Phố nhậu TP.HCM lao đao vì dịch Covid-19, có quán lỗ tới 8 tỉ đồng

11/05/2021 09:12 GMT+7

Quản lý một quán nhậu trên 'phố nhậu' Phạm Văn Đồng (TP.HCM) cho biết, đầu năm đến nay quán đã bù lỗ khoảng 8 tỉ đồng, nhưng để duy trì 'đứa con tinh thần', việc làm cho nhân viên nên vẫn cố gắng cầm cự.

18 giờ ngày 10.5, "phố nhậu" của TP.HCM - đường Phạm Văn Đồng vẫn tấp nập xe qua lại, nhưng các hàng quán không còn nhộn nhịp, lên đèn, lên nhạc như mọi khi. Các quán nhậu chỉ có nhân viên hoặc 1 - 2 bàn khách ngồi giữa quán. Đây là khung cảnh quen thuộc mỗi khi TP.HCM có chủ trương khuyến khích người dân mua mang về, hạn chế tập trung đông người.

Nhiều tiểu thương TP.HCM chủ động đóng cửa hàng quán phòng dịch Covid-19

Lỗ tiền tỉ vẫn phải cầm cự

Anh Nguyễn Thọ Dũng, quản lý quán ăn 123-Zô.vn (Q.Gò Vấp) cho biết hiện tại các bàn trong quán đều đặt cách nhau khoảng 3m, đồng thời xếp xen kẽ bàn trống để giữ khoảng cách. Ngày thường, sức chứa tối đa của quán tầm 600 - 700 khách, nhưng vì dịch Covid-19, quán chỉ nhận mỗi khu không quá 30 người và không nhận đặt tiệc có quá số người so với quy định.
Quản lý quán cho biết, những ngày này, nhân viên quán được cho nghỉ phép, giảm một nửa số lượng so với bình thường. Đầu năm 2021 đến nay quán đã bù lỗ khoảng 8 tỉ.

Dù bù lỗ nhưng các quán vẫn phải cầm cự để duy trì thương hiệu đã gây dựng

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

“Giờ chúng tôi chừa bàn trống không nhận khách chứ đem dẹp hết thì cũng không biết đem đi đâu nhiều bàn ghế. Hiện tại nếu đóng cửa luôn thì mất đi thương hiệu cũng như đứa con tinh thần, nhân viên cũng không có công ăn việc làm nên chủ đang cố gắng bù lỗ, chấp nhận vậy vì không ai muốn có dịch xảy ra”, anh Dũng cho hay.

Tiểu thương Bùi Viện ngậm ngùi đóng cửa quán để phòng dịch Covid-19

Theo ghi nhận, để hạn chế các nhóm khách tiếp xúc với nhau, một số quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng đã giảm số lượng chỗ ngồi, chừa bàn trống, úp ghế lên bàn và có giấy ghi chú để khách không ngồi khu vực đó, đồng thời chuẩn bị vách ngăn để ngăn cách các khu trong quán khi cần thiết. Nhân viên cũng đeo khẩu trang khi phục vụ, một số quán chuẩn bị nước rửa tay và máy đo thân nhiệt cho khách trước khi vào quán.

"Nhẹ nhàng" hơn, quán Zoo Zoo từ tết tới nay lỗ 300 triệu

Ảnh: Lê Ngọc Thảo`

Chị Trần Kim Sinh, quản lý quán ZooZoo (Q.Bình Thạnh) cho biết quán có sức chứa tối đa gần 300 khách nhưng do dịch nên những ngày này chỉ nhận không quá 30 khách cho mỗi khu. Đợt dịch tháng hai vừa qua, quán của chị Sinh cũng làm vách ngăn ngăn cách hai khu tách biệt với nhau nên đợt này tiếp tục áp dụng để phòng chống dịch Covid-19.
Theo chị Sinh, khách cũng chủ động ngồi xa nhau, mỗi bàn cũng 4 - 5 người chứ không quá đông. Khách giảm nên mỗi khu chỉ còn 2, 3 nhân viên phục vụ, đầu bếp, lao công, bảo vệ mỗi bộ phận cũng giảm một nửa số lượng nhân viên, đồng thời xen kẽ ngày làm với nhau để cố bám trụ.

