Nước sông Vàm Thuật đen quánh

20/02/2017 09:33 GMT+7

Tình trạng ô nhiễm nước ở sông Vàm Thuật (chảy qua địa bàn Q.12 và Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang ngày càng trầm trọng.

Nước mỗi ngày một đen hơn
Ông Nguyễn Văn Thịnh, nhà sát bờ sông Vàm Thuật - đoạn gần cầu Bến Phân (P.15, Q.Gò Vấp), cho biết khoảng hơn 10 năm trước, nước sông vẫn còn trong xanh, cá còn bơi lội dưới sông. Nhưng 1 - 2 năm gần đây, nước mỗi ngày một đen và ô nhiễm nặng nề hơn. “Cứ độ mấy hôm, nước lại bốc mùi thối kinh khủng nhưng chẳng biết vì sao, cũng chẳng thấy ai quan tâm”, ông Thịnh bức xúc.
Ghi nhận những ngày qua, nước sông Vàm Thuật đoạn từ cầu An Lộc đến cầu Bến Phân (thuộc P.Thạnh Xuân, Q.12) đen ngòm và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Những con rạch trong khu vực cũng nhuộm một màu đen đặc quánh.
Ông Ngô Xuân Thu (ngụ P.17, Q.Gò Vấp) cho biết dù người dân tại khu vực thường xuyên vớt rác, khơi thông lòng rạch nhưng khi trời mưa to hay nước lớn thì rác không rõ từ đâu lại trôi về. Dòng nước càng bị đen và hôi do từ phía thượng nguồn cũng như nước đen từ sông Vàm Thuật chảy ngược vào.
Ông Phan Kim Khôi, Phó chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân (Q.12), cho biết tình trạng sông Vàm Thuật bị ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng trọt, canh tác của người dân. Ông Khôi khẳng định tại địa phương không có cơ sở công nghiệp nào xả thải ra môi trường, nước sông bị ô nhiễm nặng bắt nguồn từ tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chảy về.
Đủ loại chất thải đổ xuống
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM) năm 2016, kết quả kiểm tra chất lượng nước kênh rạch tại hệ thống Vàm Thuật - Tham Lương ở 2 vị trí An Lộc và Tham Lương có hàm lượng amoni vượt quy chuẩn cho phép cả hai thời điểm nước lớn và nước ròng. So với cùng kỳ năm 2015, tại vị trí An Lộc tăng ở cả hai thời điểm nước lớn và nước ròng; tại vị trí Tham Lương giảm lúc nước lớn và tăng lúc nước ròng. Hàm lượng COD, BOD5, coliform vượt quy chuẩn ở cả hai thời điểm nước lớn và nước ròng, DO (ô xy trong nước) thấp cả lúc nước lớn và nước ròng.
Thực tế, theo ghi nhận của PV, tình trạng nước đen, hôi thối chỉ xuất hiện từ đoạn ngã ba sông Vàm Thuật tiếp giáp với kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trở xuống. Ngược sông Vàm Thuật hướng về Q.12, H.Hóc Môn càng lên phía thượng nguồn thì nước càng trong xanh, cá vẫn bơi lội dưới sông. Còn theo nhánh rẽ vào kênh Tham Lương phía cầu Trường Đai nước kênh đen ngòm, sủi bọt và bốc mùi hôi thối thường xuyên. Con kênh này kéo dài từ khu vực H.Bình Chánh, Q.Bình Tân đi qua Q.Tân Phú, Q.Tân Bình, Q.12 rồi đổ về sông Vàm Thuật.
Trên đường đi, con kênh hứng tất cả nước thải từ các khu công nghiệp như: Vĩnh Lộc, Tân Bình và rất nhiều cơ sở sản xuất, dệt nhuộm dọc bờ kênh tại Q.Tân Phú, Q.Tân Bình, Q.12... Đi dọc theo bờ kênh, có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều miệng cống đổ trực tiếp ra kênh.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chủ tịch UBND P.13 (Q.Gò Vấp), xác nhận dòng kênh này ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm nay. “Trước đây, khi chưa có các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp phía đầu nguồn thì nước kênh ở đây rất trong. Nhưng cũng phải thừa nhận ngoài việc xả thải của các cơ sở công nghiệp thì người dân sinh sống hai bờ kênh xả thải trực tiếp ra cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm”, ông Dũng nói.
Theo Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Q.Tân Phú Nguyễn Văn Điều, tại các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải và luôn được kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại chính là các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp đóng dọc bờ kênh. Ông thừa nhận dù các cơ sở đều có hệ thống xử lý nước thải, nhưng thực tế nước thải có được xử lý trước khi thải ra môi trường hay không mới là vấn đề.
Ông Điều cho biết cơ quan chức năng thường xuyên xử phạt nhiều trường hợp xả thải không đạt chuẩn ra môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm tại tuyến kênh này vẫn chưa chấm dứt.
Trồng rau bằng nước bẩn!
Nông dân trồng rau phải mặc đồ bảo hộ mới dám xuống ruộng
Dù nước sông rất đen và hôi thối nhưng nhiều hộ nông dân hai bên bờ sông (thuộc Q.12 và Q.Gò Vấp) vẫn đưa nước vào ruộng để trồng rau, chủ yếu là rau muống và rau nhút. Nước được dẫn trực tiếp từ sông Vàm Thuật qua các cống thủy lợi vào hệ thống mương nhỏ chằng chịt để đưa vào ruộng. Ruộng càng gần sông thì nước càng đen và hôi. Một người trồng rau muống tại P.15 (Q.Gò Vấp) biện minh: “Biết là nước ô nhiễm nặng nhưng không dùng nước ở sông này thì lấy nước ở đâu?”.
Chị Huỳnh Thị Thuê, trồng rau nhút tại P.Thạnh Xuân, than thở: “Để trồng được rau, tôi phải cho nước vào ruộng và xử lý bằng vôi rất mất công, hơn 1 tuần sau chờ nước đen lắng xuống mới trồng được. Những cây mọc phía ngoài mương đâu có sống nổi”. Khi lội xuống ruộng để thu hoạch rau, chồng chị phải cẩn thận mặc bộ đồ bảo hộ cao đến ngang ngực. Rau trồng ở đây được người dân đưa đi bán ở các chợ tại quận Gò Vấp, 12, H.Móc Môn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.