Sáng ra đường và mãi mãi không trở về - Kỳ 1: Gà trống nuôi con

15/03/2016 14:02 GMT+7

Mỗi ngày, những ông bố, bà mẹ và những đứa trẻ rời khỏi nhà với những điều thú vị phía trước. Thế nhưng, chỉ một phút bất cẩn trên đường, họ đã ra đi mãi mãi mà không trở về mái ấm của mình.

Sinh nhật con là giỗ mẹ; đi vài km chúc tết hóa ra phải đi cả trăm km đưa con cấp cứu và từng giây từng phút giành giật sự sống cho chồng… Những nỗi đau ấy cứ ngày ngày gặm nhấm từng gia đình Việt bởi tai nạn giao thông.

Bé Nguyễn Quốc Huy văng khỏi bụng mẹ vì tai nạn giao thông lúc đang tập đi - Ảnh: Nguyên MiBé Nguyễn Quốc Huy văng khỏi bụng mẹ vì tai nạn giao thông lúc đang tập đi - Ảnh: Nguyên Mi
Sinh nhật con là giỗ mẹ
Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng với gia đình anh Nguyễn Văn Nam đã trôi qua hơn một năm. Cháu bé “thai nhi bị văng ra khỏi bụng mẹ” nay đã 15 tháng, kháu khỉnh và chập chững những bước đi đầu tiên trên chiếc chân giả. Thế nhưng, nỗi đau vẫn âm ỉ với anh, gia đình cùng bao khó khăn khi ngôi nhà nhỏ giờ đây chỉ có “gà trống nuôi con", chăm hai đứa trẻ khi người mẹ mãi mãi không về.
VIDEO: Những thói quen giết người hằng ngày mà bạn phải tránh - Thực hiện: Thùy Dương
Hình ảnh người cha gầy nhỏ, ngâm đen đi từng bước khập khiễng trên chiếc chân giả, bế cậu con trai chỉ hơn một tuổi cũng đang mang một chiếc chân giả mỗi lần vào bệnh viện khiến ai cũng thương lòng.
Anh Nam bế con vào tái khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên Mi
“Nó đã đứng chựng được rồi. Còn đi thì phải vịn, chập chững hà chứ chưa đi vững. Hồi mới đeo chân giả vào, chưa quen, nó khóc dữ lắm, cứ giật, đòi gỡ ra. Bây giờ quen rồi, mỗi lần muốn đi là nó lại cầm cái chân giả đưa mình, như bảo mình gắn vô cho nó. Thế là nó chập chững đi”, anh Nam kể.
Giọng anh vừa xen lẫn hạnh phúc khi kể về những việc bé Nguyễn Quốc Huy đã biết làm và vẫn lẫn vào đó chút nghèn nghẹn xót xa, thương con.
Ngôi nhà vắng bóng người phụ nữ để chăm lo nếp ăn, giấc ngủ, đặt biệt cho hai đứa con còn quá nhỏ. Trong đó, bé Huy phải chịu cảnh vắng mẹ và cũng chưa từng được biết đến hơi ấm, bầu sữa ngọt, bàn tay vuốt ve, vỗ về của mẹ từ khi mới chào đời. Đau xót hơn, ngày sinh nhật của bé cũng chính là ngày giỗ của mẹ.
Vào sáng 25.10.2014, thai phụ Nguyễn Thị Kim Ngọc (27 tuổi, ngụ phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, An Giang) có dấu hiệu chuyển dạ, được chồng là anh Nguyễn Văn Nam chở bằng xe máy đến bệnh viện để sinh.
Khi đến khóm Trung An (phường Mỹ Thới), xe máy anh Nam đang điều khiển bị một chiếc xe bồn trộn bê tông tông phải. Chiếc xe bồn trộn bê tông cán qua người chị Ngọc khiến chị tử vong.
Trong khi đó, thai nhi trong bụng chị văng ra ngoài bị giập chân bên phải, còn anh Nam bị thương nặng cũng mất đi một bên chân. Anh Nam đã được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Còn bé Nguyễn Quốc Huy (con anh) cũng đã được đến hơn 20 y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, cùng các phương tiện hiện đại, làm tất cả những gì có thể để cứu lấy sinh mạng, điều trị qua cơn nguy kịch và phục hồi sức khỏe.
Còn chị gái của Huy, mới 6 tuổi cũng đã phải đeo tang mẹ. Trong đám tang đó, bé chỉ biết khóc với nỗi đau quá lớn, mất mẹ, mà một cô bé nhỏ lúc ấy còn chưa thể hiểu thấu hết, cùng câu hỏi: “Ba đâu? Ba ơi!”. Khi đó, cả ba và em trai của em đều đang trong bệnh viện.
Loay hoay ở nhà nào là ru con ngủ, cho con bú sữa, ăn uống, thay tả, rửa bình sữa, giặt đồ, rồi đưa đón con gái đi học,… giờ là việc thường ngày của anh.
“Giờ nhà không có bàn tay phụ nữ thì cũng thiếu vắng, trống trải lắm chứ! Con vắng mẹ thì cha phải chăm thôi”, anh Nam nghẹn ngào.
