Phóng thành công phi thuyền nhỏ nhất thế giới

09/08/2017 21:02 GMT+7

Một nhóm tàu du hành nhỏ nhất thế giới đã đi vào quỹ đạo thấp của trái đất. Một trong số này gửi tín hiệu về trạm mặt đất, mở đường cho viễn cảnh du hành đến các vì sao.

Khi nghĩ đến viễn cảnh thám hiểm các vì sao, ai nấy hầu như đều mường tượng ra hình ảnh của các con tàu du hành khổng lồ và siêu hào nhoáng như Enterprise trong loạt phim Star Trek về đề tài không gian. Tuy nhiên, Tổ chức quốc tế Breakthrough Initiatives lại đang hướng đến một kế hoạch khiêm tốn hơn nhiều, dù mục tiêu vẫn không đổi. Mới đây, họ đã phóng thành công nhóm đầu tiên gồm 6 nguyên mẫu phi thuyền được gọi chung là Sprite trên các vệ tinh của châu Âu. Các du thuyền được phóng kèm cùng số vệ tinh.

tin liên quan

Dịch chuyển vật thể tức thời lên quỹ đạo
Lần đầu tiên các chuyên gia đã gửi được một vật thể từ mặt đất lên quỹ đạo ở khoảng cách chưa từng có, mở đầu cho một kỷ nguyên vô vàn những ứng dụng mới.
Theo trang Scientific American, mỗi phi thuyền có kích thước 3,5 x 3,5 cm, tức chỉ bằng con tem của Mỹ, trọng lượng cỡ 4 gr, nhưng lại mang theo đủ phương tiện liên lạc viễn thông, từ ăng ten, bộ xử lý máy tính và hệ thống cảm biến nhỏ, vận hành bằng năng lượng mặt trời. Đây cũng là lần đầu tiên một phi thuyền cỡ nhỏ như thế, chi phí sản xuất 25 USD/chiếc, được phóng lên quỹ đạo, nạp năng lượng từ ánh sáng mặt trời và gửi phản hồi về trái đất.
Sprite là một phần của dự án Breakthrough Starshot, nghiên cứu các dạng phi thuyền nhỏ gọn có tên chính thức là StarChip, trong nỗ lực chinh phục các hệ sao ngoài hệ mặt trời. Ý tưởng đằng sau tham vọng này là nếu chúng ta có thể thu nhỏ kích thước phi thuyền, nó sẽ dễ dàng đạt được vận tốc như mong muốn để đến được các vì sao xa xôi trong thời gian sớm hơn.
Trước đây, đã có trường hợp các vệ tinh nano như CubeSat được phóng lên quỹ đạo, nhưng chúng lại có khối lượng lớn gấp nhiều lần Sprite, nặng hơn 1 kg, chưa đảm bảo được yêu cầu của những người đang ôm ấp giấc mộng thám hiểm ngoài phạm vi hệ mặt trời. Trong khi đó, mục tiêu của dự án do tỉ phú Nga Yuri Milner và nhà vũ trụ học nổi tiếng người Anh Stephen Hawking công bố hồi năm ngoái là chế tạo những con chip có trọng lượng 1 gr, gắn vào một cánh buồm nhẹ, mỏng, cho phép chúng lao trong không gian với tốc độ từ 15 - 20% vận tốc ánh sáng, nương theo sức đẩy của chùm tia laser 100 tỉ watt.
Đó cũng là lý do khiến Giáo sư Avi Loeb của Đại học Harvard, Chủ tịch ủy ban cố vấn của dự án Breakthrough Starshot, cho rằng con người vừa đột phá ranh giới mới với việc thử nghiệm thành công phi thuyền siêu nhỏ. Sứ mệnh trên đã được thiết kế để thử nghiệm năng lực liên lạc và hoạt động của các thiết bị điện tử mà Sprite mang theo trong lúc di chuyển trên quỹ đạo thấp của trái đất.
Trong thời gian tới, các chuyên gia sẽ tiếp tục nghiên cứu các dạng phi thuyền nhỏ gọn trong nỗ lực chinh phục hệ sao Alpha Centauri, láng giềng gần nhất của hệ mặt trời, cách chúng ta 4,37 năm ánh sáng. Giáo sư Loeb cho rằng sẽ mất khoảng 20 năm để hoàn thành công đoạn chế tạo phi thuyền, và thêm 20 năm nữa trước khi đến hệ sao láng giềng, nghĩa là có thể hoàn tất trong thời gian của một đời người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.