Sau thành công của nhà khoa học nữ, là một người chồng

Quý Hiên
Quý Hiên
11/03/2021 17:19 GMT+7

TS Nguyễn Thị Ánh Dương là một trong những nhà khoa học trẻ được đánh giá là có triển vọng trong ngành Tuyến trùng học của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Ánh Dương cho biết, phụ nữ ngày nay được tạo điều kiện rất nhiều để tham gia nghiên cứu khoa học. Điều quan trọng là phải đam mê nỗ lực thật nhiều để đạt được điều mình mong muốn..

Hạnh phúc với lựa chọn của mình

TS Nguyễn Thị Ánh Dương tâm sự: “Hồi chia chuyên ngành, nhiều bạn học đã chọn những chuyên ngành mà có nhiều cơ hội làm việc lương cao trong các doanh nghiệp, nhưng tôi thích đi đây đi đó (đó cũng là lý do tôi lớn lên ở ngoại thành Hà Nội nhưng vào TP.HCM học), thích tìm tòi khám phá, thích làm những việc gì đó có nhiều đóng góp cho xã hội… nên đã chọn chuyên ngành Tài nguyên Môi trường.
Có lẽ vì được học cái mình yêu thích nên tôi đã tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành này. Ra trường tôi ở lại trường làm việc một năm, sau đó ra Hà Nội làm việc ở phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Viện HL Khoa học công nghệ Việt Nam.
Được làm việc với những nhà tuyến trùng học hàng đầu, tôi tự nhận thấy mình cần phải nỗ lực học tập hơn nữa mới theo kịp được các nhà khoa học thế giới. Vì thế, tôi đã trau dồi tiếng Anh, học hỏi thêm về chuyên môn rồi làm hồ sơ xin học bổng đi học thạc sĩ ở Bỉ. Tôi đã nhận được học bổng toàn phần Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu trị giá 48.000 Euro cho 2 năm học tại các nước có nền giáo dục hàng đầu ở châu Âu (Bỉ, Đức, Tây Ban Nhan và Bồ Đào Nha).
Học xong thạc sĩ, tôi về nước làm việc 2 năm, sau đó tôi tiếp tục xin được học bổng toàn phần của Chính phủ Đức để Đức làm nghiên cứu sinh. Năm 2017, sau khi có bằng tiến sĩ, tôi tiếp tục làm việc tại Viện Hàn lâm cho tới nay.

Thu mẫu ngoài thực địa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Nậm Nô, Lào

Ảnh NVCC

Một may mắn khác là khi chọn nghề, tôi biết mình thích gì. Vì thế khi đã thích, đã lựa chọn là tôi theo đuổi đến cùng, thấy hạnh phúc với lựa chọn đó mà không bị chi phối bởi việc rồi mai sau có kiếm được nhiều tiền hay không!”.

