Phân luồng độc đạo vào sân bay Tân Sơn Nhất

Cho rằng đề xuất sử dụng cáp treo đi vào sân bay Tân Sơn Nhất là không tưởng, nhiều chuyên gia cho rằng, phải phân luồng đường Trường Sơn là tuyến độc đạo vào sân bay như thiết kế ban đầu của nó thì mới giảm được ùn tắc cửa ngõ sân bay.

Kết nối đường Phạm Văn Đồng là sai lầm
Không đồng ý giải pháp cáp treo vì không khả thi, nhưng PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng không đánh giá cao đề xuất xây dựng tuyến metro đấu nối vào sân bay bởi theo ông, hiện tình trạng kẹt xe nghiêm trọng và khẩn cấp. Trong khi làm metro sẽ mất thời gian 5 - 10 năm. Hơn nữa đã có kế hoạch di dời sân bay ra Long Thành. 

tin liên quan

Đi cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất?
Ý tưởng kết nối công viên Gia Định với sân bay Tân Sơn Nhất bằng cáp treo nhằm giảm tải ở cửa ngõ sân bay đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
“Vậy nếu làm metro bây giờ sẽ giải quyết được vấn đề gì? Vấn đề hiện nay là cần một giải pháp nhanh”, ông Phong nói.
Giải pháp nhanh để giải quyết tình trạng kẹt xe, theo PGS-TS Hồ Thanh Phong là phải phân luồng giao thông theo hướng chỉ cho xe ra vào sân bay đi vào tuyến đường Trường Sa. Sau đó mới tính tới những giải pháp lâu dài hơn. Chuyện phân luồng như thế nào, ở đâu thì cần phải nghiên cứu cụ thể cho hợp lý.
“Chúng tôi cũng nhận thấy đây là vấn đề rất nghiêm trọng của thành phố, muốn nghiên cứu nhưng chưa nhận được đặt hàng từ Sở Giao thông vận tải nên chưa thể có giải pháp cụ thể được. Chúng tôi tin rằng với cơ sở lý thuyết trên, nếu nghiên cứu thực tế như hạn chế ở khu vực nào, phân luồng ra sao?... sẽ có thể giảm tải so với hiện nay ít nhất từ 15 - 20%”, TS Phong nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng giải pháp cho giao thông có thể giải quyết được ở góc độ khoa học. Thực tế, đường Trường Sơn là độc đạo đi vào sân bay. Đã là độc đạo có nghĩa là nó được hình thành để phục vụ một mục đích và ở đây là ra vào sân bay. Đây là nguyên tắc đầu tiên phải đảm bảo.
"Nhưng chúng ta đã phá vỡ nó. Chúng ta dùng đường Trường Sơn để kết nối với đường Phạm Văn Đồng là một sai lầm chiến lược. Như vậy về nguyên tắc không được kết nối như hiện nay. Nếu có nối thì tới đoạn kết nối với sân bay cũng chỉ làm đường một chiều đi ra chứ không cho đi hướng vào sân bay. Tức là người dân không thể di chuyển theo hướng Phạm Văn Đồng qua Hồng Hà rồi đi tắt qua Trường Sơn để vào khu trung tâm. Ngay cả vào sân bay theo hướng này cũng không khuyến khích luôn. Nhưng vậy là mình đã giảm tải ít nhất là 3/4 so với hiện nay" - KTS Nam Sơn phân tích.

