Nước sông Hậu bỗng xanh như... nước biển

17/05/2016 08:10 GMT+7

Sông Hậu gắn liền hình ảnh ngầu đục phù sa, nhưng mấy năm nay nước sông bỗng trở nên trong, xanh một cách lạ thường.

Là một người dân cố cựu ở xóm Đáy (nằm cặp sông Hậu, đoạn gần cầu Cần Thơ, thuộc xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long), gần cả đời gắn bó với nghề sông nước nên ông Tư Hài (Dương Công To, 72 tuổi) rành cái nết của con nước sông Hậu hơn ai hết. Nói theo ông, con nước “cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc hờn giận”.
Thế nhưng lần này, ông Tư Hài tỏ ra nghi ngại: “Chưa bao giờ nước sông Hậu lại thay đổi lạ kỳ như năm nay. Đến tháng này mà con nước còn trong khe, màu nước mỗi ngày thêm xanh, trong như nước biển”.
Để minh chứng, ông dùng xuồng máy chở chúng tôi ra giữa sông Hậu, đoạn gần cầu Cần Thơ, quan sát. Múc một xô nước sông lên, ông Tư Hài nói: “Ngày xưa nước múc như vậy, phải lấy cục phèn lóng cho phù sa lắng xuống đáy rồi mới dùng được. Còn bây giờ, nước trong veo như chẳng có gì”.
Con nước lạ thường
Theo ông Tư Hài, cách đây chừng 5 năm trở về trước, khi bước qua tháng 4 - 5, nước sông Hậu đã ngầu đỏ phù sa. Dòng nước mang theo rong, tảo, các loài thủy sinh được người dân gọi là “trứng nước” bao phủ khắp sông. Chỉ cần lấy tay vốc nước sông lên là có thể thấy phù sa trứng nước lợn cợn đầy trong đó.
Phù sa, trứng nước cũng chính là môi trường, là nguồn thức ăn dinh dưỡng giúp cá tôm lớn nhanh, sinh sản nhiều vô kể. Nhờ đó, những người làm nghề lưới cá như ông luôn sống khỏe. “Khoảng năm 2009 - 2010, cả xóm Đáy này có gần 200 hộ dân làm nghề đóng đáy, giăng lưới sông Hậu. Bà con làm ngày, làm đêm vẫn không bị thất bữa nào. Còn bây giờ, số người làm đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tháng chỉ còn làm được khoảng 10 - 15 ngày theo con nước ròng”, ông Tư Hài kể.
Cũng theo ông Tư Hài, xưa kia, những vườn bưởi Năm Roi đặc sản xứ Mỹ Hòa tươi tốt là nhờ nước sông Hậu dẫn vào vườn mang theo phù sa nhiều tới mức năm nào người dân cũng phải “sên vườn”, tức là vét bùn dưới mương đắp lên gốc cây. Rễ cây theo dinh dưỡng mọc ngoi lên trên, không sợ bị úng, cây luôn xanh tươi, cho trái mấy chục năm không cỗi. Rồi theo thời gian, dòng nước sông Hậu thay đổi; mùa màng, sinh kế của người dân gắn với con nước cũng thay đổi theo.
Ông Nguyễn Văn Diều (Tư Diều, 60 tuổi, ngụ xóm Đáy) buồn rầu nói đã lâu rồi, ông không còn thấy con nước son (nước lũ lớn đỏ ngầu phù sa - PV) chỉ còn “dăm ba” con nước bạc (phù sa ít). Có những loại cá mất tăm mấy năm trời như cá phèn, cá út, cá lạt... “Tôi chẳng rõ nguyên nhân do đâu, chỉ thấy khi trứng nước không còn, dòng nước trong, xanh hơn thì cá tôm cũng ít dần, có loài mất tích luôn”, ông Diều lo lắng.
Nước sông Hậu  xanh như... nước biểnTôm cá trên sông ngày càng ít đi
Câu chuyện sống còn
Sự “biến sắc” của sông Hậu có thể nhận biết bằng kinh nghiệm của những ngư dân như ông Tư Hài, Tư Diều. Song, phía sau sự thay đổi đó là những hiểm họa đe dọa sự sống còn của cả vùng đồng bằng. TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên - Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận những gì người dân thấy là một thực tế có cơ sở khoa học. Khi lượng phù sa ít đi, nước sông Hậu chắc chắn sẽ trong hơn.
