'Osin 5 sao' ở Sài Gòn, lương chục triệu - Kỳ 3: Gái quê ra thành

01/07/2016 08:32 GMT+7

Để có thể quản lý được một gia đình, đầu tiên quản gia phải học cách quản lý bản thân - người sáng lập ngành quản gia tại Trung tâm dạy nghề Phước Lộc chia sẻ.

Kỳ tích bật bếp gas!
Lạm dụng tình dục là nguy cơ không hề nhỏ cho các quản gia, những người thường ở chung với gia đình chủ nhà. Nguy cơ càng lớn khi họ là gái quê ra thành phố. Quản gia H.T từng bị ông chủ nhà yêu cầu xoa bóp khi không có ai khác ở nhà, M.N từng bị khách của chủ nhà kéo lại định hôn, H.V từng bị người cho gia chủ thuê nhà liên tục gạ gẫm. Nhưng những bài học khi còn ở trung tâm dạy nghề về nhận biết và đề phòng lạm dụng tình dục, cách ứng xử khi "xảy ra chuyện" và sự thay đổi nhận thức đã khiến các quản gia dám lên tiếng từ chối hoặc nhờ sự can thiệp từ Câu lạc bộ quản gia khi cần, từ đó giúp ngăn chặn những tình huống xấu nhất.
"Em đã làm được, em đã làm được!" K'S..., một học viên quản gia ở Trung tâm nhảy cẫng lên reo hò sau "kỳ tích" làm cho bếp ga có lửa! Gọi là "kỳ tích" kể cũng không ngoa vì suốt 2 tháng rưỡi, hầu như ngày nào K'S... cũng đánh vật với cái vặn bếp gas, nay mới thành công.
Khui được lon sữa là một "kỳ tích" khác, bởi ở bản làng của cô ở xã Đạ Tông (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), cái khui sữa chưa từng xuất đầu lộ diện. Mà cô không tài nào hiểu nổi tại sao lại phải dùng tới thứ "vật thể lạ" chỗ ẹo ra, chỗ ẹo vô rắc rối, sao cứ không đơn giản cắm mũi dao nhọn xuống lon sữa, lấy khúc gỗ gõ "cái bụp" là xong 2 lỗ to tướng trên lon sữa.
Nhưng các giáo viên thì cứng nhắc cứ buộc cô phải dùng đồ khui sữa, khiến có hôm cô căng thẳng đến ngồi phịch xuống sàn khóc nức nở.
Cô Huỳnh Thị Quốc Trị, giáo viên dạy kỹ năng sống từng có 2 năm ở nội trú cùng các học viên kể, khóc không phải là chuyện lạ ở đây. Trong bối cảnh phần lớn các học viên xuất thân ở vùng sâu, vùng xa, rất nhiều môn học trong chương trình đào tạo quá lạ lẫm và quá áp lực với họ.
Có hôm nửa đêm, cô phải bật dậy an ủi, động viên một học viên khóc như mưa vì... quá hãi môn tiếng Anh, thứ cô gái này chưa bao giờ biết đến.
Các buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ quản gia giúp các quản gia trau dồi thêm kinh nghiệm nghề PXH
Cứ như thế nhưng cô Trị lần lượt đưa các chủ đề - thứ thì khó nuốt, thứ thì khó nói - để khuyến khích các cô gái quê cùng tham gia bàn luận sôi nổi: cách chống lạm dụng tình dục, cách tạo khoảng cách cần thiết với gia chủ, có nên quan hệ tình dục trước hôn nhân, xác định mục tiêu sống, vì sao cần tha thứ, kỹ năng kiềm chế nóng giận...
Được biết cô Trị từng du học ngành phúc lợi xã hội ở Nhật, trong đó kỹ năng sống là một bộ môn quan trọng. Cô đã có nhiều năm lăn lộn với công tác dạy kỹ năng sống.
Một năm học nghề luôn là quá ngắn với các học viên giữa rất nhiều yêu cầu mà một quản gia có kỹ năng phải am tường. Làm vỡ chén bát, ủi cháy quần áo, nấu khét món ăn... không bao giờ là chuyện xa lạ với các quản gia mới ra trường, những người thường cũng nhận mức lương khiêm tốn hơn nhiều (chừng 4-5 triệu đồng/tháng) so với quản gia "năm sao".
Tuy nhiên, với các kiến thức căn bản được học ở trường, việc liên tục trau dồi chuyên môn tại Câu lạc bộ quản gia khi đi làm và sự giúp đỡ của gia chủ, họ ngày càng tự tin với nghề hơn.
Đời sống nội trú khiến các học viên quản gia lúc nào cũng phải "vào khuôn". Trong ảnh là giờ thể dục buổi sáng của họ. PXH
Đâu cần thanh minh!
Trong đội ngũ giáo viên đào tạo quản gia tại đây, ngoài các nữ tu có chuyên môn các ngành công tác xã hội, nữ công gia chánh, điều dưỡng, giáo dục mầm mon... còn có một đội ngũ rất lớn các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, tình nguyện viên... chủ trì các buổi sinh hoạt chuyên đề hoặc các khóa ngắn hạn nhằm bổ sung kiến thức cho học viên.
Bà Nathalie Maurin - người Pháp là một trong những tình nguyện viên như thế. Năm ngoái, bà đến trung tâm 3 tháng để chia sẻ kinh nghiệm về món ăn cũng như văn hóa phương Tây.
Đã sống khá lâu tại Việt Nam, bà Maurin kể một khác biệt văn hóa làm bà rất ngạc nhiên là thái độ ứng xử sau khi phạm lỗi. Theo quan sát của bà, nhiều nhân viên Việt thường luôn tìm cách giải thích sau khi mắc sai lầm.
"Chúng tôi thì cho rằng mắc sai lầm là một phần tất yếu của con người, chẳng có gì phải xấu hổ mà phải ra sức thanh minh thanh nga. Cứ nhận lỗi và lần tới sửa sai, sẽ chẳng ai nhớ tới sai lầm của bạn nữa, trái lại lòng tin tưởng được hình thành", bà Maurin nói. Bà chia sẻ những điều đó với các học viên quản gia trên tinh thần "để hiểu nhau, cả 2 bên cần phải biết về khác biệt này và cùng điều chỉnh".
Một buổi học lý thuyết về món Âu với một tình nguyện viên nước ngoài PXH
Ngoài ra, bà Maurin cũng nhiều lần đón các học viên đến thực tập ngắn hạn trong gia đình bà. Nữ tu Lê Thị Tríu - người sáng lập ngành quản gia tại Trung tâm dạy nghề Phước Lộc cho biết các học viên từng được gởi đi thực tập ở các khách sạn New World, Quê Hương... ở TP.HCM để thực tập làm phòng, đến các bếp ăn đông người để nấu tiệc, bếp ăn từ thiện phục vụ người nghèo, đến ở lại trong nhà những người nước ngoài, người nổi tiếng một vài tuần để va chạm thực tế...
Tất cả những điều đó giúp các cô gái quê chỉ quen ngồi bệt ăn cơm trên sàn nhà, chỉ quen dùng hố xí, chỉ biết vài món quê chân chất có thể tự tin dùng máy hút bụi, dùng lò nướng bánh và quan trọng hơn cả là tự tin ứng phó giữa đời.
Giờ học làm giường tại trường - PXH
Và khi đi làm PHX

