Sai lầm cốt tử trong chống ngập: Xin đừng đổ tại ông trời

31/08/2016 08:11 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 30.8 đăng bài Sai lầm cốt tử trong chống ngập .

Cần điều tra toàn diện
Chương trình chống ngập ở TP.HCM được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, thực hiện từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả thì cần phải có điều tra toàn diện, xem lại quy trình chống ngập có đi đúng hướng không. Nếu cứ chống ngập ở quận này một đoạn rồi nhảy sang quận khác làm một đoạn, cứ xoay vòng luẩn quẩn không đi về đâu được. Phải nhìn nhận lại tất cả, xem nó có hiệu quả không, có khoa học không? Không thể đem tiền đầu tư như đổ nước trôi sông.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại sự quan tâm đầu tư và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo TP trước kia. Việc chống ngập là công việc có chiến lược, kế hoạch lâu dài từ nhiều năm trước, nếu tầm nhìn hạn hẹp, để lại hậu quả cho hôm nay thì lãnh đạo trước kia cũng phải chịu trách nhiệm.
Nguyễn Huân (Q.3, TP.HCM)
Đấy là phát biểu của dân chứ không phải lãnh đạo
Theo như phát biểu của Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP thì dự án chống ngập đường An Dương Vương (qua địa bàn Q.Bình Tân và Q.8) thi công hệ thống cống dài 3 km, nhưng chỉ mới làm được 300 m thì đụng đường ống cấp nước sạch và suốt 6 tháng qua chưa di dời được... câu nói này sao giống như của một người dân bình thường chứ không phải của lãnh đạo. Là thủ trưởng của một cơ quan chống ngập TP mà nói ra câu đó thì chúng tôi cũng chịu.
Tại sao trước khi nâng cấp con đường này, lãnh đạo không bàn bạc với các đơn vị liên quan để đi đến thống nhất rồi hãy làm, mà đợi đến khi làm rồi bị vướng không làm được thì đổ lỗi cho nhau.
Nguyễn Long Quân (nguyenlongquan1385 @gmail.com)
Ai chịu trách nhiệm ?
Như vậy có nghĩa là hàng nghìn tỉ đồng của người dân bị ném xuống sông xuống biển, giờ các nhà khoa học lên tiếng là do sai quy hoạch ngay từ đầu thì ai chịu trách nhiệm?
Chúng ta có bao giờ thấy xấu hổ khi ở các nước khác, hệ thống cống ngầm của họ gần 100 năm vẫn hoạt động tốt dù TP của họ cũng thay da đổi thịt và dân số tăng lên rất nhiều. Chúng ta toàn làm đầu voi đuôi chuột, nói rất hay rất đẹp nhưng khi làm thì cái sau đá cái trước, dự án sau đè dự án trước. Với kiểu quy hoạch như hiện nay thì TP ngập vẫn hoàn ngập, hàng núi tiền để sửa cái sai này sinh ra cái sai kia mà thôi.
Thanh Minh (quangnh2001@yahoo.com)
Thiếu nhạc trưởng
TP.HCM ngập triền miên, năm sau ngập nặng hơn năm trước dù đã đổ ra hàng nghìn tỉ chống ngập là do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là không có một nhạc trưởng để tất cả quy vào một mối. Quy hoạch không đồng bộ, mạnh ai nấy làm, cầu đường thì lo làm cầu đường, kiến trúc thì lo kiến trúc, cấp nước thì cũng chỉ biết việc của mình dẫn đến chồng chéo, đá việc của nhau.
Nếu không có một tổng chỉ huy có tầm nhìn dài hạn, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trước dân thì tình trạng này có chống hoài cũng vậy thôi.
La Văn Mến (lavan68@yahoo.com)
Thay vì chống ngập, hãy tìm cách làm sao để TP đừng bị ngập. Bởi nâng đường thì nước vào nhà dân, nhà dân nâng lên theo thì nước lại tràn ra đường, cứ như vậy sẽ không bao giờ có kết thúc. Nếu phục hồi các hệ thống thoát nước, trả lại dòng chảy cho các con kênh và đừng quá tham lam phát triển đô thị trái với quy luật tự nhiên mà lấp kênh, lấp các vùng sinh quyển chứa nước thì TP sẽ không bị ngập để phải bỏ hàng núi tiền ra khắc phục.
Nguyễn Ngọc Điệp (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Việc chống ngập không phải là chuyện trước mắt, cần bỏ suy nghĩ chỉ đối phó cho xong mùa mưa là hoàn thành nhiệm vụ. Xây dựng hệ thống thoát nước phải phù hợp, phải có tầm nhìn dài hạn cho cả trăm năm. Thực tế đường ống thoát nước được lắp đặt trong thời gian qua rất nhỏ thì làm sao không ngập được. Bên cạnh đó, muốn không ngập thì phải trả lại nguyên vẹn sông hồ, kênh rạch.
Trần Anh Đức (Q.7, TP.HCM)
T.T - Sơn Hải (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.