Ô nhiễm bụi mịn - Kẻ thù giấu mặt nhưng hậu quả không “vô hình”!

26/07/2019 18:14 GMT+7

Kết quả đáng báo động từ Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 của IQAir AirVisual cho thấy Hà Nội và Jakarta là hai trong số các thành phố ô nhiễm không khí nhất Đông Nam Á.

Bất chấp việc tác hại gây chết người của ô nhiễm không khí đang được đề cập nhiều hơn, ô nhiễm không khí ở Việt Nam, mà cụ thể là mật độ bụi siêu mịn, vẫn tiếp tục là một vấn đề nan giải, có diễn biến rất phức tạp, cần được giới chuyên môn và cộng đồng chú ý hơn nữa.

Ảnh: Shutterstock

Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa toàn cầu
Theo dữ liệu từ năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cho 8 triệu người/nămi. Đến năm 2019, ô nhiễm không khí đã chính thức trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với sức khoẻ toàn cầu, một kẻ thù giấu mặt nguy hiểm còn hơn cả HIV, ung thư, Ebola hay sốt xuất huyết.
Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí tuy nhiên theo Chỉ số Chất lượng Sức khỏe Cuộc sống (AQLI) của Đại học Chicago (Mỹ), người dân ở nhiều vùng của Ấn Độ - một nơi ô nhiễm không khí nặng trên thế giới, có thể bị “tổn thọ” đến 11 năm tuổi vì sống chung với ô nhiễm không khí.

Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí “giết” chết 800 người mỗi giờ đồng hồ, gấp ba lần số người chết do AIDS, sốt rét và lao phổi cộng lại.

Ảnh: Shutterstock

Ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 26% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ, 24% ca đột quỵ, 43% ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 29% do ung thư phổi.

Thế hệ tương lai chính là đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất bởi ô nhiễm bầu không khí, đặc biệt là bụi siêu mịn.

Ảnh: Shutterstock

Trên thế giới, có đến 93% trẻ em đang sống trong những vùng có chỉ số ô nhiễm không khí vượt mức cho phép của WHO, năm 2016, có đến 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi chết do nhiễm trùng đường hô hấp.
Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến cân nặng trẻ khi sinh, gây hen suyễn, ung thư, béo phì, phát triển phổi kém và cả tự kỷ ở trẻ.
Việt Nam - Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm không khí
Là quốc gia đang phát triển, có lượng dân số tăng quá nhanh và kéo theo đó là lượng rác thải, phương tiện giao thông tăng vọt, các khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện xuất hiện ngày càng dày đặc, Việt Nam đang đối diện với những hậu quả rõ rệt hơn của ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi PM.

Nguồn ảnh: AIQ.in

Bụi PM2.5 có kích thước siêu nhỏ, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người, chỉ bằng 1/100 lỗ chân lông, vì thế PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập phế nang qua miệng, đường hô hấp hay da, đi vào hệ tuần hoàn, tấn công phổi, tim và não.

Thống kê từ WHO đã chỉ ra trong năm 2016, tại Việt Nam có hơn 60.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ảnh: Shutterstock

Hiện nay, so với các thành phố khu vực châu Á, các thành phố của Việt Nam có mức độ ô nhiễm bụi PM tương đối cao. Theo thống kê của WHO năm 2016, nồng độ trung bình năm của PM2.5 của các đô thị ở Việt Nam khoảng 28 μg/m3, cao hơn 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm từ WHO là 10 μg/m3ii.
Một kết quả khác từ Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam thì cho thấy, năm 2016, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có đến 20% số ngày trong năm lượng PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép (50 microgram/m3 theo tiêu chuẩn Việt Nam và 25 microgram/m3 theo tiêu chuẩn WHO).

Số liệu trên ứng dụng ghi lại vào 11h45’ ngày 26/07/2019 cho thấy mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức cao

Nguồn: Ứng dụng AirVisual, PAMAir.

Đáng lưu ý, đến nay vẫn chưa có bất cứ kết luận khoa học chính xác nào về tác dụng lọc bỏ bụi PM10 hay PM2.5 của các loại khẩu trang vải, khẩu trang y tế đang được bán rộng rãi trên thị trường.
Để hạn chế tổn hại về sức khỏe do phơi nhiễm bụi mịn, người dân cần nâng cao kiến thức về nguồn gốc của ô nhiễm không khí, tìm hiểu các công cụ đo để nhận biết khu vực, thời gian nồng độ ô nhiễm không khí tăng cao.

Ảnh: Shutterstock

Bên cạnh đó, cần hạn chế di chuyển ngoài đường bằng xe máy, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bởi dù có che chắn kỹ lưỡng và nhiều lớp đến mức nào thì bụi PM2.5 vẫn dễ dàng xâm nhập xuyên qua lỗ vải, khẩu trang, bám vào da và thậm chí xuyên qua cả lỗ chân lông của chúng ta.
Tại nhà, chúng ta nên trang bị cho mình máy lọc không khí, tắm rửa vệ sinh da kỹ lưỡng thường xuyên để loại bỏ bụi siêu mịn nguy hiểm ra khỏi các lỗ chân lông, ngăn chúng xâm nhập vào cơ thể và gây tổn hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.