Phục sinh vòng quanh thế giới

05/04/2015 08:00 GMT+7

(TNO) Nhuộm trứng chỉ là chuyện thường ngày ở huyện trong mùa Phục sinh, có nơi người ta còn hóa trang làm phù thủy hoặc đốt hình nộm các chính trị gia.

(TNO) Nhuộm trứng chỉ là chuyện thường ngày ở huyện trong mùa Phục sinh, có nơi người ta còn hóa trang làm phù thủy hoặc đốt hình nộm các chính trị gia.

Phù thủy phục sinh
Phù thủy trông thât đáng yêu - Ảnh: Shutterstock

Ở Thụy Điển và một số nơi của Phần Lan, lễ hội theo kiểu Haloween mini được tổ chức vào ngày thứ năm hoặc thứ bảy ngay trước lễ Phục sinh. Trẻ con sẽ mặc đồ rách rưới, cũ kỹ, váy rộng thùng thình, quấn khăn lên đầu, xách cái ấm đồng hoặc xách làn đi gõ cửa từng nhà để xin kẹo.
Tục lệ này bắt nguồn từ một niềm tin cổ xưa cho rằng phù thủy sẽ bay đến một ngọn núi ở Đức để nhảy nhót với quỷ Sa tăng ngay trước lễ Phục sinh, theo Time. Người Thụy Điển sẽ phải đốt lửa để xua đuổi phù thủy. Ở thời đại thiếu củi thừa tiền, dân Thụy Điển đốt luôn pháo hoa!
Phục sinh đến muộn
Giáo hội Chính thống giáo Ethiopia thường mừng Phục sinh muộn hơn thế giới từ 1 đến 2 tuần. Cũng có đôi khi, lễ Phục sinh của họ trùng với thế giới tùy theo sự thay đổi của lịch Chính thống phương Đông mà người Ethiopia sử dụng.
Lễ Phục sinh của họ, thường được gọi là Fasika, chỉ đến sau 8 tuần kiêng thịt và bơ sữa. Lễ vọng Phục sinh thì kéo dài nhiều giờ và chỉ kết thúc vào lúc 3 giờ sáng.
Nào ta cùng đánh phụ nữ
Đó là những cái roi tự làm, cột ruy băng sặc sỡ - Ảnh: AFP

Chẳng có mấy khi, đàn ông được đĩnh đạc cầm roi đánh phụ nữ nhân danh lợi ích của phái yếu. Chỉ có đàn ông Cộng hòa Czech và Slovakia là may mắn như thế, có thể cầm roi phát vào mông mấy bà, mong cho mấy bà khỏe mạnh, xinh đẹp và… có nhiều con.
Cơ hội hiếm có này thường diễn ra vào buổi sáng ngày thứ hai sau lễ Phục sinh. Roi phục sinh nên cũng khác roi vũ phu đôi chút: quấn nhiều sợi ruy băng sặc sỡ ở trên đầu.
Đốt hình nộm
Trong khi ở hầu hết các ngóc ngách trên thế giới, ngày Chúa sống lại là dịp vui vẻ thì tại một số nơi, lễ Phục sinh nhuốm màu bạo lực. Ở một số nước thuộc châu Mỹ Latin và Hy Lạp, người ta có phong tục đốt cháy hoặc làm nổ tung bằng pháo hoa hình nộm của Judas, người môn đệ đã phản bội Chúa Jesus.
Sau này, nhiều người đã lợi dụng truyền thống đó để đốt hình nộm các chính trị gia hoặc doanh nhân mà họ cho rằng gây hại cho cộng đồng. Chẳng hạn hồi năm 2008, tại Venezuela, một đại diện của hãng Exxon đã bị đốt hình nộm theo sau cuộc tranh cãi pháp lý nảy lửa giữa quốc gia Nam Mỹ và ông khổng lồ dầu khí này.
Bánh mì chữ thập (hot cross bun)
Phục sinh là lúc để xơi bánh mì chữ thập ngon tuyệt - Ảnh: Shutterstok
Đó là loại bánh phổ biến ở phương Tây, nhất là ở Anh, thường được ăn trong ngày thứ sáu tuần thánh trước lễ Phục sinh. Hot cross bun là bánh mì ngọt, thường có vị trái cây, phía trên được được xẻ hình chữ thập, tượng trưng cho cây thánh giá mà Chúa Jesus bị đóng đinh vào.
Nhiều năm trước, một bản tin được đăng trên một tờ báo Anh nói rằng thành phố York cấm bánh mì chữ thập ở các trường công, khiến thiên hạ phản ứng dữ dội. May cho những đứa trẻ mê tít bánh mì chữ thập, đó là tin... vịt.
Diễu hành phục sinh
Các cuộc diễu hành trên đại lộ Fifth Avenue luôn rực rỡ sắc màu - Ảnh: AFP