Cơ hội giữa nhà khoa học nam và nữ là như nhau

* Khi quyết định theo đuổi nghề nghiên cứu khoa học, chị có biết thực trạng nền khoa học nước nhà như thế nào không? Bởi nếu biết việc nhiều nhà khoa học vẫn than vãn việc nghiên cứu khoa học ở mình còn nhiều khó khăn, có thể chị sẽ nản lòng?
- TS Nguyễn Thị Ánh Dương: Thời điểm tôi bắt đầu đi làm, ngành Tuyến trùng học trên thế giới rất phát triển, Viện HL KHCN VN cũng rất quan tâm và tạo điều kiện cho ngành này. Các anh chị ở phòng Tuyến trùng học đều là những người rất giỏi, tâm huyết, được đào tạo bài bản, hoạt động nghiên cứu rất tích cực. Vì thế mà tôi càng tin tưởng vào lựa chọn của mình.
* Cơ quan của chị có nhiều nhà khoa học nữ không?
- Nếu tính trên phạm vi Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, chắc chắn tỉ lệ nam lớn hơn nữ. Nhưng riêng Phòng Tuyến trùng học, hiện nay chúng tôi có 4 chị em, trong khi tổng số nhân sự của phòng là 8 người; giai đoạn trước đây thì nam nhiều hơn. Nói vậy để cho thấy, nghề nghiên cứu khoa học, ít nhất là trong lĩnh vực sinh học, không phải là nghề dành riêng cho nam hay cho nữ.
Như tôi đã chia sẻ ở trên, tôi nhận thấy xã hội ngày nay khá cởi mở khiến cho người trẻ được tự do hơn, thoải mái hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Trong khi đó, cơ hội học tập giữa nam và nữ là như nhau, nghề nghiên cứu khoa học nhìn chung cũng không quá kén chọn giới tính nam hay nữ. Ở một góc độ nào đó, phụ nữ có những tố chất thiên bẩm mà tình cờ lại phù hợp với việc nghiên cứu khoa học, ít nhất là với tôi, chẳng hạn như sự chăm chỉ, tính cẩn thận, khả năng làm những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ…
Tuy nhiên, một khó khăn mà tôi cũng đã nhắc đến, ngành của tôi đòi hỏi nhà khoa học phải chịu khó đi thực địa, phải mang vác những bao đất nặng trong rừng (để lấy mẫu về nghiên cứu sinh vật trong đất). Nhiều khi, công việc của chúng tôi vất vả và lấm lem chẳng kém mấy thợ mỏ.

Thu mẫu ngoài thực địa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Lũng, Tỉnh Lạng Sơn

Ảnh NVCC

Nhưng tôi nghĩ nghề nào cũng thế, phụ nữ vừa có những lợi thế, vừa có những khó khăn. Cho nên không cần phải quá so đo tính toán việc này, cơ bản là mình có thích hay không thôi.
* Như vậy, trong giới nghiên cứu khoa học không có chuyện kỳ thị nam - nữ?
- Ở đâu tôi không rõ, nhưng ở Viện HL Khoa học công nghệ VN, nếu phải so sánh nam với nữ thì tôi thấy giữa hai giới cơ hội là ngang bằng, vấn đề là từng cá nhân có cố gắng hay không. Sự phát triển của mỗi người phụ thuộc vào chính họ, không phải do giới tính là nam hay nữ.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay có rất nhiều đề tài, dự án. Vì thế nhà khoa học có thể yên tâm làm khoa học. Nói là đủ ăn thì không hẳn, vì thế nào là đủ còn do nhu cầu của mỗi người, nhưng chắc chắn là chỉ cần phấn đấu là không lo nghèo. Thậm chí còn “giàu”, giàu tri thức.

