Sản phẩm nội thất thân thiện môi trường lên ‘ngôi vua’

06/12/2018 15:58 GMT+7

Ngày 6.12, Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo quốc tế 'Nâng cao chất lượng cuộc sống và trang trí nhà cửa - Xu hướng và thực tiễn áp dụng trên thế giới'.

Xu hướng tiện lợi chi phối hoạt động sản xuất nội thất
Tại cuộc họp, các diễn giả tham dự đã có cơ hội chia sẻ những kiến thức mới liên quan đến lĩnh vực xây dựng, tu sửa nhà cửa và làm đẹp không gian sống (Home Improvement) vốn đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian qua. Đại diện Hawa cho biết Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, những khu căn hộ được xây dựng ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… kéo theo đó là những yêu cầu về tiêu chuẩn dịch vụ, trang trí nội thất cũng cải thiện theo hướng tiện lợi hơn cho người sử dụng.
Một yếu tố có thể thấy là đã có sự chuyển đổi trong nhận thức và thói quen sử dụng trang thiết bị nội thất của người tiêu dùng. Thay vì sử dụng gỗ tự nhiên nguyên tấm và lắp ghép sản phẩm nội thất rời rạc trong gia đình như trước đây, thì hiện nay việc sử dụng nội thất đã có quan tâm đến yếu tố thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Sản phẩm nội thất trong nhà cũng phải mang tính đồng bộ, liên kết, hài hòa và đặc biệt là phải nâng cao chất lượng cuộc sống, tính tiện lợi cho người sử dụng.
Về phía Hawa cũng khẳng định các doanh nghiệp trong hội bao gồm doanh nghiệp sản xuất nội thất chiếm 54%, thủ công mỹ nghệ chiếm 18% và dịch vụ khác trong ngành chiếm số lượng còn lại… đã có sự chuyển hướng trong hoạt động sản xuất của mình nhằm bắt kịp xu hướng phát triển trên.
Thân thiện môi trường - "visa" thông hành của doanh nghiệp
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Huân, Tổng giám đốc Công ty Thảm Nhi Long cho biết là đơn vị cung cấp thảm với quy mô lớn tại thị trường Việt Nam, trong nhiều năm qua, công ty đã chuyển hướng sang nhập và cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, sản phẩm thảm do Công ty Thảm Nhi Long nhập về đều đạt chứng nhận Oeko-Tex 100 của Đức. Đây là tiêu chuẩn đã được viện kiểm nghiệm Hohenstein Đức và Institute của Áo công bố và áp dụng vào năm 1992.
Trên thực tế, Oeko-Tex Standard 100 là chứng nhận phổ biến và uy tín bậc nhất hiện nay dành cho sản phẩm dệt may, trong đó có ngành công nghiệp dệt thảm. Sản phẩm thảm để đạt tiêu chuẩn Oekotex 100 sẽ trải qua trên 100 tiêu chí kiểm tra như nồng độ formaldehyde, thuốc trừ sâu, kim loại nặng, các chất dẫn gốc chlor hữu cơ và các chất bảo quản như tetra và pentachlorophenol… Ngoài ra, sản phẩm dệt may sẽ được kiểm tra các chất (bị cấm theo pháp luật) gây ung thư MAK-amin, đặc biệt là các loại thuốc nhuộm azo cũng như các loại thuốc nhuộm có tiềm năng gây dị ứng đã được khoa học chứng minh. Hiện tiêu chuẩn này đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở các nước trên thế giới nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra một cách chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ở góc độ nhà phân phối nội thất và trang thiết bị gia đình, ông Michel Salaun, Tổng giám đốc hệ thống ADEO cho biết năm 2017, doanh thu của ADEO là 22 tỉ USD, đứng thứ 3 toàn cầu. Hệ thống phân phối của ADEO đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, Mỹ và Nga. Tại thị trường châu Á thì tập đoàn xây dựng cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc. Tập đoàn cũng đã thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đánh giá về tiềm năng phát triển sản phẩm, trang thiết bị nội thất, ông Michel Salaun khẳng định châu Á là thị trường rất tiềm năng nhưng nhu cầu và xu hướng tiêu dùng khác với những thị trường khác. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi tại thị trường này là nhu cầu sử dụng sản phẩm nội thất ngày càng phải tiện lợi, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe và phục vụ tốt hơn chất lượng cuộc sống của người sử dụng. Riêng với thị trường Việt Nam, cùng với xu hướng mới trong sử dụng trang thiết bị nội thất, thì tốc độ xây dựng tòa nhà, căn hộ tăng rất nhanh trong thời gian qua hứa hẹn là thị trường tiềm năng cho lĩnh vực sản xuất này. Hiện ADEO đã lên chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 2019.
Tuy nhiên, để có thể nâng cao nội lực phát triển ngành này, các doanh nghiệp Việt cần phải đầu tư sản xuất sản phẩm có thương hiệu Việt. Việc xây dựng thương hiệu không đơn thuần là tăng giá trị gia tăng của sản phẩm mà còn góp phần định vị thói quen tiêu dùng, tạo tâm lý an tâm cho người sử dụng. Ở khía cạnh khác, người tiêu dùng hiện rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm và sẵn sàng trừng phạt những doanh nghiệp thiếu thân thiện môi trường nên yếu tố đảm bảo trách nhiệm xã hội cũng cần phải được doanh nghiệp quan tâm và đầu tư. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.