Sài Gòn những ngày mưa to: Con nối nghiệp cha lăn xả vào lòng cống dơ bẩn nhất

10/08/2020 12:19 GMT+7

Từng thắc mắc sao cha lại chọn nghề hôi hám, ám mùi đến như vậy, nhưng chính anh Sơn lại nối nghiệp cha lăn xả vào lòng cống dơ bẩn nhất TP.HCM. Càng làm anh càng thương cha ba chục năm dầm mình nuôi cả gia đình. Những ngày mưa to gió lớn vừa qua, TP.HCM có nhiều tuyến đường trong biển nước, để cố gắng giúp nhiều con đường bớt ngập, Sơn đã cởi đồ và chui xuống... cống!

Như nhiều đứa trẻ khác, anh Nguyễn Thanh Sơn (31 tuổi) từng nhiều lần phẩy tay, bịt mũi khi đến gần cha của mình – một người công nhân thoát nước đô thị chuyên lăn xả dưới lòng cống. Rồi cơ duyên đưa đẩy, anh nối nghiệp ông nội và cha, tiếp tục vào làm công việc này cùng cha. Mỗi ngày trôi qua, anh càng thấm thía và thương cho sự vất vả của cha mình suốt hơn ba chục năm qua.

Nơi dơ bẩn nhất dưới nắp cống trên những con đường “siêu ngập” ở TP.HCM có gì?

Chạnh lòng vì hôi quá!

Vừa chui lên từ lòng cống có đủ loại rác và dầu mỡ, anh Sơn vội liếc tìm cha mình đang dọn rác ở một cống gần đó. Anh cười, thở phào “nay cha không phải chui xuống cống”.
Làm lâu năm trong nghề, anh hiểu cảm giác ở dưới lòng cống bị ngộp thế nào, hôi ra sao nên anh càng xót ruột mỗi lần đến lịch xuống cống của cha. Nếu hôm đó trúng vào ngày anh được phân làm trên vỉa hè, anh sẽ đổi để nhường phần việc nhẹ hơn cho cha.

Càng làm công việc này, anh Sơn càng hiểu hơn những hi sinh của cha dành cho mình

Ảnh: Ngọc Dương

Qua nhiều thăng trầm, cha con ông Hộ vẫn yêu và quyết tâm gắn bó với nghề

Ảnh: Ngọc Dương

Mồ hôi ra như tắm, từ chân tới cổ vẫn còn lấm lem bùn đất, anh bắt đầu kể, ngày còn đi học nhiều lần anh được cha đón về. Ngồi phía sau tay lái của cha, mùi hôi tỏa ra khiến anh khá ám ảnh. Mỗi lần anh thắc mắc với cha về công việc này thì chỉ nhận được câu trả lời: “Cuộc sống mà”. Rồi học xong 12, được cha mở lời, anh đồng ý nộp hồ sơ vào Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM để nối nghiệp cha.
Anh Sơn bộc bạch: “Những ngày đầu phải chui xuống cống, tôi khá sốc vì mùi hôi xông thẳng vào khoang mũi, hơi nóng của lòng cống cứ vậy tỏa ra làm mồ hôi tòng tòng như đang xông hơi. Làm xong việc, leo lên vỉa hè tôi xây xẩm mặt mày. Cha thấy vậy tới động viên tôi cố gắng làm để lo cho vợ con ở nhà nữa, từ từ sẽ quen thôi”.

Dưới lòng cống, họ đối mặt với nhiều hiểm nguy của nghề, đó có thể là mảnh chai, bóng đèn vỡ, thủy tinh, kim tiêm hay đơn giản chỉ là những cây tăm nhỏ xíu

Ảnh: Ngọc Dương

Để múc bùn đọng dưới lòng cống, anh Sơn phải dầm mình ướt từ chân đến tận cổ

Ảnh: Ngọc Dương

Công việc của ông Hộ cũng tương tự như anh Sơn. Nhiều ngày mệt quá, hai cha con phải tự động viên nhau rằng đây là công việc chân chính, mang lại lợi ích cho nhiều người dân TP và thu nhập để chăm lo cho gia đình nên cố gắng gắn bó với nghề

Ảnh: Ngọc Dương

Những thắc mắc của anh Sơn với cha giờ cũng chính là câu hỏi mà anh nghe được từ con gái của mình. Do đó, anh thường hạn chế tiếp xúc với con khi đi làm về mà chưa kịp tắm rửa. Anh nói: “Sợ mùi hôi làm con ảnh hưởng, bệnh này nọ”, nhưng khi người viết hỏi ngược lại rằng anh có sợ mình bị ảnh hưởng không, thì anh chỉ cười đáp: “Nghề nghiệp của mình mà”.
Con gái khi nghe anh giải thích về công việc, thường chọc cha là kỹ sư cầu cống rồi cười khúc khích khiến anh cảm thấy hạnh phúc, nhưng cũng đan xen một chút chạnh lòng.

Những hôm xuống cống gần các nhà máy, ông Hộ sẽ bị nổi mẩn đỏ dị ứng vì trong nước thải ra cống có hóa chất

Ảnh: Ngọc Dương

Nhiều lần ông góp ý chân thành với các hàng quán, người dân gần khu vực miệng cống để bảo đảm dòng chảy thoát nước thông suốt, nhưng thường các ý kiến ít được tiếp nhận

Ảnh: Ngọc Dương

Anh tâm sự: “Làm gì có nghề nào mà hôi như nghề của tôi. Nhiều lúc tôi đi làm gặp người quen thấy mình cũng chạnh lòng lắm, thấy nghề mình hôi hám, ngại nên tôi cứ lặng lẽ làm, không chào hỏi thăm họ”.
Anh thường kể với vợ về công việc, và chính vợ cùng cha là hai người động viên để anh bám trụ với nghề suốt 13 năm qua.
“Dù đôi lúc có tủi thân, có chạnh lòng nhưng công việc này tôi làm bằng đôi bàn tay, mồ hôi, công sức của mình giúp TP không bị ngập nên tôi rất tự hào. Tôi mong người dân nâng cao ý thức để tránh tắc nghẽn cống, ngập úng”, anh Sơn nhắn nhủ.

