Quái kiệt mô tô cổ Sài thành - Bài 4: Bất ngờ thành diễn viên điện ảnh

24/02/2007 01:00 GMT+7

Mê và chơi mô tô, ông trở thành một quái kiệt "săn" mô tô cổ; rồi cũng qua những chiếc mô tô cổ, ông nhập làng nghệ thuật thứ bảy như một cái duyên...

Thành danh với "nghề" chơi xe mô tô cổ, nhưng ít ai biết rằng chiếc mô tô đầu tiên ông sở hữu lại là một chiếc xe đời mới của... Nhật. Đó là vào năm 1980, ông gom tiền dành dụm đi nhờ tìm một con xe 125 cm3 để đăng ký tham gia đội mô tô Q.1.

Lùng suốt mấy tuần không có xe ưng ý, khi  nghe thông tin ở Q.4 có một chiếc Yamaha 400 cm3 của một thủy thủ tàu viễn dương mới mang về, ra giá 6 lượng vàng, ông qua xem chỉ với ý định "mãn nhãn". Nhưng xem rồi đâm mê mẩn, về dốc hết tiền bạc của gia đình qua trả giá 5,8 lượng vàng và rinh xe về. Chuyến đó, gia đình ông suýt tan vỡ vì tiền dành dụm vợ ông định để mua nhà, ông đem hết mua xe. Với số tiền mua chiếc xe, vào thời điểm đó có thể mua được một căn nhà mặt tiền để kinh doanh, còn mua nhà trong hẻm ở Q.1, Q.3 cũng được vài ba căn làm vốn "lận lưng".

Vào đội mô tô Q.1 rồi, thấy một số đồng nghiệp chơi Harley thì nỗi ghiền ngày xưa trỗi dậy. Vài tháng sau, ông bán chiếc Yamaha 400 cm3 lỗ hơn cây vàng để chuyển qua chiếc Harley Davidson đầu tiên. Đó là chiếc Harley dung tích xi lanh 900 cm3, trước 30.4.1975 là xe của cảnh sát công lộ. Sau giải phóng, chiếc xe này được đội Tuần tra giao thông của thành phố sử dụng làm phương tiện tuần tra kiểm soát giao thông, đến đầu thập niên 80 thì bán thanh lý ra ngoài.

Hồi đó, việc vào đội mô tô không phải để "có bằng lái A2" như nhiều người bây giờ, mà chủ yếu để có cơ hội được đi và được cấp xăng để đi. Xăng, vào thời điểm đó vừa hiếm vừa đắt, nhiều người có xe mô tô phân khối lớn nhưng không dám dùng. Còn vào đội mô tô, những dịp lễ hội thường được trưng dụng đi tuyên truyền cổ động, mỗi lần như thế được cấp phiếu xăng.

Những tay mô tô đội cựu trào còn lưu truyền nhau câu chuyện về duyệt định mức xăng cho mô tô. Một ông cán bộ, khi xem mức xăng duyệt cho mô tô trình lên là 10 lít/100km đã quát lên: "Thế này thì hơn cả ô tô à?". Người trình liền kêu đem gần chục con xe toàn trên 1.000 cm3 ra "lòe" và ông này "mắc bẫy", phán: "8 lít thôi". Thế là từ đó, cứ xe mô tô, lớn nhỏ gì cũng đều... 8lít/100km. Anh em trong đội xe nhỏ san bớt cho xe lớn, sau mỗi chuyến đi cũng... dư chút ít để dành xài. Ngoài ra, dân chơi mô tô hồi đó còn bám theo xe của bộ đội gạ gẫm mua lại xăng để xài, giá vừa rẻ, xăng vừa không bị pha nước...

  Sinh hoạt ở đội mô tô được vài năm, đúng lúc đoàn làm phim Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa qua đề nghị đội hỗ trợ phương tiện cho một số cảnh quay có sử dụng mô tô, trong đó có cảnh 4 chiếc Harley hộ tống Ngô Đình Diệm. Đúng thời điểm đó, trong đội không có đủ Harley, vậy là đạo diễn phải đổi qua 4 chiếc BMW. Sau khi thử tay lái, đạo diễn bất ngờ quyết định chọn ông Bản là một trong 4 "cận vệ" của Ngô Đình Diệm.

