Ông tây 20 năm đến Việt Nam chăn trâu

13/12/2015 05:10 GMT+7

Suốt 20 năm qua, Roy Mike Boehm, một cựu binh Mỹ, đến Quảng Ngãi và gắn bó với người nông dân chân lấm tay bùn, quen với mùi phân trâu lẫn rơm rạ.

Suốt 20 năm qua, Roy Mike Boehm, một cựu binh Mỹ, đến Quảng Ngãi và gắn bó với người nông dân chân lấm tay bùn, quen với mùi phân trâu lẫn rơm rạ. 

Roy Mike Boehm gắn bó suốt 20 năm với các dự án nuôi trâu bò giúp nông dân ở Quảng NgãiRoy Mike Boehm gắn bó suốt 20 năm với các dự án nuôi trâu bò giúp nông dân ở Quảng Ngãi
Có lúc Mike té xỉu trên cánh đồng, rồi lại gắng gượng bước đi, mỉm cười nhìn đàn trâu bò giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.
Một buổi sáng tháng 3.2015, tại hội trường UBND xã Nghĩa Sơn, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) xuất hiện một người Mỹ to cao, nước da đỏ ửng. Đó là ông Mike, người sáng lập Tổ chức phi chính phủ Madison Quakers, Inc (MQI) chuyên giúp đỡ phụ nữ, nông dân, nạn nhân chất độc da cam thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo.
Hội viên phụ nữ số 01
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tiếp đón và báo cáo với ông Mike “hội viên” về việc triển khai dự án nuôi bò cho người nông dân. Gọi là báo cáo với hội viên Mike, vì trong tổng số 200.000 hội viên Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi thì Mike vinh dự được cấp thẻ có mã số 01. Đó là cách mà hội phụ nữ ghi ơn những đóng góp của ông cho công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn Quảng Ngãi.
Mike có khuôn mặt khá hiền lành, ánh mắt của ông rơi lệ, sa sầm như có quầng mây đen mỗi khi đặt chân đến Mỹ Lai - nơi đồng đội của ông từng gây ra vụ thảm sát năm 1968. Ánh mắt của ông sáng lên với nụ cười khi nhìn lũ trẻ nô đùa, nhìn bầy trâu bò trên cánh đồng nắng vàng. Quảng Ngãi là quê hương thứ hai của Mike. Quê hương của Mike là thành phố Madison, tiểu bang Wisconsin, thuộc miền nam nước Mỹ. Đây là địa phương có nền kinh tế vùng đồng quê vốn dựa vào lông thú, sau đó là khai thác gỗ, trồng trọt, chăn nuôi bò.
Trở lại Quảng Ngãi lần này, Mike gặp nhiều khó khăn. Vì nhiệt độ ở miền nam nước Mỹ lúc đó chỉ 12 - 14 độ, còn tại Quảng Ngãi đang nóng đến 38 - 39 độ, trong khi lịch đi cơ sở kiểm tra đàn trâu bò thì rất nhiều. Rồi việc kiểm tra các công trình xây dựng, cùng hội phụ nữ nắm bắt nhu cầu của bà con nông dân cần gì để xóa đói giảm nghèo nhanh nhất... Sau 20 năm đi khắp các làng quê, đến nhiều đồng cỏ, trang trại giúp nông dân, bây giờ Mike đã là ông già ở tuổi 68. Lòng tốt, sự say mê của Mike đầy ắp, nhưng sức người có hạn, trong khi dự án ngày càng mở rộng và trải dài ra khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong buổi làm việc tại UBND xã Nghĩa Sơn, Mike chia sẻ: “Tôi rất hài lòng về việc quản lý dự án, bà con phát triển được trâu bò để xóa đói giảm nghèo tôi rất mừng. Đây là mô hình để các xã tham khảo”. Mike nhìn quanh rồi hỏi tiếp: “Nhu cầu của bà con nông dân ở đây có cần gì nữa không?”.
Ông tây 20 năm đến VN chăn trâu 2Ông Mike luôn trân trọng khi gặp bà con địa phương - Ảnh: L.V.C
Nghèo ở Madison, giàu ở Quảng Ngãi
Mike nghèo lắm, không vợ con, không có tài sản gì, chỉ 1 căn nhà rất nhỏ, nhưng ông dành phần đời còn lại để qua VN lo cho bà con nông dân để hàn gắn vết thương chiến tranh
Ông Đỗ, người cận kề cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm
Mike từng là cựu binh Mỹ và có mặt ở Củ Chi vào năm 1968. Mang trong lòng vết thương chiến tranh, năm 1994, ông trở lại VN và quyết định dành phần đời còn lại của mình để gắn bó với nông dân, hàn gắn nỗi đau chiến tranh. Mike thành lập Quỹ Madison, đó cũng là tên thành phố mà ông đang sinh sống. Ông kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân ở nước Mỹ.
