Sao Hỏa chưa bao giờ có sự sống tồn tại ?

17/06/2015 14:41 GMT+7

(TNO) Nhiều nhà khoa học cho rằng từng tồn tại một đại dương mênh mông ở phía bắc sao Hỏa và sự sống có thể đã sinh sôi tại đây. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố lại bác bỏ quan điểm này và khẳng định không thể có cơ sở để sự sống tồn tại trên sao Hỏa.

(TNO) Nhiều nhà khoa học cho rằng từng tồn tại một đại dương mênh mông ở phía bắc sao Hỏa và sự sống có thể đã sinh sôi tại đây. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố lại bác bỏ quan điểm này và khẳng định không thể có cơ sở để sự sống tồn tại trên sao Hỏa, theo Daily Mail.

Hình mô phỏng sao Hỏa có nhiều nước ở cực bắc hành tinh cách đây 3,7 tỉ năm - Ảnh chụp màn hình NASA 

Nghiên cứu cho rằng nước trên hành tinh đỏ không ở thể lỏng mà ở thể rắn, tập trung thành những tảng băng khổng lồ và vì thế sự sống không thể sinh sôi nảy nở trong điều kiện lạnh giá khắc nghiệt, càng không thể có tồn tại đại dương cổ.
Các nhà khoa học đưa ra kết luận sau khi tính toán điều kiện khí hậu trên sao Hỏa trong giai đoạn cách đây từ 3 đến 4 tỉ năm, lúc đó mặt trời mờ hơn hiện nay khoảng 25 %.
Những tính toán cho thấy tình trạng khí hậu trên sao Hỏa thời điểm đó nhiều khả năng là lạnh chứ không hề ấm áp và ẩm, những điều kiện cần thiết cho sự sống, nhà khoa học Robin Wordsworth, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Đaị học Harvard (Mỹ), cho biết.
Nhóm đã chia ra 2 kịch bản có thể xuất hiện trên sao Hỏa cách đây 3 đến 4 tỉ năm và tiến hành nghiên cứu. Một kịch bản là khí hậu ấm và ẩm ướt ở 10 °C, một là lạnh hơn và đóng băng ở -48 °C.
Dựa vào lịch sử hoạt động của mặt trời và độ nghiêng của sao Hỏa thời điểm đó, nhóm nghiên cứu cho rằng kịch bản sao Hỏa đóng băng là có nhiều khả năng xảy ra hơn. Nó cũng phù hợp với sự xuất hiện và phân bố các vết tích xói mòn trên bề mặt hành tinh như thung lũng hay vách đá.

Những vết tích xói mòn gần đường xích đạo của sao Hỏa - Ảnh chụp màn hình NASA

Khi đó, do trục sao Hỏa nghiêng và hướng vùng cực về phía mặt trời nên các tảng băng khổng lồ sẽ di chuyển về hướng xích đạo, để lại phía sau các vết tích xói mòn như ngày nay.
Trong khi đó, các giả thuyết trước đây cho rằng sao Hỏa ấm và ẩm ướt. Những đám mây, bụi và khí carbon dioxide (CO2) giữ cho hành tinh đủ ấm để nước tồn tại ở dạng lỏng trong suốt hàng triệu năm.
Hiện nay, những tranh cãi về sự sống trên sao Hỏa vẫn chưa có hồi kết. Tháng 5.2015, các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định lượng nước trên sao Hỏa cách đây 3,7 tỉ năm còn nhiều hơn cả Bắc Băng Dương.

Khoa học vẫn chưa thể giải thích vì sao khí quyển sao Hỏa dần biến mất - Ảnh chụp màn hình NASA

Phần lớn nước tập trung ở cực bắc hành tinh và có thể tồn tại suốt 1,5 tỉ năm. Về sau, bầu khí quyển sao Hỏa không rõ lý do vì sao lại biến mất, khiến nước cũng bốc hơi vào không gian.
Khoa học tập trung giải thích bí ẩn về sao Hỏa vì những gì xảy ra với nó cũng có thể xảy đến với Trái đất. Trong sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa, tàu thăm dò Curiosity của NASA đã gửi về những bằng chứng thuyết phục cho thấy trên sao Hỏa từng có nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.