Ông Năm cụt ‘nhặt’ vợ giữa Sài Gòn về 'túp lều tranh' không điện nước

18/11/2016 09:46 GMT+7

‘Nghe mấy người nói bả đã thôi chồng, vợ tui thì mất đã lâu nên tui rủ bả về ở chung ghe. Ban đầu bả làm giá không chịu nhưng sau thì chấp nhận cùng tui lênh đênh sông nước’, ông Năm cụt tâm sự.

Giữa Sài Gòn hoa lệ, vợ chồng ông Năm cụt vẫn hằng ngày sống trên chiếc ghe mục ở chân cầu Rạch Bàng 2 (quận 7, TP.HCM). Cuộc sống không điện, thiếu thốn đủ thứ nhưng “mái nhà” nhỏ của ông luôn ngập tiếng cười.
VIDEO: Ông Năm cụt kể chuyện 'nhặt' vợ - Thực hiện: Vũ Phượng
Chuyện ‘nhặt’ vợ
Ông Lê Văn Đực (56 tuổi) quê ở Bình Đại, Bến Tre. Sau cuộc chiến dưới chế độ cũ, ông bị mất một chân nên mọi người gọi ông là ông Năm cụt.
Ông kể, khi vừa đến tuổi thanh niên thì lấy vợ, sinh được 5 người con. Đứa con út vừa được 11 tuổi thì vợ ông bệnh rồi mất. Một mình ông ngày đêm đánh lưới và làm thêm các công việc nuôi 5 con đến khi dựng vợ gả chồng rồi đi nơi khác sinh sống.
Bà nhà tui khờ lắm, không biết chữ, tui kêu bả đi học cùng Diễm My mà bả không chịu. Ở nhà chỉ có hai vợ chồng nên tui hay chọc cho bả gắt lên, thấy bả gắt tui cười một cái là huề
Ông Năm cụt
“Khi đứa con út làm đám cưới xong thì mấy người ở cù lao Bình Đại chỉ bả cho tui, nói bả đã thôi chồng (bỏ chồng) lâu rồi, tui qua làm quen thì thấy ưng nên rủ bả về ở cùng. Vậy mà thành vợ chồng”, ông Năm cụt tâm sự.
Từ đó hai vợ chồng lênh đênh sông nước, nay đây mai đó, đi tới đâu thả lưới tới đó để cơm cháo qua ngày.
Vợ ông Năm cụt là bà Nguyễn Thị Vĩnh (53 tuổi), thời trẻ bà Vĩnh là một người con gái có sắc, nhiều người theo đuổi nhưng số phận trớ trêu khi bà lấy chồng đầu tiên mà cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc.
Vợ chồng ông Năm cụt ở với nhau hơn 20 năm thì vợ ông sinh một bé gái kháu khỉnh. Ông Năm chia sẻ: “Này là con trời thương trời cho chứ hai vợ chồng tuổi cao rồi, lại sống kiểu du mục như thế này nên đâu nghĩ là có con được. Vậy mà từ ngày có Diễm My, ngôi nhà ấm áp hẳn lên”.
Cuộc sống trên chiếc ghe mục ở Sài Gòn
Khi bé Diễm My chào đời, ông Năm cụt chuyển cả nhà lên Sài Gòn, tính làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống. Dọc theo các con rạch, vợ chồng ông quyết định tấp ghe “lập nghiệp” ở cầu Rạch Bàng 2 (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7).
Vợ chồng ông Năm cụt chẳng bao giờ to tiếng với nhau
Vợ chồng ông chẳng bao giờ to tiếng với nhau
Những ngày giữa tháng 9 chúng tôi ghé thăm, ông Năm cụt đang loay hoay đóng lại chiếc ghe cũng là mái nhà của cả gia đình. Chiếc ghe bé xíu, mục đáy, mục hai bên, mục cả phía trước, phía sau mà ông vẫn lạc quan: “Còn xài tốt lắm, nhưng mục nên phải tìm gỗ đóng cho chắc kẻo nước lên là chìm”.
Cả chiếc ghe chẳng có gì quý ngoài vài ba cái bánh mì từ thiện người ta cho lúc sáng, mấy bộ đồ để trong thùng carton, tấm bạt giăng hai bên cũng đã giòn tan. Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ đây lại là nơi che mưa, che nắng của cả gia đình.
Bình thường ông Năm cụt đạp xe đi bán vé số, nhưng giờ ông phải tạm nghỉ ở nhà để sửa ghe phòng lúc mưa gió
Bình thường ông Năm cụt đạp xe đi bán vé số, nhưng giờ ông phải tạm nghỉ ở nhà để sửa ghe phòng lúc mưa gió
Thông thường, ông Năm cụt lấy vé số về rồi đạp xe đi bán, còn bà Vĩnh bán vài ba chai nước ở ngay chân cầu. Thu nhập của cả gia đình chỉ khoảng hơn 100 ngàn mỗi ngày, vậy nhưng cũng qua được hơn 8 mùa mưa nắng.
Nhiều người khách quen của quán bà Vĩnh thấy thương hoàn cảnh gia đình nên mua tặng bé My đèn và bình ắc-quy để học bài, người thì nối ống nước sạch để gia đình có nước sinh hoạt.
Nếu như vật chất gia đình ông Năm thiếu thốn đủ bề thì sự sẻ chia và hạnh phúc chưa bao giờ vơi đi
Nếu như vật chất gia đình ông Năm thiếu thốn đủ bề thì sự sẻ chia và hạnh phúc chưa bao giờ vơi đi
Nói về cuộc sống gia đình, ông Năm cụt cười rồi kể: “Bà nhà tui khờ lắm, không biết chữ, tui kêu bả đi học cùng Diễm My mà bả không chịu. Ở nhà chỉ có hai vợ chồng nên tui hay chọc cho bả gắt lên, thấy bả gắt tui cười một cái là huề”.
Chiều chiều, canh đúng 4 giờ ông Năm cụt đạp xe đón bé Diễm My đi học về. Dù mới học lớp 2 nhưng bé My hiểu hoàn cảnh gia đình, thương cha mẹ nên chẳng bao giờ đòi hỏi gì.
Gia đình ông Năm cụt hạnh phúc và ấm áp hơn từ khi có bé Diễm My
Gia đình ông Năm cụt hạnh phúc và ấm áp hơn từ khi có bé Diễm My
“Đi học về là nó kêu tui chơi đá banh, làm ngựa cho nó cưỡi mà chân tui vầy nên nhiều khi đá banh cùng con có được đâu. Nghĩ mà thương con, chừng vợ chồng tui già hết rồi lúc nó đau ốm thì phải làm sao”, nói rồi ông Năm cụt thở dài nhìn xa xăm.
Vì cuộc sống khó khăn nên 5 người con của ông Năm cụt với vợ đầu sau khi lập gia đình tản đi các nơi để mưu sinh cuộc sống
Thời trẻ là một người phụ nữ có sắc nhưng bà Vĩnh chẳng may bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân. Cuộc đời bà Vĩnh như bước sang một trang mới từ khi gặp ông Năm
"Giờ hai người không nương tựa vào nhau thì còn biết nương tựa vào ai nữa", ông Năm cụt trải lòng
Vợ chồng cười hạnh phúc khi xem ảnh của gia đình được người chụp ảnh tặng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.