Rủ nhau trả sổ hộ nghèo

25/08/2021 15:08 GMT+7

Không muốn là gánh nặng cho Nhà nước, hàng chục hộ nghèo ở xã Đăk Tờ Re (H.Kon Rẫy, Kon Tum) đã tự nguyện viết đơn trả sổ hộ nghèo dù cuộc sống chưa thực sự no đủ.

Dù biết, ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không còn được hưởng các hỗ trợ về tiền điện, bảo hiểm y tế… nhưng chị Y Nghiệp (29 tuổi, ở thôn 5, xã Đăk Tờ Re) vẫn quyết tâm xin trả sổ hộ nghèo.
Nhà chị Nghiệp chỉ rộng khoảng 30 m2, mái lợp tôn, do nhà nước hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo vài năm trước. Bên trong căn nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ sờn. Căn nhà là nơi ăn chốn ngủ, sinh hoạt của 4 người trong gia đình chị Y Nghiệp.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị Y Nghiệp (phải) vẫn xin thoát nghèo ẢNH: ĐỨC NHẬT

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị Y Nghiệp (phải) vẫn xin thoát nghèo

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Theo chị Nghiệp, gia đình chị có gần 1 ha mì và 1 sào lúa. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nên hằng ngày vợ chồng chị phải làm thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. Không chỉ vậy cả chị và 2 đứa con nhỏ mắc bệnh viêm gan đã lâu, mỗi tháng đều phải tốn hàng triệu bạc tiền thuốc. Thế nhưng khi nghe chính quyền địa phương vận động, chị liền xung phong trả sổ hộ nghèo.
“Hai vợ chồng mình vẫn còn trẻ, còn sức khỏe để làm việc. Không như nhiều hộ khác trong thôn, có hộ hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhiều, nhất là những người già, người tàn tật không có sức đi làm. Bởi vậy vợ chồng mình bàn bạc rồi quyết định viết đơn xin thoát nghèo trả lại phần của mình để Nhà nước tập trung lo cho những người nghèo khác”, chị Nghiệp nói.
Giống như chị Nghiệp, ông A Lum (54 tuổi, ở thôn 5) cũng quyết định xin ra khỏi hộ nghèo vì gia đình đã bớt khó khăn hơn. Vợ chồng ông Lum có 8 người con, trong đó có 2 người con đã lập gia đình, 4 người khác đã có việc làm ổn định.
Hiện nay, vợ chồng ông đang nuôi 2 người con ăn học, cuộc sống chủ yếu trông chờ vào 2 sào lúa cùng 1 ha sắn. Kể từ khi con cái trưởng thành, cuộc sống bớt khó khăn, ông Lum liền bàn với vợ xin ra khỏi hộ nghèo. Bởi theo ông Lum, mình còn sức khỏe, chịu khó lao động và có thể đi làm thuê để kiếm thêm được.
“Mình biết, nếu xin thoát nghèo thì sẽ mất nhiều chế độ ưu đãi cho hộ nghèo nhưng mình không thể ỷ lại hay trông chờ mãi vào Nhà nước được. Mình phải tự quyết tâm, vươn lên thôi, vì vậy, mình quyết định xin thoát nghèo. Cứ dựa vào mác hộ nghèo để sống bám vào chính sách của Nhà nước thì xấu hổ lắm”, ông Tum nói.
Khi cuộc sống đã bớt khó khăn hơn ông Lum liền xin thoát nghèo ẢNH: ĐỨC NHẬT

Khi cuộc sống đã bớt khó khăn hơn ông Lum liền xin thoát nghèo

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Ông Huỳnh Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết, trong 2 năm (2019 - 2020), toàn xã đã có hơn 50 hộ nghèo tự nguyện xin thoát nghèo. Theo ông Thái, để thay đổi nhận thức, cũng như cách nghĩ cách làm, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, xã cũng huy động cán bộ đến từng hộ nghèo, tuyên truyền vận động để bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó ý thức của người dân từng bước được nâng cao. Nhiều hộ dân đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên phát triển kinh tế. Khi cuộc sống đã ổn định, nhiều hộ dân đã tự nguyện xin thoát nghèo.
“Việc có hàng chục hộ dân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo cho thấy công tác tuyên truyền, phát triển kinh tế hộ gia đình đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Điều đó cũng cho thấy người dân đã nâng cao được nhận thức, thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm và trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đó là hiệu quả của sự kiên trì trong công tác vận động”, ông Thái nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.