Sao Mai ‘biến đất nở hoa’

17/12/2019 10:38 GMT+7

Tập đoàn Sao Mai đang tạo ra những cú hích 'biến đất nở hoa' cho cộng đồng người Khmer vùng Bảy Núi qua những mô hình liên kết cung cấp nguyên liệu.

Lại một vụ mùa khoai mì KM140 thắng lớn ngay trên vùng đất cằn cỗi ở huyện miền núi Tịnh Biên (An Giang). Năng suất đạt cao nhất 46 tấn/ha và thấp nhất 35 tấn/ha, cao hơn vụ thí điểm năm 2018 là 5 tấn/ha và cao gần gấp đôi so với loại mì địa phương. Trước sau như một, Tập đoàn Sao Mai vẹn nguyên lời cam kết bao tiêu mì tươi theo thời giá khiến nông dân nức lòng, tin tưởng.

Cây khoai mì giúp xóa đói giảm nghèo

Câu chuyện khởi nghiệp trồng khảo nghiệm khoai mì KM140 do Tập đoàn Sao Mai phát động đầu năm 2018 thông qua việc tài trợ đề án “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi”, trong đó rót vốn và bao tiêu sản phẩm khoai mì là mục đích của toàn bộ chương trình. Ở giai đoạn 1, Sao Mai đã tài trợ gần 0,5 tỉ đồng không hoàn lại cho 9 hộ dân người dân tộc Khmer tham gia trồng ứng dụng trên 17 ha. Sau 9 tháng canh tác, cánh đồng mẫu lớn KM140 đã cho thương vụ “đậm quả” với năng suất đạt gần 40 tấn/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế này là tiền đề rất quan trọng để nhiều nông dân người Khmer 2 xã An Cư và Văn Giáo nhiệt tình tham gia.
Từ thành công mong đợi của vụ mùa đầu tiên, niên vụ khoai mì KM140 năm 2019 đã thu hút hơn 60 hộ tham gia liên kết trồng mì cho Sao Mai với diện tích gần 82 ha. Hiện nay nông dân đang bước vào thu hoạch trà đầu với năng suất cao ngất ngưỡng, lại được Sao Mai hỗ trợ trọn gói nên lợi nhuận mang về từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Dự kiến, toàn bộ diện tích khoai mì sẽ thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang chia sẻ: “Từ kết quả thành công của mô hình mì khảo nghiệm và vụ mì đại trà năm nay đã cho thấy việc ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thay đổi giống mì mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng là lời giải cho bài toán chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Sao Mai đã rất chuyên nghiệp trong việc đầu tư ở các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, năng lượng tái tạo, kinh doanh du lịch, xuất khẩu lao động và hiện nay là nông sản. Chính Sao Mai đã góp phần tích cực giúp bà con nông dân Khmer vùng Bảy Núi có cuộc sống tốt hơn”.

Tài trợ vốn, bao tiêu sản phẩm

Theo kế hoạch, diện tích trồng khoai mì sẽ được Sao Mai phổ biến nhân rộng lên hơn 300 ha trong năm 2020, trải dài qua 9 xã, thị trấn của H.Tịnh Biên: An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi, An Phú, Thới Sơn, An Hảo, An Nông, Nhà Bàng và Tịnh Biên. Trong 2 năm tiếp theo, Sao Mai sẽ phát triển nhanh diện tích trồng mì sang cả H.Tri Tôn (An Giang) để tổng diện tích đạt đến 5.000 ha. Nếu tính bình quân 2 ha/hộ thì với số diện tích trên sẽ có khoảng 2.500 hộ đổi đời và thu hút hàng ngàn lao động khác có việc làm từ mô hình liên kết khoai mì. “Vừa tài trợ vốn, vừa bao tiêu là cách làm của Sao Mai. Đầu vào, đầu ra kết nối chặt chẽ, đồng điệu là một thành công lớn. Sao Mai bảo lãnh thị trường, nông dân cứ yên tâm sản xuất cho giỏi để khoai mì đạt năng suất cao”, lãnh đạo Sao Mai chia sẻ.
Thành công bước đầu cho thấy chiến lược hình thành vùng nguyên liệu trù phú cho Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (Sao Mai Super Feed có thị trường tiêu thụ rất tốt) đang có những bước tiến vững vàng. Tập đoàn Sao Mai đang đề nghị H.Tịnh Biên nên thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác ở các xã, thị trấn có diện tích trồng cây khoai mì để thuận lợi cho việc tập trung đầu mối quản lý, thu gom và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Cây khoai mì vốn không xa lạ với nông dân H.Tịnh Biên khi hơn 10 năm trước được địa phương phát động trồng đại trà để cung cấp nguyên liệu cho một nhà máy ở huyện. Thế nhưng, sản phẩm của nhà máy này không có thị trường tiêu thụ khiến nông dân mất phương hướng canh tác, không có niềm tin vào cây khoai mì.
Bây giờ, vẫn là cây khoai mì được gieo trồng trên những thửa đất khô cằn ở H.Tịnh Biên nhưng lại có những đổi thay lạ kỳ khi được Sao Mai tài trợ thực hiện đề án “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.