Ông “Tây” Việt Minh

04/02/2011 14:25 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Giữa năm 2010 tại Bình Định, Ban liên lạc Trung đoàn 803 (Liên khu 5) tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của trung đoàn. Có một vị khách đặc biệt đến từ đất nước Hy Lạp, đó là ông Kostas Sarantidis, năm nay đã 83 tuổi.

Dáng người vạm vỡ, mái tóc bạc trắng, Kostas Sarantidis thân thiện và dễ gần. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông cười rộ sảng khoái rồi nói bằng tiếng Việt, giọng miền Trung rành rọt: “Tôi rất xúc động mỗi khi trở về Việt Nam, vì với tôi đó chính là trở về nhà”.

Về với chính nghĩa

Tháng 2.1946, chàng thanh niên 18 tuổi Kostas Sarantidis theo Trung đoàn lê dương số 2 quân đội viễn chinh Pháp đặt chân đến Sài Gòn với tâm thế là “những người hùng” đi giải giáp quân đội Nhật. Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng ở Sài Gòn, Đà Lạt, Phan Rang, Phan Thiết, tận mắt chứng kiến tội ác của quân lê dương đối với dân lành Việt Nam, chàng trai trẻ nhanh chóng vỡ mộng và nhận ra “những người hùng” ấy thực chất là kẻ bạo tàn.

Sau này, ông nhớ lại: “Tuy mới 18 tuổi đời, chưa hiểu nhiều về cuộc sống và chính trị, nhưng với truyền thống yêu tự do của người dân Hy Lạp đã từng trải qua 400 năm dưới ách thống trị của quân Thổ Nhĩ Kỳ, sau nhiều đêm thức trắng, tôi quyết định đi theo Việt Minh, dù cũng chưa hiểu rõ Việt Minh là thế nào...”.

Người trực tiếp giúp Kostas Sarantidis về với lực lượng kháng chiến là nữ tình báo Mai Lê. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp, gia đình cô trước đây làm nghề buôn bán vải ở Sài Gòn và có cuộc sống khá giả, được học hành tử tế. Bố mẹ Mai Lê là những người yêu nước, tham gia kháng chiến và đã hy sinh. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng Mai Lê và một số bạn học đã rời thành phố, tham gia kháng chiến.

Kostas Sarantidis gặp Mai Lê khi cô đang là vợ của thiếu úy Christianis - một đồn trưởng tại Phan Thiết. Rồi trong những lần tháp tùng “bà thiếu úy” đi công cán, Kostas Sarantidis đã được Mai Lê móc nối với cơ sở của Việt Minh tại Phan Thiết (sau đó, nữ tình báo này bị lộ và bị giặc hành quyết vào tháng 7.1946).

Sự hy sinh thầm lặng của Mai Lê khiến Kostas Sarantidis khâm phục. Anh coi cô là một anh hùng của phong trào kháng chiến cứu nước. Kostas Sarantidis cho rằng cũng như biết bao người con gái Hy Lạp, Nga, Pháp, Tây Ban Nha dũng cảm tham gia hoạt động tình báo chống phát xít, Mai Lê đã quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Khi thời cơ đến, ngày 4.6.1946, Kostas Sarantidis cùng một người lính Tây Ban Nha băng rừng tìm về với Việt Minh. Tại Mũi Né (Bình Thuận), Kostas Sarantidis đã trở thành bộ đội cụ Hồ, được đặt tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, rồi tham gia chiến đấu ở Liên khu 5. Từ chiến sĩ, anh trở thành trung đội trưởng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi làm giám thị trại tù binh u Phi số 3 ở Quảng Ngãi cho đến khi trao trả tù binh ở Quy Nhơn năm 1954. Tập kết ra miền Bắc, Kostas Sarantidis công tác ở các cơ quan: sân bay Gia Lâm, Nhà máy in Tiến Bộ, xưởng phim truyện, mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng, mỏ than Na Dương - Lạng Sơn…

Thích được gọi là Nguyễn Văn Lập

Kostas Sarantidis cưới một cô gái Việt Nam làm vợ. Bà tên Đỗ Thị Chung, quê gốc ở Hà Nội. Năm 1965, vợ chồng ông về Hy Lạp. Họ sinh được 4 người con đều lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và người con út là Nguyễn Thị Tự Do. Kostas Sarantidis cho biết tên người con út cũng chính là một ý nguyện trong suốt cuộc đời ông, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập và tự do.

Ông Kostas năm 20 tuổi - ảnh T.L

Có một chi tiết ấn tượng mà chúng tôi nhớ mãi về ông, đó là khi được giới thiệu lên phát biểu, Kostas Sarantidis đã kính cẩn cúi đầu trước tượng Bác, rồi bước đến bục phát biểu. “Tôi thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể nào quên với nước Việt Nam của cụ Hồ. Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập tự do” - Kostas Sarantidis nói.

Mỗi lần về Việt Nam, những đồng đội cũ chào đón ông không chỉ bằng tình đồng chí mà còn bằng tình anh em khiến ông thấy vô cùng ấm áp. Ông lại cùng các đồng đội cũ đi thăm và tặng quà, hỗ trợ tiền cho người dân Quảng Ngãi bị lụt bão, giúp các bệnh nhi ở Đà Nẵng, Hà Nội mổ tim từ tiền bán sách Tại sao tôi về với Việt Minh do ông viết. Để giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, năm 2009, ông đã vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp do ông làm chủ tịch để quyên góp gây quỹ. Trước khi về Hy Lạp, Kostas Sarantidis khẳng định một ngày không xa, ông sẽ trở lại Việt Nam, thăm Bình Định để giúp đỡ các cháu bé bị bệnh tim, bị nhiễm chất độc da cam.

Huỳnh Thúc Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.