Ông Nguyễn Đức Chung kể chuyện dẹp vỉa hè thời làm Giám đốc Công an

05/03/2017 14:43 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết để giải quyết được hiện tượng thờ cúng gây mất trật tự dọc vỉa hè Văn Miếu, ông đã phải ngồi tại đó mất 4 tuần, thời còn làm Giám đốc Công an TP.

Nhắc lại kinh nghiệm xử lý vi phạm trật tự vỉa hè, ông Chung cho biết: “Tôi với anh Đình (đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an Hà Nội) và anh Đại (Trưởng công an quận Đống Đa trước đây), để giải quyết được một điểm thờ cúng liên quan đến "miếu hai cô" ở phố Nguyễn Thái Học, tôi với anh Đại đã phải ngồi đó mất 4 tuần”.
VIDEO: Ông Nguyễn Đức Chung: "Hơn 150 quán bia vỉa hè có công an đứng sau'
Ông Chung kể, chiều 14 và 30 âm lịch hàng tháng, người dân đến khu vực thờ cúng vỉa hè giao giữa Văn Miếu - Nguyễn Thái Học có hôm đông hết cả ngã 4. Cuối cùng, để xử lý điểm vi phạm trật tự này, Công an thành phố đã mời một thượng tọa chùa Quán Sứ xuống bê bát hương ra chùa, chỗ đế thờ người dân tự đúc cao lên 30 cm phải đào lên, trong đêm lát lại trả vỉa hè; đồng thời, 2 ông “lưu manh” ở phường Quốc Tử Giám vẫn thu mỗi người dân 10.000 đồng để đốt vàng mã tại khu vực kể trên thì giao cho công an phường, quận tạm giữ.
Công an thành phố khi đó phải cho cảnh sát trông giữ điểm này 2 tháng, hiện tượng mất trật tự trên mới giảm dần rồi dứt hẳn được 2 năm, nhưng hiện cũng đang tái phát trở lại.
Những năm 2013 trở về trước, "miếu 2 cô" tại khu vực vỉa hè Văn Miếu từng được đồn thổi rất linh thiêng, người dân thờ cúng, thắp hương, hóa vàng đông đúc. Thành phố từng nhiều lần di dời bát hương vào chùa nhưng hiện tượng thờ cúng vẫn tái diễn. Tới khi cảnh sát được cử trực tại đây cùng việc dựng hàng rào sắt bảo vệ trong nhiều tháng, hiện tượng này mới chấm dứt. 
Lãnh đạo Hà Nội cũng chia sẻ, khi còn làm Giám đốc Công an thành phố, những điểm nhỏ như dãy bán hoa quả phía Cầu Giấy đi vào đường Láng, ông cũng phải trực tiếp xuống nói chuyện với những người buôn bán. “Người thì bảo báo cáo bác mỗi tháng em nộp 3 triệu cho các anh trật tự quận Cầu Giấy, bảo quận Cầu Giấy xuống thì nói em nộp tiền cho Đống Đa. Tôi mời công an 2 quận làm việc trực tiếp mới giải quyết được”, ông Chung nói.
Liên quan đến khó khăn trong xử lý vi phạm vỉa hè, đặc biệt là các hàng bán nước, ông Chung chia sẻ, điều làm ông băn khoăn là giải quyết việc làm cho người nghèo bán trà đá vỉa hè, đặc biệt những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, đầu năm 2014, khi còn làm giám đốc Công an thành phố, ông Chung đã cho thử điều tra thì 6 phường ở Đống Đa cũng chỉ có vài chục hộ nghèo bán trà đá.
Toàn cảnh vỉa hè Hà Nội bị tái chiếm
Sáng nay 2.3, sau 2 ngày xử lý rốt ráo của lực lượng chức năng quận, phường, nhiều khu phố quận Hoàn Kiếm lại quay trở lại cảnh xe cộ, hàng quán tràn ra vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
“Đồng chí Chủ tịch quận Đống Đa về khảo sát xem, tất cả các phường ở quận có bao nhiêu hộ nghèo bán nước chè. Nói thế thôi, bán nước chè, mỗi ngày người ta thu được vài trăm nghìn. Sau khi điều tra, khảo sát, nếu thấy thật sự khó khăn, các đồng chí đề xuất phương án có nên hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề trong vòng 6 tháng hay không?”, ông Chung nói.
Với đối tượng xe thương binh 3 bánh, theo ông Chung, trước đây đã thống kê toàn bộ số thương binh 3 bánh chỉ hơn 100 người, nhưng số giả danh thương binh, hoặc 1 hộ thương binh có 5-7 xe cho thuê rất nhiều. Ông Chung giao các sở phối hợp, mời toàn bộ số thương binh lên lãnh đạo thành phố sẽ chủ trì làm việc trực tiếp, tìm công ăn việc làm phù hợp, hoặc đăng ký chỉ chở 1 tuyến.
Tuy nhiên, theo ông Chung, 'hơn 1 năm trở lại đây, xe 3 bánh đỗ công khai chờ khách, bắt được 300 xe thì sinh ra 500 xe. Trong khi xe chở cồng kềnh gây tai nạn chết người đã có”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.