Theo TS Ni, phía sau sự “biến sắc” của sông Hậu là một bi kịch đang diễn ra. ĐBSCL đang mất nguồn phù sa bồi đắp mà không cách nào thay thế được. Và không ai khác, chính những đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
“Để hình dung mức độ tai hại của suy giảm phù sa, trước tiên phải hiểu phù sa không chỉ có vật liệu mịn như bùn, sét, vật liệu lơ lửng hòa tan trong nước mà thành phần quan trọng nhất là vật liệu thô gồm cát, sỏi chìm. Viên sỏi có khi phải mất cả trăm năm mới trôi được từ thượng nguồn về đồng bằng. Nhưng nếu thiếu vật liệu thô này chắc chắn không thể hình thành nên đất. Nghiên cứu của tôi cho thấy đã 7 năm qua, cát, sỏi từ thượng nguồn không còn về ĐBSCL nữa”, ông Ni nói.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái sông Mê Kông, cho biết thêm: “Cát, sỏi không về được là sự thật bởi đó là những vật liệu chìm, nó gần như bị chặn lại hoàn toàn bởi các đập thủy điện”.
Tại một diễn đàn Bảo tồn và phát triển bền vững ĐBSCL được tổ chức hồi giữa năm 2015, ông Marc Goichot, chuyên gia Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), cũng đã chia sẻ năm 1992, lượng phù sa trên sông Mê Kông ghi nhận được khoảng 160 triệu tấn/năm, nhưng đến năm 2014, con số này chỉ còn khoảng 75 triệu tấn/năm, tức đã giảm trên 50% so với hơn 20 năm trước. Ông Marc Goichot cũng cho rằng đập thủy điện chính là nguyên nhân làm giảm đáng kể sự di chuyển phù sa bồi đắp cho ĐBSCL. Mất phù sa sẽ dẫn đến giảm độ màu mỡ của đất, giảm năng suất cây trồng, trữ lượng thủy sản ít hơn; đồng thời ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sinh kế của người dân.
Còn theo Th.s Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ, thì mất đi phù sa mới chỉ là “một nửa tấn bi kịch” ở ĐBSCL, một nửa còn lại là tình trạng sụt lún đất. “Một nghiên cứu từ năm 2000 - 2010 cho thấy mỗi năm bình quân ĐBSCL bị sụt lún 1 - 2 cm. Tiến trình này chắc chắn nhanh hơn khi khai thác nước ngầm quá mức, khai thác đất làm đất co lại và cả quá trình sụt lún tự nhiên”, ông Vinh nói.
Mất phù sa, ĐBSCL sẽ tan rã
Theo TS Ni, trong bối cảnh hạn mặn bủa vây, dường như mọi lo lắng đều dồn vào nước. Khi Trung Quốc xả đập thủy điện (hồi tháng 3 và tháng 4), mọi chú ý cũng dễ dàng bị “lái” qua chủ đề giải quyết nguồn nước. Ít ai đề cập một thực tế, nếu thiếu nước ngọt vẫn còn có thể chờ mưa, trữ nước, hoặc chở nước từ thượng nguồn về. Còn phù sa bị thủy điện ngăn lại sẽ mất đi vĩnh viễn không gì bù đắp được. Sụt lún, sạt lở, nước biển dâng sẽ đáng sợ hơn rất nhiều.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện phân tích thêm, bản chất của ĐBSCL là được hình thành bằng phù sa lấn ra biển từ hàng ngàn năm trước. Khi phù sa giảm đi, không còn bồi đắp, không đủ sức “lấn” ra biển thì tất yếu sẽ có một quá trình ngược lại là tan rã.
“Tan rã nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào cán cân phù sa còn nhiều hay ít. Với thực tại như hiện nay thì chắc chắn quá trình tan rã sẽ nhanh khó có thể hình dung được”, ông Thiện nói. Cũng theo nhà khoa học này, lâu nay ĐBSCL được bảo vệ bởi một lớp “áo khoác” phù sa ven biển. Lớp “áo khoác” này là lớp nước bùn tỏa ra biển 20 - 30 km, chạy dài 750 km từ H.Cần Giờ (TP.HCM) đến mũi Cà Mau, Hà Tiên, Kiên Giang. “Khi sóng biển đánh vào nhờ có lớp bùn này sẽ hạ sóng rất nhanh. Khi sóng đến bờ năng lượng sẽ còn không đáng kể. Tuy nhiên khi mất lớp “áo khoác” phù sa trên thì sạt lở sẽ trở nên khủng khiếp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.