Phải lòng bánh dây thì về Bồng Sơn

13/11/2018 20:32 GMT+7

Sau bao lần nhấp nha trong ước muốn, tôi đã đặt chân đến được Bồng Sơn (H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để rồi "phải lòng" món đặc sản Bình Định có tên bánh dây.

Bồng Sơn mới 8 giờ tối mà tưởng như trời đã vào khuya. Sự vắng lặng của một thị trấn không thuộc trung tâm tỉnh Bình Định quả thật khó để kiếm món gì thi vị vào giờ này. May thay, một quán nhỏ hiện ra xa xa bên đường với biển hiệu khá lạ mắt - “Bánh dây Bồng Sơn”. Đến gần, không chỉ một mà lần lượt vài ba quán liền kề nhau. Vậy là không thể không dừng chân, nhất là thấy quán nào cùng đông khách lại đúng lúc “đói lòng” như thế này.
“Bánh dây Bồng Sơn, cô ăn thử một đĩa nhé”. Vừa mời tôi, chủ quán vừa nhanh nhảu giải thích: “Cô an tâm, đặc sản Bình Định đấy, ai đến đây mà chưa thưởng thức bánh dây coi như tiếc một chuyến đi”. Có lẽ, chủ quán cố giải thích cho tôi hiểu vì đọc được ánh mắt tròn vo nửa ngạc nhiên, nửa thích thú của tôi khi nhìn vào rá bánh “lạ mắt” đặt trong tủ gương.
Như phản xạ tự nhiên, tôi nhanh tay gõ Google tìm hiểu thêm về món bánh dây. Một sự ngạc nhiên thú vị đến bất ngờ, có cả hàng trăm kết quả về món bánh dây xứ nẫu này. Quả thật “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, không chủ đích nhưng tôi lại bắt gặp bánh dây, nếu như tiết trời Bồng Sơn mưa cứ đỏng đảnh kéo dài, hoặc ví như tôi làm biếng không lang thang đêm Bồng Sơn một mình mà ham vui ngồi nhâm nhi tách cà phê nơi khách sạn với bạn bè, chắc hẳn không thể biết đến món đặc sản bánh dây này.
Tôi mon men dõi theo tay cô bán hàng đang xé rời từng vỉ bánh, cắt từng đoạn ngắn cho vào đĩa. Một ít dầu hẹ được thoa đều, đậu phộng rang giã nhỏ rải lên, thêm muỗng nước mắm tỏi chanh ớt. Trên cùng là một ít rau sống gồm giá, xà lách, diếp cá, rau thơm… Đĩa bánh khi hoàn thiện như một tác phẩm nghệ thuật với nền vàng của bánh điểm thêm xanh nõn của rau, trắng nhẹ của giá, đỏ của ớt…
Thú nhất là được tận hưởng mùi thơm thoang thoảng hương gạo mùa, đậu phộng quê, lá hẹ vườn nhà. Nhẹ nhàng gắp, cắn một miếng thôi mà như tận hưởng tất cả những đặc trưng của hương đồng cỏ nội.
Bánh dây Bồng Sơn thoạt nhìn tưởng cách làm rất đơn giản, ấy vậy mà khi hỏi ra mới hiểu thế nào là “ăn ngon phải kỳ công”. Muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ, tức là gạo xay từ lúa được thu hoạch từ nhiều tháng trước. Với loại gạo này, sợi bánh sẽ có vị dai đặc trưng.
Gạo đem vo vài lần, sau đó ngâm với nước tro củi khoảng 6 tiếng đồng hồ. Tiếp theo, gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay thành bột và hấp chín. Trong quá trình hấp, người làm phải liên tục khuấy để bột chín đều, không bị cháy khét.
Khi bột đặc lại và ráo nước thì được ngắt thành từng miếng nhỏ, cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ. Những vỉ bánh này lại được đem đi hấp cách thủy cho chín đều. Lúc này, sợi bún có màu vàng nhạt tự nhiên và đẹp mắt.
Bánh dây Bồng Sơn ăn hơi dai, vị thanh dịu. Ban đầu được người dân chế biến như một món quà vặt đãi chồng con, khách phương xa. Dần dần, tiếng lành đồn xa, bánh dây cứ thế trở thành đặc sản và phổ biến ở Bình Định. Nhưng quả thật không quá khi nói rằng, ai có lỡ "phải lòng" bánh dây thì nên cất công đến Bồng Sơn mới tận hưởng hết sự tuyệt vời đặc sản xứ nẫu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.