Phong cách Đà Lạt, làm gì để giữ?

22/07/2018 13:13 GMT+7

'Muốn gìn giữ phong cách hiền hòa - thanh lịch - mến khách vốn có của người Đà Lạt thì cần lấy chữ tâm, lòng tự trọng, sự liêm chính, đạo lý ở đời làm cốt lõi'.

Năm 1925 dân số Đà Lạt chỉ khoảng 1.500 người. Sau đó, Đà Lạt phát triển trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học thu hút giới trí thức trong và ngoài nước đến nghiên cứu, học tập; có thời Đà Lạt được ví là “Thủ đô mùa hè của Đông Dương”.
Với điều kiện tự nhiên và xã hội như thế đã hình thành nên tính cách hiền hòa, thanh lịch của người Đà Lạt, dù họ đến từ đâu chăng nữa. Nói cách khác, bản sắc văn hóa Đà Lạt hình thành từ mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và tinh hoa văn hóa nguyên quán của cư dân. Theo cố Giáo sư Hồ Tấn Trai: “Hiền hòa, lịch sự, giàu lòng từ ái và tinh thần hành thiện, đó là nét nổi rõ ở người Đà Lạt; đó là phong cách Đà Lạt”.

Thế nên từng có một thời ở Đà Lạt nhà không cần khóa cửa, xe để bên lề đường chẳng sợ mất, vào chợ không cần trả giá vì tiểu thương không nói thách; phụ nữ Đà Lạt buôn bán ở chợ hoặc đi chợ đều khoác trên mình chiếc áo dài lịch lãm, ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ… Nhưng bây giờ có những thực tế rất đáng lo về thành phố du lịch này.
Đà Lạt màu xanh không còn nhiều như trước, đường sá không còn mềm mại như xưa; người đông đúc, xe cộ dập dìu, kẹt xe hằng ngày... Đà Lạt đang nóng dần lên, sương mù loãng đi nhiều, không còn giăng kín như xưa, bớt đi chút thơ mộng. Đà Lạt không còn “người lưa thưa chìm dưới sương mù”. Theo đó, nhịp sống phố núi giờ hối hả hơn, thực dụng hơn, thiếu vắng những nụ cười, giảm đi một chút hiền hòa, mai một đi một chút thanh lịch...
Đâu đó ở chợ đêm Đà Lạt, hoặc ở một khách sạn vùng ven nhân viên bán hàng, nhân viên khách sạn có cách ứng xử thô bạo với du khách; đâu đó trên những cung đường dẫn đến các khu du lịch xảy ra tình trạng chèo kéo, “chặt chém”, lừa lọc du khách mua đặc sản, đi tham quan vườn dâu… Có thể chỉ là cá biệt nhưng phần nào làm bản sắc văn hóa trong ứng xử của một bộ phận người Đà Lạt nhạt phai.
Theo nhà nghiên cứu Đà Lạt - Nguyễn Ước: “Vẫn biết rằng xã hội và cuộc sống luôn biến đổi, phong cách con người không phải là điều bất biến. Muốn gìn giữ phong cách hiền hòa - thanh lịch - mến khách vốn có của người Đà Lạt thì cần lấy chữ tâm, lòng tự trọng, sự liêm chính, đạo lý ở đời làm cốt lõi; đây có thể là biện pháp căn cơ lâu bền chứ không phải dùng pháp trị”.
Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh chia sẻ, một trong những nguyên nhân giúp cho du lịch Thái Lan phát triển nhanh và bền vững là phong cách người Thái Lan thực hiện hai chữ smooth và smile (hiền dịu và mỉm cười), đây là bài học quý người Đà Lạt cần học để phát triển du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.