Ông cụ 66 tuổi 10 năm nhặt ve chai ở Hà Nội mưu sinh để không phiền ai

06/09/2020 12:08 GMT+7

10 năm gắn bó với nghề nhặt ve chai ở Hà Nội, dù vất vả nhưng ông Tài vẫn cố đi làm để lo cho bản thân, phụ giúp gia đình và không phiền đến ai.

Ngày 30.8, mạng xã hội xuất hiện bài đăng nói về hoàn cảnh của một cụ ông làm nghề nhặt ve chai trên đường phố Hà Nội. Đôi chân của ông bị tật, không đi được như bao người bình thường khác nên rất khó khăn trong cuộc sống mưu sinh. Tài khoản Facebook có tên Viet Anh Dang đăng lên mạng xã hội với mong muốn các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ một phần để ông có tiền trang trải cuộc sống.
Bài đăng có hàng trăm bình luận động viên, tỏ ý giúp đỡ ông để vơi bớt nỗi vất vả của ông. Tài khoản Nguyễn Thị Bích Ngọc viết: “Thương ông lắm! Tối nào cũng gặp ông ở đường Cầu Giấy, thỉnh thoảng còn biếu ông vài đồng”. Tài khoản Xuan Tran bày tỏ: “Đúng là còn rất nhiều mảnh đời đáng thương, mong rằng có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ ông”. 

Gần thập kỷ đi nhặt ve chai

Phòng trọ của ông Phạm Văn Tài (66 tuổi, quê ở huyện Giao Thuỷ, Nam Định) nằm sâu cuối ngõ 79 phố Trần Cung (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Căn phòng xập xệ, rộng chừng 7 m2 chỉ đủ để một chiếc giường, vài đồ sinh hoạt lặt vặt là nơi che nắng, che mưa của ông Tài.

Khu trọ xập xệ nơi ông Tài thuê để ở

ẢNH: DƯƠNG LAN

 
12 giờ trưa, ông Tài ăn vội chiếc bánh mì được người ta cho từ đêm hôm trước để lấy sức đi làm. Ông thường đi nhặt ve chai từ 12 giờ trưa và trở về phòng trọ nghỉ ngơi, lấy sức lúc 3 - 4 giờ sáng hôm sau. Ông cho hay, đi giờ như vậy mới nhặt được đồ, buổi sáng người trẻ đi nhiều ông không theo kịp nên không kiếm được mấy.
Ông Tài cho biết, hồi còn trẻ ông cũng như bao người ở quê làm muối, bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, sức khoẻ của ông yếu dần nên ông lên Hà Nội làm nghề nhặt ve chai, tự kiếm tiền nuôi bản thân và đỡ đần một phần cho gia đình.
Ông cụ 66 tuổi đi nhặt ve chai: Vất vả mưu sinh tuổi xế chiều2

Chiếc bếp gas là tài sản giá trị trong phòng ông Tài được ông dành dụm mua với giá 300.000 đồng cách đây không lâu

ẢNH: DƯƠNG LAN

Ông thường đi nhặt đồ ở các tuyến đường như Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), đường Láng (quận Đống Đa), đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm),…
“Tôi đi khắp nơi, không đi vậy sao kiếm được tiền. Nhưng cũng vất vả lắm có ngày đến mấy gói mì tôm cũng chả được. May mắn, đi như vậy gặp bà con cô bác nhiều người họ cũng cho ve chai, cho tiền, cho đồ ăn mang về. Ra ngoài tôi gặp được nhiều người tốt lắm, họ cho tôi mừng chỉ biết cảm ơn rồi nhận lấy”, ông Tài nói.
Ông cụ 66 tuổi đi nhặt ve chai: Vất vả mưu sinh tuổi xế chiều3

Ông Tài kể lại chuyện được nhiều người giúp đỡ khi đi nhặt ve chai

ẢNH: DƯƠNG LAN

Cũng theo chia sẻ của ông Tài, mỗi ngày ông kiếm được khoảng 30.000 – 40.000 đồng, ngày nhiều được khoảng 60.000 đồng. Đợt dịch trước ông về quê, lần này dịch Covid-19 quay trở lại ông không nhặt được nhiều, thu nhập giảm xuống, cuộc sống của ông càng khó khăn hơn.
Nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của những nhà hảo tâm, có ngày may mắn ông cũng kiếm được khoảng vài trăm nghìn, đủ trả tiền trọ, tiền điện nước.
“Đi nhặt đồ thấy mệt quá tôi vào hàng tạp hóa mua mấy hộp sữa uống rồi đi tiếp. Đi đường tôi gặp nhiều người tốt hay giúp đỡ, nếu không có họ chắc cũng không sống được ở Hà Nội này”, ông Tài xúc động nói.
Ông cụ 66 tuổi đi nhặt ve chai: Vất vả mưu sinh tuổi xế chiều4

Đôi chân bị tật bẩm sinh của ông Tài

ẢNH: DƯƠNG LAN

Để có được chỗ nghỉ ngơi sau đêm dài nhặt ve chai ở ngoài đường, ông phải trả cho chủ trọ 600.000 đồng/tháng. Căn phòng chật hẹp, nóng nực nhưng ông vẫn phải chịu vì đó là nơi có giá thuê rẻ nhất ở Hà Nội.