Một quán beer trên đường Phạm Văn Đồng

Ảnh: Vũ Phượng

“Dịch nhưng tiền mặt bằng, thuế, điện nước, nguyên liệu vẫn giữ nguyên, chỉ có khách giảm kéo theo thu nhập giảm thôi. Đợt tết vừa rồi dịch đâu có làm ăn gì được, qua tết mới có khách lại nhưng tổng kết lỗ 300 triệu, giờ dịch quay lại chắc còn lỗ hơn nữa, tới giờ vẫn chưa có lãi”, chị Sinh nói thêm.

Đìu hiu "phố nhậu"

Dọc "phố nhậu" Trường Sa - Hoàng Sa không khí có phần đìu hiu hơn thường lệ, các quán nhậu đa phần chấp hành quy định bày bàn ghế giãn cách, hạn chế số bàn ghế so với thời điểm không có dịch. Lượng khách đến quán nhậu cũng vắng hơn, chủ quán, nhân viên đều chấp hành quy định đeo khẩu trang.

Xe của UBND P.17, Q.Phú Nhuận đi nhắc nhở các hàng quán

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Lê Hải Châu, chủ quán Ẩm thực 35k, đường Trường Sa (P.17, Q.Phú Nhuận) cho biết, chiều 10.5, ông và những quán ăn trên địa bàn vừa lên UBND phường để họp. "Trong cuộc họp, phường yêu cầu các quán phải sắp xếp chỗ ngồi giãn cách, không nhận quá 30 người. Đặc biệt phường nhấn mạnh tăng cường tinh thần chống dịch lên cao, mà thực ra mình buôn bán nghe dịch là sợ lắm rồi. Chấp nhận lúc này để mọi thứ sớm ổn định mới mong buôn bán lại bình thường", ông Châu nói.
Tại quán của ông Châu chỉ bày 5 bàn nhận khách, các bàn được bày cách xa nhau khoảng 1 - 2m, nhiều bàn ghế được xếp đống ở vỉa hè. Chủ quán cho biết, ông thuê mặt bằng ở đây đã được 8 năm để mở quán nhậu, giá thuê hiện tại là 30 triệu đồng/tháng. Hễ cứ có dịch là quán lại chịu lỗ, tùy tình hình mà lỗ từ 10 đến vài chục triệu.
Ông nói: "Giờ được nhận khách còn đỡ, chứ đợt giãn cách đóng cửa, mặt bằng chỉ giảm 20 - 30%, quán thì vẫn phải hỗ trợ nhân viên phân nửa lương trong khi không có thu. May mà hồi chưa dịch bán lúc nào cũng đông khách, có tiền dư ra để đó bù đắp cho những lúc thế này cầm cự. Nay mở vầy khách tới cũng đông mà mình phải từ chối, cũng tiếc nhưng chịu khó vì cộng đồng".

Bình thường mỗi khu có thể phục vụ 120 - 130 khách nhưng nay chỉ nhận được 30 khách

Ảnh: Vũ Phượng

Tại quán ăn Panda đường Phạm Văn Đồng (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) tất cả nhân viên đều đeo khẩu trang, bàn ghế được bày biện cố định nhưng cách bàn lại có tờ giấy để chữ: "Bàn giãn cách không nhận khách". 
Anh Nguyễn Hữu Phước, quản lý quán cho biết, quán có 3 khu, mỗi khu sức chứa khoảng 120 - 130 khách, nhưng sau khi có công văn của địa phương gửi xuống, mỗi khu chỉ nhận đủ 30 khách để bố trí cho khách ngồi giãn cách.

Khách đến quán cũng vắng hơn thường lệ

Ảnh: Vũ Phượng

Theo anh Phước, thông thường quán có 35 - 40 nhân viên phục vụ, nhưng từ khi có dịch, nhân viên được nghỉ xoay vòng, số nhân viên mỗi buổi chỉ còn 20 người, doanh thu quán cũng giảm chỉ còn 1/3 - 1/4 so với ngày thường. "Vẫn may là tiền bán đủ lo các chi phí, chưa phải bù lỗ", quản lý quán cười trừ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.