Đủ loại rác được xả xuống cống

Mệt nhoài sau cả buổi sáng dầm mình dưới lòng cống, ông Nguyễn Phú Hộ (53 tuổi, cha anh Sơn, có thâm niên 31 năm trong nghề) cùng đồng nghiệp nghỉ trưa tại một quán cà phê võng bình dân.
Mùi cống thoang thoảng tỏa ra từ khu vực ngồi của nhóm công nhân, thấy mọi người nhìn, họ cũng ái ngại, nhưng dường như ai cũng hiểu được công việc của họ nên đôi ba người còn tới bắt chuyện, hỏi thăm.

Công việc gắn bó suốt 31 năm qua giúp ông Hộ nuôi cả gia đình

Ảnh: Ngọc Dương

Trước và trong mùa mưa, khối lượng công việc của ông Hộ và con trai khá nhiều

Ảnh: Ngọc Dương

Ông Hộ cho biết, một ngày ông làm việc 8 tiếng, cách một ngày sẽ phải chui xuống cống một ngày. Nhớ lại ngày mới vào nghề, ông nói đó là những ngày còn trai trẻ, nhiều bỡ ngỡ. Ông may mắn được đồng nghiệp đi trước chỉ cách làm, cách để quen với hơi nóng hầm hập và mùi hôi khó chịu của cống.
Tai nạn nghề nghiệp với những người làm công nhân thoát nước như cha con ông Hộ là chuyện thường ngày. Đó có thể là những mảnh chai, bóng đèn bể, kim tiêm, hay đơn giản chỉ là những cây tăm, cây xiên que.

Dù có mang bao tay dày nhưng những người công nhân thoát nước vẫn không tránh khỏi cảnh bị mảnh chai, kim tiêm, tăm, xiên que cào rách tay chảy máu

Ảnh: Vũ Phượng

Anh Sơn đôi khi chạnh lòng về công việc của mình, nhưng anh tự hào vì đây là công việc chân chính, anh làm việc bằng tất cả sự nhiệt huyết và trách nhiệm

Ảnh: Ngọc Dương

Người công nhân thoát nước 31 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Nhiều người xỉa răng xong quăng tăm ra đường, mưa trôi xuống cống. Nhìn cây tăm nhỏ xíu vậy nhưng hai đầu nhọn, khi chúng tôi vơ rác sẽ bị tăm xiên trúng chảy máu. Anh em ở đây bị hoài, riết quen. Hôm nào dọn cống gần nhà máy là y như rằng sẽ bị dị ứng, nổi mẩn đầy người, ngứa chịu không nổi luôn”.
Kể về người con trai nối nghiệp mình, ông nói, có công việc với thu nhập ổn định nuôi gia đình ngày nay đã là may rồi, nghề nào cũng có những cái khó của nó. “Ngày xưa nó chê tôi hôi hoài chứ gì, giờ con nó chê lại nó y chang. Nhưng nghề mà, cả gia đình tôi đều trân trọng công việc này vì nhờ đó tôi mới nuôi được nó, rồi nuôi cả đứa con gái đang học năm 3 đại học”, ông Hộ nhớ lại.

Làm lâu năm trong nghề, anh Sơn hiểu cảm giác ở dưới lòng cống bị ngộp thế nào, hôi ra sao nên anh càng xót ruột mỗi lần đến lịch xuống cống của cha mình

Ảnh: Ngọc Dương

Ông Hộ từng được đồng nghiệp đi trước chỉ cách làm, cách để quen với hơi nóng hầm hập và mùi hôi khó chịu của cống

Ảnh: Ngọc Dương

Cha con ông Hộ tranh thủ xối nước để ăn cơm sau khi dầm mình dưới lòng cống vào buổi sáng

Ảnh: Ngọc Dương

Theo lời ông Hộ, cống ở gần các quán cơm, vịt quay, heo quay thường sẽ có lớp dầu mỡ đóng dày vài chục cm, đây là một trong những nguyên nhân làm tắc dòng chảy và cũng khiến tổ công nhân thoát nước đau đầu nhất. Nhưng mỗi lần nhắc nhở họ đều nhận được những cái lắc đầu vô cảm.
Trước và trong mùa mưa, khối lượng công việc của ông Hộ và con trai khá nhiều vì ngoài nạo vét lòng cống, dọn rác, dầu mỡ dưới cống, hai cha con còn phải đi thu gom rác, khơi thông dòng chảy ở các miệng cống đến tận nửa đêm.
“Đã làm công nhân thoát nước thì phải chấp nhận mùi hôi của cơ thể, vì nước cống thấm qua lỗ chân lông nên dù có kỳ rửa sạch sẽ, khi chảy mồ hôi vẫn nghe mùi rất khó chịu. Dù sao đi nữa thì chúng tôi vẫn làm hết sức mình, lăn xả trong lòng cống, chỉ mong mọi người cùng chung tay để cống không còn rác, TP bớt ngập úng”, ông Hộ bộc bạch.

Những bữa cơm trưa bình dân, họ thường chọn các quán cà phê võng để tranh thủ ngả lưng, lấy sức cho giờ làm việc buổi chiều

Ảnh: Ngọc Dương

Mọi sự cố gắng, hi sinh của cha con ông Hộ cũng như những người công nhân thoát nước đều vì ngày mai tươi sáng hơn

Ảnh: Ngọc Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.