Ông, bà cụ Sài Gòn 100 tuổi: Gặp cụ bà da trắng hồng, nhớ như in quá khứ

09/09/2019 13:02 GMT+7

Cụ bà Nguyễn Thị Hải vừa tròn 100 tuổi, sống cùng con ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Dù trải qua cơn tai biến khiến người yếu đi nhưng cụ vẫn nhớ hết tên, tuổi, công việc của con, cháu, chắt. Cụ nhớ cả chuyện quá khứ.

Cụ bà 100 tuổi 'vẫn nhớ về ngày xưa'

Cụ bà Nguyễn Thị Hải sống cùng con trai trong căn nhà ở hẻm nhỏ trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Ban ngày, người con trai đi làm thì  con gái cụ ở gần đó qua chăm sóc.
Nếu không biết trước về số tuổi của cụ, có lẽ chúng tôi chẳng thể đoán được cụ đã vừa tròn 100 tuổi bởi da cụ vẫn sáng và hồng hào; răng vẫn còn chắc khỏe.
Ngồi trên giường đặt ở tầng trệt của căn nhà, cụ Hải kể, hai năm trước, cụ ở phòng trên tầng 2. Mỗi ngày, cụ tự leo lên, leo xuống cầu thang. Chiều chiều, cụ hay chống gậy cùng con cháu dạo quanh xóm, gặp gỡ những người bạn già để hàn huyên.
Gần đây, cơn tai biến khiến cụ Hải bị yếu nửa người bên phải, ngồi được nhưng không thể tự đi lại mà phải dùng xe lăn và có người dìu. Do vậy, con cháu mới chuyển cụ xuống ở tầng trệt để an toàn.

Dù tuổi cao nhưng da cụ Hải vẫn sáng và hồng hào

Trịnh Thanh

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (55 tuổi, con gái cũng là người chăm sóc cụ Hải ban ngày) vừa nhìn mẹ đang trò chuyện với khách vừa chọc: “Sức khỏe của bà thì có yếu nhưng mà trí óc thì còn minh mẫn lắm! Tiền bà để đâu, bao nhiêu là bà nhớ kỹ lắm!”. Nghe con gái trêu, cụ Hải nằm trên giường cười hà hà.
Cụ Hải vẫn nhớ tên tuổi, nghề nghiệp của con, tên cháu, tên chắt và rất tự hào khi tất cả đều được ăn học đàng hoàng và có công ăn việc làm ổn định.

Cả một đời bươn chải đủ thứ nghề

Cụ Hải có 2 người em, một trai, một gái. Cha mẹ mất, cụ mong chị em ở gần để nương tựa nhau nhưng mỗi người một nơi vì công việc và gia đình riêng. Đây cũng là điều khiến cụ buồn lòng.
Ngày trẻ, cụ Hải bươn chải đủ thứ nghề để chăm lo con cái. Theo lời con gái của cụ, ban đầu cụ Hải làm thợ may, sau đó là y tá, rồi làm xổ số, cuối cùng là bán cơm, phở.

Hằng ngày, bà Hằng sang chăm cụ buổi sáng, tối người con trai về sẽ chăm sóc cụ

Trịnh Thanh

Nhớ lại những ngày nấu phở bán, cụ Hải tâm sự: “Cái nghề đó cực lắm. Vì là nghề chính nên tôi bán phục vụ thực khách cả ngày. Thời điểm đó, con trai đi lính, con gái thì phụ bán hàng. Năm 60 tuổi, tôi bắt đầu nghỉ bán, về nhà nghỉ ngơi”.

Mong một lần về lại quê hương

Khi người viết hỏi về về cuộc hôn nhân của cụ, cụ trầm ngâm rồi bắt đầu kể cụ và chồng gặp nhau khi ông đang là sĩ quan cho chính quyền Sài Gòn. Khi ông mất, hai người con của cụ người được 3 tuổi, người được vài tháng.
“Sau đó vài năm, em trai tôi về quê tìm hiểu thì mới biết trước khi vào Sài Gòn lập gia đình với tôi, ông đã có vợ con ở quê. Tôi cũng chẳng buồn đâu, thời chiến mà. Giờ nhìn các con như thế này tôi cũng mãn nguyện”, cụ Hải chia sẻ.
8 năm trước, người con trai cả (con riêng của ông với vợ trước) từ quê vào TP.HCM xin đưa tro cốt ông về để tiện hương hỏa. Những người con riêng của chồng cụ ở Hải Phòng cũng thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe và xem cụ như người mẹ thứ hai nên cụ luôn cảm thấy ấm lòng. Hiện cụ chỉ còn giữ lại tấm bia ở chùa có khắc tên và ngày mất của ông, đi đâu cũng đem theo.
Cụ Hải nói bây giờ, cuộc đời cụ chỉ có một ước nguyện là được về thăm quê hương một lần trước khi nhắm mắt xuôi tay. Và khi tạm biệt cõi trần, cụ sẽ được chôn cất tại Vĩnh Phúc - là nơi "chôn nhau, cắt rốn" của cụ để gần cha mẹ mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.