Quán hủ tiếu không tên giữa Sài Gòn, 20 năm khách vẫn nườm nượp do bán 'vì đam mê'

Giang Vũ
Giang Vũ
01/12/2020 12:36 GMT+7

Với tuổi đời 20 năm, không biển hiệu, quán hủ tiếu Nam vang kiểu Tiều Châu nằm ở hẻm 120 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 15, quận 11 không ngớt khách ra vào, chỉ tầm giữa buổi sáng là hết veo.

Quán hủ tiếu kỳ lạ này dường như chỉ tiếp lượng khách quen không thôi cũng đã hết sớm trong buổi sáng. Hai chị em gái cùng mở quán này tại ngôi nhà trong hẻm của gia đình, không tốn chi phí mặt bằng, vậy nên, giá thành một tô hủ tiếu ú ụ là thịt, tôm giá từ 45 tới 50 ngàn, ăn no “cành hông” khiến thực khách đều tấm tắc: quá rẻ so với nấu ở nhà và nhất là khi giá thịt heo vẫn cao vời vợi!
Chị Bé và chị Phượng làm từ A tới Z tất cả các công đoạn vì kỹ tính, không thuê người ngoài được, kể cả việc rửa chén vì sợ người làm không sạch sẽ. Hai chị em dậy từ 4 giờ sáng hầm xương, nấu nướng chừng hai tiếng rưỡi là tới giờ mở bán. Toàn bộ thịt, xương đều là “hàng nóng” (thịt, xương, lòng, cật) chứ nhất quyết không dùng hàng đông lạnh để đảm bảo nguyên liệu luôn tươi mới và ra hương thơm đặc trưng.

Túi đựng củ cải khô và tươi cho vào nồi hầm xương mang đến vị ngọt tự nhiên và mang dáng dấp kiểu Tiều Châu

Tô hủ tiếu thập cẩm nước

Chị Bé bật mí: Hồi đầu mở ra quán hủ tiếu Nam vang vào năm 1999, khi đó nấu cũng bình thường thôi. Sau có duyên gặp được một khách hàng tới ăn, là người Tiều Châu về từ Campuchia lánh nạn từ năm 1970. Người này quý mến chị nên bắt đầu chỉ chị nấu Hủ tiếu Nam vang kiểu Tiều Châu. Nước dùng ngoài xương và tôm khô, tỏi phi, muối, đường phèn, còn có củ cải mặn và củ cải trắng cho ra vị ngọt tự nhiên và hương thơm rất đặc sắc, nồng nàn và đậm đà hơn, rất khác với các hàng hủ tiếu Nam vang khác.
Củ cải trắng và mặn cho vào một túi vải thả vào trong nồi để không bị xơ củ cải tràn ra làm đục nước. Đặc biệt, người này còn chỉ cho chị nước sốt “thần thánh” cho vào tô hủ tiếu khô, thành phần thì khó mà tiết lộ, cách làm kỳ công chứ không phải đơn giản là trộn nước tương với hắc xì dầu như nhiều hàng hủ tiếu khác.
Điều kỳ lạ là người Tiều Châu này sau khi chỉ hết bí quyết, một thời gian sau quay lại khen: Giờ chị nấu ngon hơn tôi rồi!
Bởi vậy thực khách tới đây dù ăn hủ tiếu khô hay hủ tiếu nước đều thấy hương vị khác hẳn với hủ tiếu Nam vang phổ biến ở Sài Gòn. Chị Bé và chị Phượng còn chọn sợi hủ tiếu Mỹ Tho để nấu, sợi hủ tiếu này dai hơn và không bị chua như cọng hủ tiếu Sa Đéc.
Rau ăn kèm ở đây cũng khác, theo yêu cầu của thực khách thường xuyên ăn tại đây, chỉ có rau xà lách, tần ô, ngò gai là được họ ưa chuộng. Nhân hủ tiếu phong phú từ tôm, phèo, bao tử, tim, cật, xương, thịt bằm, trứng cút…

Tô xương to ụ của hủ tiếu xương

Thành phần làm ngọt nước lèo của quán hủ tiếu là tôm khô loại ngon và củ cải khô và tươi, rất nhiều xương…

Chị Thu Hà, một tay viết ẩm thực chuyên sâu một thời ở Sài Gòn là khách ruột của quán hủ tiếu. Chị cho biết: Vị hủ tiếu Nam vang ở đây rất độc đáo, có thể nói là duy nhất ở Sài Gòn. Mảnh đất Sài Gòn có cái hay là sẽ có những món ăn pha trộn của nhiều nền văn hoá, tạo ra một món ăn ngon không nơi nào có.
Quán nằm trong con hẻm nhỏ- 120 Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11 nhưng sáng sớm người đã tới ăn đông nườm nượp. Bạn có thể gọi đầy đủ một tô với thịt tôm, tim lòng cật, hoặc đơn giản là một tô hủ tiếu xương với những cục xương to bự với một cái giá thật dễ chịu, đến nỗi con gái chị chủ quán nhìn tô hủ tiếu còn nói đùa: Mẹ đúng là bán hủ tiếu vì “đam mê”!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.