Sài Gòn sẽ xây 103 hồ để chống ngập?

21/10/2016 09:12 GMT+7

Thành phố đã xác định 103 hồ điều tiết chống ngập trên toàn địa bàn, trong đó đang ưu tiên thực hiện trước 3 hồ: Bàu Cát (Q.Tân Bình), Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và Khánh Hội (Q.4) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỉ đồng.

Trong hai năm 2015 và 2016, sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) trở thành “điểm nóng” ngập nước, gây đình trệ hoạt động hàng chục chuyến bay và uy hiếp trạm điện có khả năng dẫn đến cháy nổ.
“Để góp phần giải quyết tình trạng ngập ở khu vực sân bay như vừa qua, TP và Bộ Quốc phòng đã cơ bản thống nhất phương án xây dựng hồ điều tiết ngay trong sân bay”, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết.
VIDEO: Cảnh ngập nước do triều cường và mưa đã quen thuộc với người Sài Gòn

tin liên quan

Mẹo xử lý khi xe ngập nước
Xe bị ngập nước cần được chăm sóc đúng cách là khuyến nghị của các chuyên gia sau hàng loạt sự cố do mưa ngập gần đây.
Theo ông Công, bên trong sân bay vẫn còn đất trống để có thể bố trí hồ điều tiết. Tuy nhiên, quy mô, vị trí, thời gian xây dựng thì đang được tính toán cụ thể.
Bây giờ lượng nước mưa chảy tràn chiếm đến 80 - 90% nên gây ngập, nếu mỗi nhà dân, mỗi doanh nghiệp có cách tạm trữ nước mưa, có hệ thống hồ điều tiết hỗ trợ để giảm xuống còn 60% là lý tưởng
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) thuộc ĐHQG TP.HCM

Cũng theo ông Công, TP đã xác định 103 hồ điều tiết chống ngập trên toàn địa bàn, trong đó đang ưu tiên thực hiện trước 3 hồ: Bàu Cát (Q.Tân Bình), Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và Khánh Hội (Q.4) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỉ đồng.
Quy mô, tính chất xây dựng mỗi hồ khác nhau; nếu như hồ Bàu Cát xây ngầm, trữ được khoảng 10.000 m3 giúp giảm ngập cục bộ một khu vực khoảng 20 ha; thì hồ Khánh Hội kết hợp công viên giúp giảm ngập cho cả Q.4; trong khi hồ Gò Dưa tận dụng sông rạch tự nhiên giúp giảm ngập cho khu vực phía đông TP.
Khi thực hiện thí điểm thành công 3 hồ này, việc bố trí, xây dựng hồ điều tiết chống ngập cũng sẽ được tính toán nhân rộng.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và trực tiếp thực hiện đồ án quy hoạch chống ngập cho TP.HCM, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) thuộc ĐHQG TP.HCM, phân tích đa phần các đồ án quy hoạch thoát nước trước đây tập trung vào các giải pháp công trình như xây kè, làm cống thoát nước, xây trạm bơm…
Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, khả năng các công trình trở nên “lạc hậu” trước thiên tai là rất lớn.
“Giải pháp chống ngập có nhiều nhưng phải lựa chọn giải pháp nào phù hợp, hiệu quả để làm. TP đang triển khai dự án ngăn triều, do vậy trong tương lai nguy cơ ngập do triều hoàn toàn có thể kiểm soát. Vấn đề còn lại là phải tự xử lý nguồn nước mưa chảy tràn ở nội đô thông qua hệ thống cống, kênh rạch, hồ điều tiết được đầu tư đồng bộ, trên nguyên tắc nước nơi nào tự điều tiết nơi đó, chứ từ khu vực này đẩy hết sang khu vực khác thì chắc chắn quá tải. Bây giờ lượng nước mưa chảy tràn chiếm đến 80 - 90% nên gây ngập, nếu mỗi nhà dân, mỗi doanh nghiệp có cách tạm trữ nước mưa, có hệ thống hồ điều tiết hỗ trợ để giảm xuống còn 60% là lý tưởng”, ông Phi nói.

tin liên quan

Sân bay Tân Sơn Nhất lại ngập
* Hàng chục chuyến bay bị hoãn, hủy do thời tiết xấu
Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lại bị ngập trong trận mưa vào chiều 11.9 (ảnh).
PGS-TS Lưu Đức Cường, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), cho rằng diện tích ao hồ, kênh rạch tự nhiên bị san lấp tăng lên khiến khả năng thoát nước tại chỗ giảm xuống đáng kể, trong khi nhiều dự án toàn bê tông hóa khiến lượng nước chảy trên bề mặt không thoát kịp vào lòng đất.
“Việc tái lập không gian chứa nước trong điều kiện đô thị đặc thù của TP.HCM là hết sức cần thiết. Thứ nhất, tạm giữ nước khi mưa lớn, hệ thống cống thoát nước không kịp thoát nước. Thứ hai, tạm giữ nước trong tình huống nước thoát ra cống nhưng lại gặp triều cường đang dâng cao. Giải bài toàn này, nếu ở vùng thấp trũng thì tận dụng kênh rạch tự nhiên thông thoáng. Với những khu vực đô thị hóa rồi, chủ yếu phải dùng hệ thống kết nối kênh rạch như cống thoát nước, hồ điều tiết. Tuy nhiên, vị trí hồ điều tiết phải có nghiên cứu cụ thể, phù hợp cho từng địa hình và nhu cầu phát triển của từng khu vực đô thị”, ông Cường đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.