"Phục vụ người nghèo không bao giờ sợ thiếu tiền"
Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn: nữ tu Lê Thị Tríu, người sáng lập chương trình đào tạo quản gia tại trung tâm, cũng là "nhà thiết kế" phần lớn chương trình đào tạo. Nhìn bà - một cụ già 76 tuổi - không ai nghĩ bà vẫn đang làm việc toàn thời gian với một loạt chương trình xã hội phục vụ người nghèo, trong đó đào tạo quản gia là chương trình bà dành nhiều công sức.
"Phục vụ người nghèo không bao giờ sợ thiếu tiền", bà kết luận sau gần nửa thế kỷ làm công tác xã hội ở Philippines và Việt Nam. Bà giải thích ấy là vì lòng tốt của những người xung quanh luôn tràn đầy, một khi được tiếp xúc với đối tượng được giúp đỡ và nhìn thấy hiệu quả từ sự giúp đỡ của mình, họ không bao giờ thôi giang tay.
Quay lại với chương trình đào tạo quản gia, nữ tu Tríu cho biết động cơ đầu tiên của bà là thấy quá nhiều công nhân sống tạm bợ không nề nếp, chén ăn mấy ngày mới rửa, quần áo bẩn nhét đầy gầm bàn, gầm ghế... Bà lo lắng đây sẽ là những người vợ, những người mẹ không nề nếp, sẽ sản sinh ra những thế hệ không nề nếp của tương lai...Rồi bà chứng kiến không ít cô gái quê trẻ măng giấu mình trong các mái ấm dành cho bà mẹ đơn thân. Họ bị quẳng vào vòng xoáy kiếm tiền giữa chốn đô thị quá xa lạ và đầy cạm bẫy nhưng không được chuẩn bị tí kỹ năng nào để bảo vệ chính mình. Bà thấy mình có trách nhiệm góp phần ngăn chặn tình trạng đó.
Và bà cũng biết giáo dục luôn là con đường hiệu quả nhất. Vậy là ngành đào tạo quản gia ra đời và sau 10 năm, chưa có học viên nào ra trường mà không có việc làm.
Cụ già 76 tuổi này - nữ tu Lê Thị Tríu - vẫn đang ngày ngày tất bật với một loạt chương trình phục vụ người nghèo. K.O
"Để có thể quản lý được một gia đình, đầu tiên quản gia phải học cách quản lý bản thân", bà khẳng định. Thế là các cô gái quê khăn gói vào trường học để biết mình là ai. Các cô phải "vào guồng" để xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình; xác định ước mơ, mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn, cách thực hiện các mục tiêu đó; học cách quản lý chi tiêu cá nhân phù hợp với hoàn cảnh; học cách diễn tả cảm xúc, giải trình ý kiến cá nhân; học về giá trị của lòng tự trọng; học cách giúp đỡ người khác; học cách làm việc theo nhóm; học cách tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.... 
Đa phần học viên quản gia tại Phước Lộc đều được học bổng trong bối cảnh rất đông đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Mức chi phí 18 triệu đồng cho một năm học (bao gồm ăn ở nội trú, học phí, thực hành, khám sức khỏe...) là quá tầm với với các học viên. Nhưng rất hiếm khi có học viên được 100% học bổng. "Ít nhất thì các em cũng phải đóng 50.000/tháng trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm. Sự cho không nhiều lúc không mang lại hiệu quả cao", vị nữ tu có 2 tấm bằng thạc sĩ ngành công tác xã hội và ngành tổ chức hành chính - đều học tại Philippines - chia sẻ. Với các học viên quá khó khăn, phần học phí "đồng trách nhiệm" có thể nợ lại, sau khi ra trường đi làm mới trả dần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.