tin liên quan

Xe biển xanh bị khóa bánh vì dừng quá 3 phút ở sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 13.1, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lực lượng CSGT đã tăng cường điều tiết, giảm áp lực xe cộ đổ về dịp Tết. Nhiều xe đã bị xử phạt trong đó xe biển xanh  8XA-XXXX đã bị CS113 tuýt còi và một xe biển xanh 80A bị khóa bánh vì dừng đỗ sai quy định.
Đồng quan điểm về vấn đề phân luồng giao thông, TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TP.HCM, đề nghị không nên cho các phương tiện đi xuyên tâm qua đường này để về Gò Vấp, Bình Thạnh và ngược lại. Thay vào đó, các phương tiện có thể đi thông qua đường Phổ Quang. Bởi hiện phần lớn phương tiện sử dụng đường Trường Sơn mà không vào sân bay, gây tình trạng kẹt xe thường xuyên trên đường này.
Xe buýt nhanh, nhà ga, đường trên cao
Giải pháp thứ hai, theo KTS Nam Sơn là từ Nguyễn Văn Trỗi nối qua Trường Sơn phải làm tuyến dành riêng cho xe công cộng là xe buýt và xe khách (taxi) - đây là tuyến ưu tiên. Xe phải có ít nhất 3 người với xe 4 chỗ và 4 người với xe 7 chỗ. Như vậy những người vào sân bay và họ đi ngắn ngày (hành lý ít) họ có thể chọn đi xe buýt, giảm một số lượng rất lớn xe máy, xe cá nhân. Họ có thể bắt tuyến xe này từ Bến Thành hoặc Nguyễn Văn Trỗi.
Những người đi đông, dài ngày họ buộc phải đi taxi, đi xe ghép. "Ở nước ngoài việc đi xe ghép ra sân bay rất phổ biến và ở VN đang dần phổ biến với các loại xe Uber, Grab, có thể ghép tuyến. Như vậy ai muốn đi xe cá nhân phải chấp nhận kẹt. Ai muốn đi nhanh phải sử dụng phương tiện công cộng. Nên áp dụng tuyến ưu tiên này như tuyến xe buýt nhanh của Hà Nội. Có thể sơn màu đường khác, đặt biển báo... Và phải có sự đồng bộ trong quản lý của ngành giao thông và công an", ông Sơn nói.
PGS-TS Phạm Xuân Mai cũng đề xuất, nên mở thêm một lối ra vào khác cho sân bay Tân Sơn Nhất bởi quỹ đất trong sân bay vẫn còn nhiều. Cụ thể, có thể làm ngay một lối ra phía đường Cộng Hòa. Còn cổng phía đường Trường Sơn chọn làm lối vào. Bên cạnh đó, phải làm đường trên cao để dành riêng cho hành khách đi ra quốc tế, đường bên dưới dùng riêng cho khách nội địa. Nghiên cứu sử dụng một phần đất sân golf mở thêm một nhà ga nội địa và khu vực đậu máy bay.
KTS Nam Sơn cũng nói thêm: Hiện thiếu một tuyến xe rất quan trọng, đó là tuyến xe kết nối các khách sạn đến sân bay. Ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu... ở các khách sạn 5 sao khách vẫn đi xe buýt ra sân bay. Họ có những chuyến xe 24 - 30 chỗ đi qua các khách sạn đón khách. Ở VN giải pháp ngắn hạn cũng nên có những tuyến như vậy và tuyến ưu tiên này tối thiểu được lập từ cầu Nguyễn Văn Trỗi kết nối tới sân bay.
Là người đã làm việc trên 20 năm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Duy Thanh đề xuất để giảm tải thì nhóm công vụ làm việc ở ga quân sự nên đi theo đường Cộng Hòa rồi rẽ phải vào đơn vị hậu cần sân bay A43. Ga này hiện đặt ở ga hành khách quân sự (918 - 917). Kể cả những xe đưa đón thuộc diện ưu tiên cũng vào đậu ở ga quân sự. Bên cạnh đó, theo ông Thanh, nên tách hẳn ga quốc tế và ga quốc nội bằng cách di dời ga quốc nội về vị trí A43. Hiện nay A43 nằm giữa đường Cộng Hòa (địa chỉ 18A Cộng Hòa, khoảng giữa trụ sở Ngân hàng Quân đội và ngã tư Hoàng Hoa Thám).
Ông Thanh nói thêm, hiện nay khu vực cận sân bay, chính quyền địa phương thoải mái cấp phép kinh doanh quán xá, dịch vụ hàng không, siêu thị... điều này cũng góp phần gây kẹt xe. Hiện nay khu vực Nguyễn Thái Sơn, Bạch Đằng đã hình thành một “thị trấn” thu nhỏ của khách vãng lai và người nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.