Thời xa xưa, nhiều người tin rằng diện đồ mới trong lễ Phục sinh sẽ mang lại may mắn cho cả năm (chỉ không biết 3 tháng trước Phục sinh thì sẽ ra sao).
Từ giữa những năm 1800, giới thượng lưu ở New York (Mỹ) sau khi đi lễ Phục sinh ở các nhà thờ trên đại lộ Fifth Avenue cùng rủ nhau nhau đi diễu hành, tiện thể khoe những bộ cánh sang trọng, lộng lẫy và mới cáu.
Xuất phát từ đó mà ngày nay cũng có các cuộc tuần hành phục sinh trên đại lộ Fifth Avenue, nơi thiên hạ khoe những bộ hóa trang quái gở nhất, rực rỡ nhất, gây sốc nhất. Cũng có nhiều công dân của thế kỷ 21 chỉ thích diện quần jeans rách bươm hay dép kẹp cũ mèm
Những quả trứng đắt hơn biệt thự
Vào năm 1885, sa hoàng của Nga lúc bấy giờ là Alexander III muốn tặng quà thật đặc biệt cho vợ, hoàng hậu Maria Feodorovna trong ngày Phục sinh. Ông liên lạc với thợ kim hoàn trứ danh Peter Carl của hãng Fabergé và nhận được một ý tưởng chưa từng có: một quả trứng vàng mở ra được, bên trong là lòng đỏ (tất nhiên cũng bằng vàng) chứa thêm một con gà mái nhỏ lấp lánh đôi mắt hồng ngọc.
Thế là từ đó, sa hoàng qua các đời bắt đầu chi những món tiền khủng để nhờ Fabergé “vẽ” nên những kiệt tác trứng, không quả nào giống quả nào. Tiếc thay, trứng phục sinh Fabergé cũng bị “tuyệt chủng” theo sau sự kiện sa hoàng cuối cùng bị lật đổ vào năm 1917.
Ngày nay, những quả trứng Fabergé còn lưu giữ lại trở thành báu vật.
Phục sinh ướt mèm
Đây là cách mà người Hungary ăn mừng lễ Phục sinh - Ảnh: AFP

Mỗi năm vào dịp Phục sinh, những người Hungary ở thôn quê thường chơi trò… tạt nước nhau theo một truyền thống có từ thế kỷ thứ 2.
Ngày nay, các cô cậu nam thanh nữ tú, trẻ con đổ hết ra đường trong lễ hội mang tên “tạt nước con gái”. Các anh chàng sung sướng dội từng xô nước vào các cô gái chạy ngang qua và kết quả cuối cùng là cả hai bên đều ướt.
Thả diều mừng Phục sinh
Truyền thuyết kể lại một giáo viên ở Bermuda (lãnh thổ của Anh ở Bắc Đại Tây Dương), vì muốn minh họa cho học sinh một cách dễ hiểu sự kiện Chúa Jesus về trời, đã dán hình Chúa Jesus vào một con diều rồi thả cho nó bay xa. Thế là trong ngày thứ sáu tuần thánh trước lễ Phục sinh, những cánh diều đủ màu sắc, kích thước bay rợp trời Bermuda. Thả diều mừng Phục sinh trở thành một truyền thống thú vị ở hòn đảo này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.