát triển, Thanh Niên Online vẫn phải đóng ở một ngôi nhà bên cạnh.
Trụ sở cũ ở 248 Cống Quỳnh, Q.1Trụ sở cũ ở 248 Cống Quỳnh, Q.1

Ngày 19.10.2015, Báo Thanh Niên dời tòa soạn về một cao ốc mới xây dựng gồm 2 tầng hầm, 10 tầng lầu, đóng tại số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3. Giã từ tòa soạn 248 Cống Quỳnh, giã từ hình ảnh ngôi biệt thự cũ chỉ còn trong trí nhớ, lòng tôi chợt nổi lên tình cảm bồi hồi. Có vẻ như tôi là con người hoài cổ, bước đi trên con đường lớn, người ta vẫn để lòng nhớ lại lối xưa - đó là một thứ tình cảm tự nhiên và nhân hậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.