Sau thành công của nhà khoa học nữ là… một người chồng

* Nhưng phụ nữ sẽ phải chịu những thiệt thòi vì phải sinh con, chăm sóc con cái… Trong khi việc nghiên cứu khoa học nhiều khi đòi hỏi nhà khoa học dồn thời gian dài và liên tục cho một hoạt động cụ thể nào đó?
- Đúng vậy. Có những nghề tuy vất vả nhưng chỉ đòi hỏi người lao động dồn tâm dồn sức trong giờ hành chính, hết giờ là về với gia đình, nhưng nghề khoa học thì không thể làm theo giờ hành chính. Nó là khó khăn chung và mỗi người đều phải tự sắp xếp. Chẳng hạn, nếu đang nuôi con nhỏ, bạn bắt buộc phải chờ con ngủ mới là giờ làm việc của bạn, đêm dậy viết báo cáo, xử lý số liệu, viết đề xuất... Nhưng không phải lúc nào cũng tự sắp xếp được, vì có những thí nghiệm mà nhà khoa học buộc phải làm liên tục trong 24 giờ. Lúc đó đành phải nhờ đến sự hỗ trợ của người thân.
May mắn của tôi là chồng tôi rất ủng hộ vợ theo đuổi nghề nghiên cứu. Tôi sinh cháu lớn khi học thạc sĩ bên Bỉ và Tây Ban Nha, chồng tôi phải sang đó 1 năm để hỗ trợ tôi. Khi tôi học tiến sĩ ở Đức thì phải nhờ ông bà nội chăm sóc cháu. Hoặc có những đợt tôi phải đi công tác dài ngày (2, 3 tuần đến thậm chí một vài tháng là tôi phải gửi con cho ông bà.
Nhờ thế mà tôi đã gần trải qua được thời gian khó khăn nhất của một phụ nữ nuôi con nhỏ (bạn bé nhà tôi hiện đã 2 tuổi, bạn lớn 10 tuổi) mà không phải gián đoạn việc nghiên cứu, thậm chí tôi vẫn làm được nghiên cứu một cách tích cực trong thời gian đó. Giờ đây, tôi đã có thể thảnh thơi hơn để tập trung cho những hoạt động khám phá khoa học mà đòi hỏi nhiều công sức, nhiều thời gian hơn.
Mỗi khi chia sẻ với các bạn trẻ về việc nghiên cứu, tôi thường nói, nếu mình làm việc bằng sự đam mê thì mình sẽ toàn tâm, toàn ý tập trung cho công việc đó và điều này sẽ giúp mình hoàn thành công việc ở mức độ xuất sắc. Một khi đã bị cuốn theo đam mê thì sẽ không có thời gian để nghĩ lại, nó giúp cho đời sống của mình duy trì trong trạng thái đã yêu rồi là yêu mãi.

* Ông xã chị làm nghề gì?

- Anh ấy là điều hành du lịch. Đó là người bạn “thanh mai trúc mã” với tôi. Chúng tôi học cùng với nhau từ năm lớp 8.

Thu mẫu ngoài thực địa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Lũng, Tỉnh Lạng Sơn

Ảnh NVCC

Chồng tôi còn lái xe chở tôi đi thu mẫu.. Đề tài nghiên cứu sinh của tôi ở bên Đức đòi hỏi phải lấy mẫu ở Lạng Sơn, Hải Phòng và Cao Bằng, lần nào chồng tôi cũng là người tháp tùng vợ đi làm việc. Có một kỉ niệm mà tôi không thể nào quên. Do khu vực tôi thu mẫu thuộc hệ sinh thái núi đá vôi nên các vách núi thường dựng đứng, đi vào vùng lõi để thu mẫu rất vất vả. Chồng tôi cũng muốn đi phụ giúp vợ mặc dù tôi đã có người hỗ trợ, nhưng lần đầu tiên đi leo núi thì chồng tôi đã ngã từ đầu cho đến khi kết thúc. Lần sau thì cứ dặn vợ trước, anh chỉ ở cửa rừng chờ em thôi nhé và mang sẵn một đống sách để đọc.
* Như vậy, sau thành công của một nhà khoa học nữ là có một người chồng?
- Đúng rồi. Cơ quan tôi vẫn thường trêu, Dương có được bằng tiến sĩ thì chồng của Dương chắc phải được bằng giáo sư (Giáo sư không có bằng, mà là được phong tặng). Không chỉ hỗ trợ trực tiếp vợ trong công việc mà chồng tôi chăm con rất khéo. Cho con ăn, tắm cho con, chơi với con, dạy con học… anh ấy làm được hết. Nên mỗi khi đi công tác, tôi hoàn toàn yên tâm để con ở nhà.
Cảm ơn TS Nguyễn Thị Ánh Dương!
TS Nguyễn Thị Ánh Dương năm nay 38 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi (tại ĐH Gent của Vương quốc Bỉ và ĐH Jaén của Tây Ban Nha), tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc (tại ĐH tổng hợp Cologne của Đức). Năm 2017, chị được nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Bộ KHCN và TƯ Đoàn tặng cho thanh niên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.