Phú Quốc 'đau khổ' vì rác nội lẫn rác ngoại khi chưa có nhà máy xử lý

08/11/2018 14:08 GMT+7

Phú Quốc không chỉ khổ với rác thải “nội” mà còn vất vả đối phó với rác “ngoại” - những loại rác từ các quốc gia xung quanh trôi dạt tấp vào bờ biển phía Tây trong khi huyện chưa có nhà máy xử lý rác.

Gần đây, tỉnh Kiên Giang phải ra quyết định thu hồi dự án nhà máy xử lý rác thải ở ấp Bãi Bổn (xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc) được một công ty đầu tư vốn hơn 230 tỉ đồng nhưng hoạt động không đúng kỳ vọng. Huyện đang kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác thải khác.
“Vì vậy, ít nhất là từ nay đến 3 năm nữa, tình hình giải quyết vấn đề rác thải ở Phú Quốc sẽ rất khó khăn”, ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND H.Phú Quốc, chia sẻ tại hội thảo xây dựng kế hoạch hành động chung cho các bên về dự án “Phú Quốc - Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa” ngày 7.11.
Hội thảo do Sở NN-PTNT Kiên Giang phối hợp UBND H.Phú Quốc và Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức. Mục tiêu của dự án “Phú Quốc - Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa” là đến năm 2025, Phú Quốc có 100% rác thải rắn được thu gom và 70% rác thải rắn được phân loại tại nguồn, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết tình hình ô nhiễm môi trường liên quan đến rác thải nhựa hiện nay đáng báo động. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa cao nhất và Phú Quốc là một trong những nơi ô nhiễm nặng nề. Do đó, nếu không có những giải pháp căn cơ cho vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa thì việc phát triển Phú Quốc thành một trung tâm du lịch sinh thái trong tương lai sẽ gặp nhiều trở ngại lớn.
Ông Thao còn cho biết, rác ô nhiễm dẫn đến suy thoái nguồn lợi sinh vật biển, đe doạ đến sự sinh tồn của các loài sinh vật có giá trị như ghẹ xanh, rùa biển, dugong,...
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, khẳng định Phú Quốc muốn phát triển và phát triển bền vững thì phải bảo vệ tốt môi trường, trong đó có cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. “Nếu chúng ta không bảo vệ được 2 loại môi trường này thì sẽ không có ai đến với chúng ta chứ nói gì đến phát triển kinh tế hay phát triển du lịch”, ông Nghiệp quả quyết.
Ông Nghiệp thừa nhận dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm về rác thải, rác thải nhựa chẳng những không giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. “Nhiều năm nay, chúng ta chỉ lo phát triển kinh tế mà quên đi việc bảo vệ môi trường, việc đầu tư cho việc bảo vệ môi trường còn bị xem nhẹ”, ông Nghiệp nói. 
Do không có nhà máy xử lý rác nên rác chất cao như núi ở bãi rác ở xã Cửa Dương HOÀNG TRUNG
Một vấn đề khó khăn của huyện được ông Nghiệp đề cập tại hội thảo là việc xử lý người vi phạm. Ông Nghiệp đưa ví dụ, khi bắt gặp một người dân xả rác không đúng nơi quy định, cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản, người vi phạm chấp nhận ký tên vào biên bản vi phạm. Tuy nhiên, khi người vi phạm không chịu đóng phạt thì bước tiếp theo cơ quan chức năng phải làm thế nào.
“Như một số quốc gia trên thế giới, ngoài bị phạt tiền thì người vi phạm có thể chọn hình phạt khác như lao động công ích”, ông Nghiệp nói. Ông Nghiệp chỉ mong mỏi rằng từ nay đến 10 năm tới, người dân hình thành được thói quen “bỏ rác đúng nơi quy định”.
Ông Nghiệp cho rằng để giảm thiểu rác thải nhựa ở Phú Quốc, cần thực hiện 3 việc. Thứ nhất, tiến hành soạn thảo lại kế hoạch để tiến hành ký kết giữa 3 bên về các nội dung trong kế hoạch. Thứ hai, mỗi bên phải xây dựng một kế hoạch riêng theo nội dung đã ký kết. Thứ ba, ông Nghiệp mong rằng tất cả các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ môi trường để Phú Quốc phát triển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.