Sau hạn mặn lịch sử, dừa Bến Tre 'bán không ai mua, cho không ai lấy'

16/09/2020 10:36 GMT+7

Dư âm của đợt hạn mặn gay gắt nhất lịch sử vừa qua đã khiến cho nhiều hộ dân trồng dừa ở tỉnh Bến Tre tiếp tục lao đao. Nhiều buồng cho ra trái chỉ lớn hơn trái ca cao.

Địa bàn huyện Giồng Trôm có diện tích trồng dừa hơn 17.454 ha. Những xã trồng dừa có quy mô lớn gồm Tân Lợi Thạnh, Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông và Châu Bình. Vài tháng trở lại đây, nhiều hộ gia đình rất khó khăn trong việc bán dừa cho thương lái.
Dừa không đủ chuẩn hay còn gọi là dừa "dạt" được bán với giá rất rẻ hoặc tính gộp 2, 3 trái thành một. Thậm chí nhiều thương lái đến tận nơi mà lắc đầu không mua vì không đạt được thỏa thuận với nhiều hộ dân trồng dừa trong vùng.
Hạn mặn lịch sử: Dừa Bến Tre lâm cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”

Một hộ dân thuê người trèo lên cây dừa cắt bỏ trái với giá 10.000 đồng/cây

"Mấy tháng vừa qua nhà tôi gần như không thu được huê lợi từ dừa. Do gia đình có truyền thống trồng dừa xiêm uống nước nên sau đợt hạn mặn, dừa bị teo tóp. Gia đình phải thuê người trèo lên cây cắt bỏ để dưỡng những buồng đang lớn", anh Trần Minh Thư (ở xã Tân Lợi Thạnh) cho hay.
Vườn dừa khô của chị Nở ở xã Thạnh Phú Đông cũng tương tự. "Do không ai mua vì trái nhỏ như dừa điếc, hai vợ chồng tôi phải tự bỏ công giật xuống để tránh mất sức cho các lứa dừa sau", chị Nở chia sẻ.
Hạn mặn lịch sử: Dừa Bến Tre lâm cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”

Người dân ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre đang đứng trước đống dừa "dạt"

Mỗi cây dừa được người dân thuê cắt bỏ trái không đạt chuẩn phải trả chi phí là 10.000 đồng. Người nông dân đã không thu được huê lợi mà còn lại tốn tiền để rửa sạch cây và mong cây sinh trưởng tốt để thu hoạch trái đạt chuẩn trong các tháng tiếp theo.
"Buồn cười nhất là vùng này ai cũng trồng dừa. Nên khi cắt xuống tôi rủ hàng xóm qua mang về uống nhưng không ai lấy. Đã bán không ai mua, giờ đến khi cho cũng không ai lấy. Chỉ có vài đứa nhỏ mang về được ít buồng để uống còn lại bao nhiêu tôi bỏ sau hè", anh Thư nói.
Hạn mặn lịch sử: Dừa Bến Tre lâm cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”

Những trái dừa "lẹt đẹt" được bán với giá từ 1.000 - 1.500 đồng

Anh Nguyễn Thanh Vân (ở xã Mỹ Thạnh An) có gần 2.000m2 trồng dừa xiêm. Mọi năm thời điểm này dừa thu hoạch không đủ bán cho thương lái. Thì năm nay kỳ kèo mãi mới bán được với giá rẻ bèo chưa từng có.
"Đợt vừa rồi hơn 300 trái dừa, nhà tôi chỉ thu về có hơn 500.000 đồng. Giờ có người mua là mừng, chỉ mong sao bán được kiếm lại ít tiền mua phân bón", anh Vân chia sẻ.
Hạn mặn lịch sử: Dừa Bến Tre lâm cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”

Một rổ dừa 7 trái với giá 10.000 đồng dù nước ngọt và cơm dày

"Mọi năm thời điểm này tôi thu mua được khoảng 30 thiên dừa (1 thiên dừa là 1.200 trái), nhưng mấy tháng nay tôi chỉ mua được phân nửa so với mọi năm. Giá dừa khô hiện giờ đang giảm chỉ còn 70.000 đồng/chục. Để phụ giúp người nông dân, tôi mua cả trái không đạt chuẩn để mang về tách ra phơi cơm dừa bán lại", một thương lái ở xã Long Mỹ nói.
Ông Nguyễn Văn Nhân (Trưởng ấp 1A xã Thạnh Phú Đông) chia sẻ: "Tại địa bàn của chúng tôi đang rà soát và lập danh sách để hỗ trợ thiên tai cho người dân theo diện tích trồng dừa. Hy vọng rằng phần nào giúp cho người nông dân vững tin để qua vượt qua thời điểm gian khó này".
Hạn mặn lịch sử: Dừa Bến Tre lâm cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”

Đống dừa mới cắt xuống kêu cho mà không ai lấy tại nhà anh Trần Minh Thư

Nhiều hộ dân trồng dừa ven ngoại ô thành phố Bến Tre chủ động hơn khi mang dừa rao bán trước cửa nhà. Mỗi trái dao động từ 1.000 đến 1.500 đồng. Mỗi hộ gia đình chọn mỗi cách để cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này. 

Một vài đứa nhỏ mang xe đạp qua chở dừa về nhà để uống ngày hè

Những trái dừa khô mang về có thể nấu dầu dừa bán kiếm tiền

Một sự so sánh khác biệt giữa trái dừa uống nước đủ chuẩn (trái) và dừa không đủ chuẩn (phải)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.