Số tiền ban đầu quyên góp được thật khiêm tốn, chỉ 3.000 USD. Nhưng rồi suốt những năm sau đó, ông tiếp tục vận động quyên góp và có được nguồn quỹ khá hơn, giúp cho hàng trăm phụ nữ, nông dân nghèo ở Quảng Ngãi với số tiền gần 9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Mike còn tích cực đi xây dựng hơn 100 ngôi nhà tình thương cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Gần đây nhất là Mike hỗ trợ triển khai dự án Sơ chế cá tươi cho hội viên phụ nữ xã Tịnh Kỳ bằng gói tín dụng 160 triệu đồng. Hình thức cho vay lãi suất 0,65%/tháng, mức vay 10 triệu đồng/người; giải ngân cho phụ nữ xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ và xã Ba Động, huyện Ba Tơ vay 180 triệu đồng để tiếp tục phát triển đàn bò. Phương châm cho “cần câu để bà con tự câu cá” nên quỹ luôn duy trì được nguồn vốn để hỗ trợ nông dân, còn bà con thì có thêm trâu bò trong chuồng để bán và cày bừa.
Dù chưa được cấp thêm thẻ hội viên hội nông dân, nhưng Mike đã trở thành một lão nông khá sành chuyện cày cấy, nuôi trâu bò, cách thức chăm sóc, phòng ngừa bệnh lở mồm, long móng... Trong nhiều dự án thì Mike tập trung cho việc chăn nuôi trâu bò. Dự án hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi trâu bò được triển khai từ năm 2002 tại các xã Nghĩa An, Nghĩa Thọ và Nghĩa Sơn với nguồn vốn 300 triệu đồng. Đàn bò sinh sản tốt nên các hộ quay vòng, mở rộng cho 284 hộ nuôi bò. Thăm lại các hộ, Mike rất mừng và liên tục gật đầu “ô kê!”.
Theo bà Phạm Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, ông Mike đã thực hiện 17 dự án giúp chị em phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ tặng nhà tình thương, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.
Cựu binh Mike thường xuyên kêu gọi nhiều cựu binh Mỹ hãy quay trở lại VN hàn gắn vết thương chiến tranh, làm cầu nối xây dựng mối quan hệ Việt - Mỹ. Ông là người giàu tình cảm, thể hiện qua việc làm của mình. Nhưng ít ai biết rằng, tại Mỹ, Mike sống nghèo khổ. Ông Đỗ, người cận kề với Mike, chia sẻ: “Mike nghèo lắm, không vợ con, không có tài sản gì, chỉ 1 căn nhà rất nhỏ, nhưng ông dành phần đời còn lại để qua VN lo cho bà con nông dân để hàn gắn vết thương chiến tranh”.
Sống chết với nông dân
Trên đường đi kiểm tra các hộ chăn nuôi bò, thỉnh thoảng Mike lại lấy khăn lau mồ hôi, bước chân lảo đảo. Tôi chợt nhớ lời phát biểu lúc sáng của bà Hồ Thị Ngọc Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ H.Tư Nghĩa, trong buổi họp: “Chúng tôi rất cảm ơn vì thấy sức khỏe của ngài đã yếu rồi nhưng vẫn về thăm và kiểm tra các hộ nông dân chăn nuôi ở địa phương”.
Anh Phạm Châu, chủ hộ nông dân xã Nghĩa Sơn, được Quỹ Madison hỗ trợ đã nhốt bò ở nhà để chờ đoàn đến tham quan. Anh có lời cảm tạ ông Mike đã giúp cho gia đình anh có con bò trị giá 18 triệu đồng. Gia đình bà Phạm Thị Biên chỉ vài năm chăn nuôi, đàn trâu của bà đã phát triển được 5 con, gồm 4 trâu lớn và một chú nghé, cả đàn trâu trị giá khoảng 160 triệu đồng, giúp gia đình bà thoát nghèo.
Đoàn tiếp tục đến kiểm tra công trình giếng khoan tại trường học gần đó được xây dựng vào năm 2013. Mike lại tháo khăn lau mồ hôi, bước đi dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Lúc này thì bước chân của Mike bắt đầu chậm lại, người ủ rũ như sắp lên cơn sốt. Nhiệt độ ngoài trời đã trên 38 độ C. Ông chui vào bụi cây, cúi gập người xuống, hai vai rung lên bần bật như đang lên cơn co giật. Ông Đỗ, người quá thấu hiểu Mike, trấn an mọi người: “Mike sốc rồi, chịu không nổi, sức yếu, trời thì nắng quá. Sốc chút rồi lại tỉnh, không biết ông già này còn tới Quảng Ngãi thăm bà con nông dân và kiểm tra trâu bò được mấy lần nữa”.
Sức Mike thì ngày càng cạn, trong khi quy mô dự án ngày càng lớn, sơ đồ phát triển đàn trâu bò thì ngày càng rộng, quãng đường đi kiểm tra dự án ngày càng xa hơn. Nhiều lần Mike choáng váng ngất xỉu trên cánh đồng. Lúc đó, ông Đỗ lại thốt lên: “Thôi mua vé máy bay sớm, nếu không thì Mike chết ở đây không ai đưa về quê”. Nhưng rồi Mike lại tiếp tục bước đi, mắt sáng lên niềm vui khi nhìn thấy đàn trâu bò phát triển béo tốt. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.