Rơi xuống hố tro nóng, bé trai bị phỏng nặng

29/09/2015 18:17 GMT+7

(TNO) Trong khi né tránh một chiếc xe máy chạy ngược chiều, bé trai 8 tuổi đã bị té xuống hố tro nóng, khiến vùng đùi và hai bàn chân bị phỏng nặng.

(TNO) Trong khi né tránh một chiếc xe máy chạy ngược chiều, bé trai 8 tuổi đã bị té xuống hố tro nóng, khiến vùng đùi và hai bàn chân bị phỏng nặng.

Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên MiBệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên Mi
Trưa nay (29.9), bác sĩ chuyên khoa II Phan Vũ Bảo, Quyền trưởng khoa Phỏng - tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết bệnh nhi là Diệp Tấn Tài (8 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp), nhập viện trong tình trạng sốc bỏng nặng, diện tích bỏng 28%, các đầu ngón chân phải bị cháy đen. Cháu bé bị nhiễm trùng vết bỏng nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Được biết, trước đó (ngày 3.8), Tài về quê ngoại chơi, đang đi một mình trên bờ đê thì một chiếc xe máy lao tới. Vì tránh xe máy nên Tài ngã xuống sườn đê, sụt luôn vào hố tro đang cháy.
Do hố tro nằm ở đoạn đường vắng nên không có ai cứu cháu bé lên. Cháu bé tự mình trèo lên hố tro nóng nên bị bỏng nặng ở vùng đùi và hai bàn chân.
Mãi tới tối hôm đó, Tài mới được gia đình chở vào Bệnh viện Sa Đéc cấp cứu mà không hề sơ cứu gì cả. Sau một đêm cấp cứu tại Bệnh viện Sa Đéc, do vết phỏng quá nặng và diễn biến nghiêm trọng, bác sĩ quyết định chuyển em lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh liều cao để khống chế tình trạng nhiễm trùng huyết cho bé. Bé cũng phải trải qua 4 lần cắt lọc các vết hoại tử.
Theo bác sĩ Bảo, rất may mắn là em bé đã qua được giai đoạn sốc phỏng, chỉ mất một phần đầu ngón chân thay vì phải đoạn chi. Dự kiến, cháu bé sẽ được ghép da sau một tuần nữa.
Những đống tro không hoàn toàn vô hại
Qua trường hợp trên, bác sĩ Bảo khuyến cáo phụ huynh: “Nhiều người nghĩ tro là vô hại, đốt xong đem bỏ ra bên ngoài là không ảnh hưởng gì. Nhưng thật ra tro nhìn bên ngoài tuy đã tàn, nhưng lửa bên trong vẫn âm ỉ cháy trong nhiều giờ, nhiều ngày. Thường những đống tro này không để bảng cảnh báo, trở thành những cái bẫy. Trẻ em đi chơi không có người lớn thường rất dễ rơi vào những cái bẫy này. Việc cháu bé giãy giụa để thoát khỏi hố tro càng làm khí ôxy lọt vào nhiều, tạo điều kiện cho lửa cháy lớn hơn. Vì vậy, trẻ có thể bị phỏng nặng”.
Ngoài ra, bác sĩ Bảo lưu ý: Đối với những ca phỏng lửa như vậy, chỉ cần người dân dội nước lạnh, lấy khăn sạch đắp lên vết thương, rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đi bệnh viện sẽ giúp hạn chế thương tổn rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.