Sài Gòn từng thiếu nhà thương

12/08/2018 09:45 GMT+7

Có thể không ai ngờ rằng năm 1927, ông Hội đồng kiêm đại điền chủ tỉnh Bạc Liêu Trần Trinh Trạch có nhã ý biếu cho thành phố Sài Gòn 150.000 đồng để làm nhà thương vì “Hòn ngọc Viễn Đông” thiếu nhà thương trầm trọng.

Thời ấy người dân gọi nơi đến để được bác sĩ chữa bệnh là “nhà thương” vì được chăm sóc mà không phải đóng tiền.
Ngoài nhà thương Grall (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2 ở Q.1) và nhà thương Déjean de la Batie thành lập năm 1903, mà người dân gọi là nhà thương thí Sài Gòn (nay là Bệnh viện Sài Gòn) thì lúc đó đã có Bệnh viện Chợ Quán hình thành từ trạm cứu thương dành cho người Pháp năm 1861 tại làng Chợ Quán. Năm 1862 một số nhà hảo tâm xây dựng thành bệnh viện trên diện tích khoảng 5 ha, đến năm 1865 hiến cho chính quyền đương nhiệm. Đây là nơi điều trị bệnh hoa liễu và giam giữ tù nhân mắc bệnh. Năm 1901 trở thành Trung tâm huấn luyện y khoa. Khi Trường Y Đông Dương được người Pháp thành lập năm 1902 thì trở thành bệnh viện đa khoa, trong đó có khoa tâm thần.
Sài Gòn từng thiếu nhà thương
Góc tâm linh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi người nhà bệnh nhân thường đến cầu nguyện Ảnh: Khả Hòa

Rồi thì có Hôpital municipal de ChoLon hay còn gọi là Hôpital Indigène Cochinchine (1919). Giới trí thức và thân Pháp thì gọi là nhà thương Lalung Bonnaire (1938), tên của vị giám đốc đầu tiên. Do khó gọi, dân chúng gọi tắt là nhà thương Chợ Rẫy vì xây trên nền đất của ngôi chợ Rẫy.
Phía đó có Bệnh viện Quảng Đông, xây vào năm 1907 (Pháp gọi là Bệnh viện số 1), nay là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Bệnh viện số 2, tức Triều Châu, khởi thủy là một ngôi chùa của đồng bào người Hoa, được xây cất từ năm 1892. Tại đây, vào năm 1885 đã có những hoạt động y tế nhân đạo: khám bệnh và điều trị miễn phí dựa trên nền tảng y học cổ truyền và năm 1915 trở thành Bệnh viện Triều Châu, sau này là Bệnh viện An Bình. Đây là hai bệnh viện của người Quảng và Tiều. Người Phước Kiến thì có Bệnh viện Chùa - nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi. Người Hẹ thì có lập Bệnh viện Sùng Chính (1920) bây giờ là Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM trên đường Trần Hưng Đạo.
Điểm sơ đã thấy thời gian đầu thế kỷ 20, ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy và Chợ Quán do chính phủ xây dựng thì những bệnh viện còn lại đều do các bang nhóm người Hoa thành lập để giúp đỡ cho đồng hương cũng như dân chúng địa phương. Nhiều nhà thương như vậy nhưng những nhà thương vừa nêu tên đều nằm trong địa phận của thành phố Chợ Lớn. Lúc này hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố biệt lập.
Thành phố Chợ Lớn thành lập ngày 6.6.1865. Địa giới Chợ Lớn nằm trong khu vực phía bắc giáp đại lộ Beylie (Ngô Quyền), phía tây giáp đại lộ Charles Thompson (Hùng Vương), phía nam là kinh Bao Ngạn (đường Nguyễn Thị Nhỏ và Lò Siêu), phía đông là kinh Tàu Hủ. Đến năm 1932 mới sáp nhập lại thành khu Sài Gòn -Chợ Lớn (theo Địa chí quận 5).
Ngoài chuyện thiếu bệnh viện đa khoa, thành phố Sài Gòn lúc đó cũng chẳng có một nhà bảo sanh nào của nhà nước. Khi đó ở Chợ Lớn có phân khoa sản của Bệnh viện Nam Việt (Chợ Rẫy) gọi là nhà bảo sanh Chợ Lớn và sau này là Bệnh viện Hùng Vương. Mãi cho đến năm 1943, bảo sanh viện mang tên Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương) do chú Hỏa hiến đất xây dựng mới hoạt động với khoảng 100 giường bệnh. Đến năm 1946 được đổi thành Maternité George Béchamps, còn dân chúng thường gọi là “Nhà sanh Chú Hỏa”. Đến năm 1948, đổi tên thành nhà bảo sanh Từ Dũ.
Kỳ lạ là sau này khi Sài Gòn và Chợ Lớn trở thành một thì nhiều bệnh viện đã được xây dựng thêm nhưng hầu hết vẫn nằm trong phần đất của thành phố Chợ Lớn cũ! Phải chi lúc đó ngoài số tiền của “đại gia” Trần Trinh Trạch, Đốc lý thành phố Sài Gòn kêu gọi đầu tư hay xã hội hóa, đổi đất lấy hạ tầng như bây giờ thì biết đâu chúng ta chẳng thừa hưởng được thêm một hay hai bệnh viện lớn nữa có từ thời đó tại Q.1 hay Q.3 ngày nay!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.