Nhớ về vợ, rồi anh đắng lòng kể: “Hằng ngày mình vẫn đưa con đi học. Đi qua chỗ này, chỗ nọ, nó lại nhắc: chỗ này hồi đó mẹ chở con mua cục tẩy, cuốn vở nè ba, chỗ này hồi đó ba chở mẹ với con đi chơi nè, hay chỉ chỗ này mẹ mua xôi cho con, chỗ này mẹ mua áo, mua giầy cho con,… Lúc đó mình cũng chẳng biết nói gì với nó vì cũng không thể mở miệng ra để nói được gì chị ơi!”
“Có những đêm, tối đang ngủ, nó lại quay qua ôm ba khóc: “Con nhớ mẹ quá!”. Tui chỉ biết dỗ nó nói thôi, nói nó quên đi con, cái gì quên được thì cố quên đi con, chứ mẹ cũng không sống lại được đâu. Nói vậy chứ, tui cũng muốn khóc nhưng không dám khóc vì sợ nó lại buồn”, giọng người chồng đơn côi nấc nghẹn.
Hỏi anh đời sống kinh tế giờ có khó khăn không, làm có đủ tiền nuôi con không người đàn ông chất phác ấy lạc quan trả lời: “Cũng ổn. Phải cố gắng nuôi con, lo cho con chứ chị”. Chiếc xe tải đã làm anh mất một chân, cũng khiến sức lao động của anh yếu đi. Giờ không làm được việc nặng nữa nhưng anh vẫn cố gắng ra rẫy, làm được gì thì làm, còn thì cho người ta thuê làm.
Cứ thế, ba cha con cùng nương nhau viết tiếp câu chuyện gia đình vắng bóng mẹ. Thời gian qua đi, rồi cha con sẽ tìm lại những tiếng cười, niềm vui khi hai đứa trẻ lớn lên mỗi ngày. Nhưng có lẽ, tiếng cười, niềm vui giờ vẫn sẽ không thể nào trọn vẹn sau ngày định mệnh 25.10.2014.
Anh Nam một mình chăm con nhỏ vắng bóng mẹ - Ảnh: Nguyên Mi
“Chỉ mong ảnh sống”
“Giờ chỉ mong ảnh sống, chứ chưa tính được gì”, chị Nguyễn Thị Thúy Sen chia sẻ với khuôn mặt phờ phạc, hốc hác.
Đã gần 2 tháng nay chị gần như thức trắng đêm, mệt lắm cũng chỉ dám chập chờn chợp mắt, để trông chồng trong bệnh viện.
Anh Văn Viết Định (37 tuổi) đang điều khiển xe tải chở gỗ lưu thông trên địa bàn huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) thì xảy ra tai nạn với xe ngược chiều. Anh được đưa vô Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước phẫu thuật cấp cứu. Sau đó được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Anh Định điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy gần hai tháng nay sau TNGT - Ảnh: Nguyên Mi
Ròng rã gần 2 tháng trời, anh đã phải trải qua đến 4 lần phẫu thuật, đầy đau đớn và vẫn còn bị rò dịch mật. Anh vẫn phải nằm trên giường, tiêu tiểu vẫn qua ống dẫn, mọi sinh hoạt cá nhân đều do một ta vợ chăm sóc.
Theo bác sĩ Văn Thái Tuấn, Khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy (Bệnh viện Chợ Rẫy), bệnh nhân bị viêm phúc mạc toàn bộ do xì miệng nối mật ruột, tụy ruột, vị tràng.
“Bữa nay bác sĩ nói đã có hi vọng rồi, chứ mấy bữa trước nguy kịch lắm, không ai dám nói gì. Nhưng cũng chưa biết khi nào mới được xuất viện. Chỉ mong ảnh sống, chứ sức khỏe giờ chắc cũng không làm được gì nhiều nữa rồi”, chị Sen nói mà mắt đỏ hoe như khóc.
Thế là, mặc dù giờ chưa thể biết tính làm gì cho tương lai nhưng người phụ nữ 34 tuổi gầy guộc ấy biết chắc một điều rằng, từ giờ lao động chính của gia đình sẽ chuyển từ chồng sang vợ. Chị sẽ là người phải gánh vác gia đình với hai đứa con thơ chỉ đang ở tuổi mẫu giáo.
Lương công nhân may chỉ có 3 triệu đồng/tháng, không có đất nhà, vườn ruộng, chị cũng chưa nghĩ đến tương lai mình sẽ xoay xở ra sao. Còn trước mắt, có bao nhiêu tiền, ông bà nội ngoại đã giúp đỡ vợ chồng lo viện phí cho anh. Cha mẹ chồng cũng đã cầm cố nhà cửa. Số nợ để chạy chữa cho chồng đã lên đến hơn trăm triệu, “hết trả nổi rồi” (theo lời của chị - PV), trong khi ngay cả hồi anh còn đi làm cả năm vợ chồng cố gắng dành dụm cũng chưa được vài ba triệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.