Sài Gòn có cây cao su...

12/05/2019 09:12 GMT+7

Không biết có người Sài Gòn nào buổi sáng, buổi chiều tập thể dục, hít thở ở công viên Gia Định (giáp ranh Phú Nhuận - Gò Vấp) có biết rằng nơi đây từng là một đồn điền cao su đầu tiên lớn nhất VN?

Từ văn chương sực nhớ

Cao su là một loại cây mà tôi không bao giờ có cảm tình. Dù rằng hồi nhỏ học hành chút ít cũng biết được rằng cây cao su là một loại cây công nghiệp có nguồn thu xuất khẩu rất lớn nhưng khi đọc được câu thơ “Cao su xanh tốt lạ đời/Mỗi cây là một xác người công nhân” rồi mấy câu thơ của bạn Lê Văn Nuôi “Năm 1939/mẹ tôi làm phu đồn điền cạo mủ cao su/ngày hai buổi môi mím chặt căm thù/dưới gót giày thầy cai, tay sai đế quốc...” tôi bèn loại cây “nước mắt” này ra khỏi dây thần kinh ưa chuộng. Với tôi, cây cao su là một loại cây... ác độc, dính dáng đến thực dân đế quốc thì cần phải hô to ba tiếng đả đảo... mới đã mồm, sướng phổi.


Rồi cũng có lúc ngồi đọc lại quyển truyện ngắn Ý nghĩ trên cỏ của ông thầy dạy triết - kiêm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thấy ông thầy mình viết: “Vậy là chúng tôi quay lại Sài Gòn. Khi xe bị hỏng ở góc đường Hiền Vương và Đoàn Thị Điểm, tôi thấy những trái cao su nứt nẻ lăn lóc trên mặt đường nhựa, dưới gầm xe và mấy cái hạt tròn tròn màu nâu có vân xinh đẹp rải rác bên vệ đường. Tôi phủi tay đứng dậy, ngước mắt nhìn trời. Tôi đang đứng dưới bóng của những cây cao su trong một thành phố ồn ào và nhức nhối” (Nguyệt - những trái cao su ở Sài Gòn).

Rõ là như vậy Sài Gòn đã từng trồng cao su dọc theo con đường Hiền Vương (bây giờ là Võ Thị Sáu) như những hàng cây che bóng mát cho đường phố Sài Gòn. Nhưng cây cao su không được cảm tình của bình dân thiên hạ vì nó quá xấu. Nhà văn Minh Hương ta thán không biết tại sao cây cao su lại được trồng dọc theo một số đường phố Sài Gòn. Trông rất bơ vơ. Dáng cây không đẹp, cành giòn dễ gãy, lá thì chẳng có gì đặc sắc. Gốc cây thì chè bè, u bướu. Thân thì gồ ghề vặn vẹo trông chẳng giống ai. Có phải chăng vì vậy mà cây cao su biến mất ở Sài Gòn?

Một thời ở Sài Gòn

Thực tế trước kia toàn Nam kỳ chưa có cây cao su; khi mà Toàn quyền Đông Dương ra nghị định miễn thuế trồng cà phê, cao su vào năm 1897 thì Sài Gòn chính là nơi thí nghiệm trồng cây cao su đầu tiên. Tại vùng Phú Nhuận, Belland - cảnh sát trưởng Sài Gòn, từ năm 1897 đến năm 1901 đã trồng thí nghiệm 10.000 gốc cao su giống Brastil mua từ đảo Tích Lan (Sri Lanka).
Đây là vườn cao su đầu tiên trồng thí nghiệm với quy mô lớn tại VN và Đông Dương. Chính nông dân Phú Nhuận là những phu đồn điền cao su đầu tiên chứ không như ta tưởng là những người công nhân cao su ở các đồn điền Lộc Ninh, Tây Ninh, Xuân Lộc...
Sau đó, dưới sự khuyến khích bằng chính sách miễn thuế của chính quyền, một số người Pháp cũng như người Việt và Hoa đã đổ xô vào trồng cao su. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định những năm 1900 người Sài Gòn biết có những vùng trồng cây cao su như khu đồn điền ở đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt).
Nhiều cụ già xưa nhớ lại, từ Trường ĐH Bách Khoa lên đến ngã tư Bảy Hiền vào đầu thập niên 1950 là rừng cao su bạt ngàn... Đến đầu thập niên 1960, vùng chợ Tân Bình và ngã tư Bảy Hiền vẫn còn trồng cây cao su và đầu thập niên 1990, từ xa lộ Đại Hàn đi Thủ Đức vẫn còn vài vườn cao su của thời đồn điền Pháp sót lại...
Với sự phát triển của Sài Gòn những vùng trồng cao su không còn nữa. Nhưng vào thập niên 1970 lác đác vẫn còn sót lại trên một số con đường những hàng cây cao su đầy u nần phẫn uất vì không có ai cạo lấy mủ.
Cây cao su không cạnh tranh được với các loại cây khác về chuyện che mát, có vẻ đẹp như me, bàng... nên đã không còn thấy bóng dáng trên những con đường của thành phố. Như đồn điền cao su đầu tiên của Belland trở thành sân golf thời chế độ cũ và bây giờ đã trở thành công viên Gia Định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.