Đến khi đoàn phim lên Đà Lạt quay cảnh ám sát Ngô Đình Diệm trong tập Phát súng trên cao nguyên, ông đem theo một chiếc Triumph 650 cm3 (do Anh sản xuất) và một chiếc BMW R50 sản xuất năm 1956. Trong kịch bản, sau khi nhân vật ám sát hụt Ngô Đình Diệm tại Hội chợ cao nguyên thì được một nữ biệt động hỗ trợ, dùng xe gắn máy vượt khỏi vòng vây và làn đạn dày đặc của cận vệ và an ninh tổng thống. Chiếc xe dùng để nữ biệt động chở nhân vật theo dự kiến ban đầu là xe khác, nhưng khi thấy chiếc Triumph của ông Bản quá đẹp, đạo diễn liền... thay đổi kịch bản, dùng chiếc này cho nữ biệt động chạy để khung hình đẹp hơn.

Nữ diễn viên tên Nhàn, chưa bao giờ chạy loại xe này. Vậy là ông lại phải "vào vai" hướng dẫn chạy xe. Rồi trong cảnh quay này, ông cũng chính là nhân vật đóng vai cận vệ tổng thống Diệm, dùng chính chiếc BMW R50 của mình rượt theo. Cảnh quay buộc ông phải thể hiện vừa chạy vừa nằm, lạng lách tránh làn đạn của nhân vật đang trên xe của nữ biệt động bắn lại phía sau... "Lúc 2 xe đang đổ đèo ngon lành với tốc độ 6-7 chục cây số /giờ, bất ngờ trên đường có chiếc xe nào chạy văng nhớt tùm lum. May mà cả cô diễn viên và tôi đều kịp lách, chứ nếu không... Cũng nhờ vậy, khi quay xong, đạo diễn khen cảnh lạng lách trên đường rất... đạt!" - ông nhớ lại.


Ông Bản chuẩn bị cho cảnh rượt đuổi trong phim Ván bài lật ngửa, tập Phát súng trên cao nguyên

Sau này, ông còn tham gia vài bộ phim nữa, nhưng Ván bài lật ngửa là phim đầu tiên ông bước vào làng điện ảnh và cũng là bộ phim để lại cho ông dấu ấn nhiều nhất. Sau phim này, người ta biết đến ông như một "chuyên gia" về mô tô cổ, nên hễ kịch bản phim có cảnh mô tô cổ là đoàn làm phim lại tìm đến ông nhờ tìm xe, cố vấn kỹ thuật... Ngay các đoàn làm phim ngoại quốc, nhất là phim quảng cáo, tài liệu khi cần loại đạo cụ mô tô cổ cũng được giới thiệu đến ông. Mới đây, ông tham gia vào một đoàn làm phim Hàn Quốc trong vai trò cố vấn kỹ thuật chạy xe Harley.

Phim có cảnh quay hai cha con (đều là diễn viên người Mỹ) chở nhau bằng xe Harley chạy trên đường quốc lộ, cậu bé ngồi sau cầm lồng chim... Xe họ nhờ ông mướn, rồi nhờ luôn ông hướng dẫn diễn viên cách chạy. Ông bảo ấn tượng đọng lại của những đoàn làm phim ngoại quốc là sự hoành tráng và chuyên nghiệp. Như đoàn làm phim nói trên, chỉ với 2 diễn viên và quay để lấy vài chục giây phát sóng, đoàn làm phim có đến gần 100 người, đạo cụ chở theo 3 xe tải... đến Mũi Né.

Còn bộ phim mới nhất ông tham gia, cũng với vai trò hướng dẫn kỹ thuật chạy mô tô (Harley) là phim quảng cáo cho một mạng điện thoại di động đang phát trên nhiều kênh truyền hình trong nước. Phim quay cảnh ở Vũng Tàu, quảng cáo cho mạng điện thoại Việt Nam nhưng ê-kíp làm phim toàn người... nước ngoài. Trước phim này, diễn viên nam chính chưa bao giờ chạy Harley và ông phải mất một ngày để hướng dẫn anh này chạy xe thành thục. Đó là chiếc Harley đời mới (2002) thuê của anh Hoài ở TP.HCM... (còn tiếp)

M.Đ - Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.