Lo cho gia đình ở quê

Ông Tài kể lại, năm 1955, bố ông đi bộ đội về kết duyên với người trong xóm rồi sinh ra ông và một người em gái. Từ khi sinh ra, ông Tài đã bị tật ở chân, không thể đi lại bình thường như những người khác.
Không phàn nàn về số phận, ông Tài cố gắng làm ăn rồi nên duyên vợ chồng với người cùng xã. Ông bà có với nhau 4 người con (3 trai, 1 gái). Các con ông đã lập gia đình nhưng vì cuộc sống cũng khó khăn nên ông không muốn phiền đến con cái.
Bị tàn tật từ nhỏ nên ông cũng được nhà nước trợ cấp 500.000 đồng/tháng. Ông cho bà ở nhà nhận khoản tiền này để lo toan công việc trong gia đình.
“Bà ở nhà chăm cháu để các con đi làm kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn. Con cái cũng vất vả, làm tự do chủ yếu làm thợ xây, nhà cửa chưa đâu vào đâu, các cháu còn học hành nên tôi tự đi làm nuôi bản thân”, ông Tài chia sẻ.
Ông cụ 66 tuổi đi nhặt ve chai: Vất vả mưu sinh tuổi xế chiều5

Chiếc xe đạp gắn với nghề nhặt ve chai của ông Tài

ẢNH: DƯƠNG LAN

“Đi nhiều cũng đau chân nhưng không biết làm thế nào ngoài ngồi nghỉ. Giờ có dịch ra đường tôi cũng đeo khẩu trang. Tôi không thiếu khẩu trang vì có nhiều người cho lắm. Còn đi làm ban đêm sợ nhất là mấy đứa đua xe, thấy họ là tôi lên vỉa hè ngồi cho an toàn”, ông Tài nói.
Dù thu nhập ít ỏi nhưng ông cũng tích góp, tiết kiệm gửi về cho bà để lo công việc bên nội ngoại, cúng tổ tiên. Nếu bí quá, ông nhờ các con hỗ trợ một ít rồi dành dụm gửi về quê sau. Ông ở một mình nhưng cũng ít gọi điện về cho gia đình trừ việc bất khả kháng, ốm đau.
“Tôi không thường xuyên gọi về nhà vì sống phải biết tiết kiệm, tiền qua điện thoại là tiền ném đi. Nhưng con cháu cũng hay gọi điện lên, tôi nghe thấy phấn khởi, hài lòng lắm”, ông Tài cho biết.
Dù khó khăn đến mấy nhưng Tết ông phải về quê để thờ cúng, hương hỏa cho bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Ông luôn nghĩ “nước phải có nguồn”, do vậy dịp lễ Vu lan năm nay ông không về được nhưng ông cũng gọi về dặn dò con cháu thắp hương đầy đủ trước đó một tuần.
Ông cụ 66 tuổi đi nhặt ve chai: Vất vả mưu sinh tuổi xế chiều6

Ông Tài đi nhặt ve chai từ 12 giờ trưa đến 4 giờ sáng hôm sau

ẢNH: DƯƠNG LAN

Người dân xung quanh xóm trọ ông thuê đã quen với hình ảnh ông Tài lọ mọ đi nhặt đồ từ trưa và trở về phòng lúc 3 – 4 giờ sáng bất kể ốm đau, nắng gió.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (49 tuổi, hàng xóm ông Tài) cho hay, từ lúc chị thuê trọ đã thấy ông Tài sống ở đây rồi. Chị Hạnh chia sẻ: “Nghĩ cũng tội cho ông, một thân một mình, chân hay đau nhưng vẫn đi nhặt đồ, con cái cũng khó khăn nên thỉnh thoảng mới lên thăm. Ông nghèo thì nghèo thật nhưng hiền lành, cứ có đồ gì ngon ai cho cũng mang sang cho, con trai tôi được học sinh giỏi cũng đem tiền sang biếu dù tôi nhất định không lấy”.
“Ông cứ đi đến 3 giờ sáng mới về, nhiều người tốt họ cũng cho, còn bà ở quê chăm cháu. Ông Tài thì hiền lành, tốt tính, đợt con ông làm ở Hà Nội cũng hay sang thăm nhưng giờ con về quê ông ở một mình, thỉnh thoảng đi qua cũng hỏi thăm nhau”, một người hàng xóm khác của ông Tài cho biết. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.