Nước mắt chảy xuôi - Kỳ 1: Bà cụ bắt tép nuôi con

28/11/2008 10:36 GMT+7

Một người mẹ 80 tuổi vẫn ngày ngày mò mẫm ngoài đồng để nuôi chồng mù và con liệt, một bà mẹ tuổi 83 vẫn lận đận lo cho bốn đứa con mù, một người cha già yếu ngày ngày đi bốc vác để nuôi con…

Mắt họ đã mờ, lưng họ đã còng, lẽ ra đã được vui nhàn tuổi già, nhưng vì cảnh nghèo, con cháu bệnh tật, những người mẹ, người cha vẫn lặn lội thân cò. Nước mắt vẫn chảy xuôi. Bóng những người mẹ, người cha như biển hồ lai láng.

Bà cụ cặm cụi lột vỏ sắn. Mái tóc đời người 80 tuổi đã rụng thưa, bạc trắng như mây. Manh áo sờn rách không đủ ấm trong gió mùa đông bắc. Cụ co ro người làm tấm lưng còng càng gập thêm. Kế bên, con trai cụ cũng bị gù lưng, co rút người sát đất. Anh 40 tuổi rồi nhưng cụ vẫn thương lo như con trẻ lên năm.

Người mẹ không tên

Về xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) hỏi thăm cụ Lý nhưng chẳng ai biết tên. Đến khi hỏi người chồng mù và đứa con tật nguyền, mọi người mới chỉ chính xác. Hình như chính bà cụ cũng quên mất tên mình. Bởi từ lâu lắm rồi cụ đã là chiếc bóng, là đôi mắt, đôi chân của chồng con bất hạnh. Buổi sáng, bà cụ ngồi lột vỏ sắn.

Trong góc nhà ẩm thấp, ông cụ co ro trên chiếc giường ọp ẹp. Nghe ông ho sù sụ từng cơn, bà cụ lo lắng ngẩng lên phều phào: “Lẽ ra tôi đã ở ngoài đồng đặt trúm rồi. Nhưng ông nhà yếu quá nên không dám đi. Vợ chồng sống với nhau trọn đời, lỡ không được nhìn nhau lần cuối thì đau lòng lắm!”. Rồi bà âu yếm nhìn con đang co ro cạo sắn với mẹ: “Mà cũng thương ông lỏi con này. Nó hay nghe bạn ghẹo, buồn đi lang thang”.

Bà cụ có mười người con nhưng giờ chỉ còn một người bên mình. Họ đều được đặt những tên phúc đức, may mắn, mong đời đỡ khổ. Nào ngờ ông trời vẫn bắt đi ba con trai, hai con gái. Người con Lê Quang Phúc, sinh năm 1968, may mắn hơn các anh, nhưng đến 9 tuổi bỗng phát bại liệt. Vợ chồng cụ gạt nước mắt, vét bán đồ nhà, rồi vay mượn hàng xóm, bế con đi chữa trị khắp nơi. Thương con, họ mời cả thầy thuốc từ miền Nam ra, nhưng cuối cùng đành bất lực. Chân Phúc ngày càng khô quéo, khẳng khiu như cành khô. Tấm lưng cứ gù to ra làm người anh co rút lại, mọi di chuyển chỉ trông chờ đôi tay.

Vài năm sau mắt người chồng Lê Quang Hậu cũng mờ dần rồi mù hẳn. Gánh nặng gia đình ập xuống vai bà cụ và các con gái may mắn lành lặn. Nhà chỉ có ba sào ruộng không đủ ăn, các cô gái phải đi cấy thuê. Còn cụ ngày đêm mò mẫm ngoài đồng đặt trúm tôm tép. Cụ nhớ lại đời mình, thấy việc lam lũ đeo đẳng đời khổ của cụ từ thuở chưa lấy chồng. Thương cha mẹ già, các cô gái nguyện ở vậy lo nhà, nhưng cụ nhất quyết bắt đi lấy chồng.

Thắp nén nhang lên bàn thờ, cụ khóc với các con: “Cha mẹ cũng sẽ ra đi. Các con không thể tự làm khổ đời mình! Lúc già cả các con nương tựa vào đâu”. Thế rồi bốn cô lần lượt gạt nước mắt, lạy cha mẹ về nhà chồng. Cô út nấn ná mãi cũng đến ngày rời gia đình. Nhưng ông trời vẫn không chiều những cái tên may mắn của họ. Các gia đình mới tiếp tục khốn khó. Các cô gái quá vất vả nuôi con, chẳng có gì chia sẻ với mẹ.

“Đời tôi là chồng con”

Bà cụ chăm sóc người chồng mù ốm đau - Ảnh: Quốc Việt

Dừng tay lột sắn, bà cụ khó nhọc chống gậy vào nhà múc bát cháo cho chồng. Ngoài sân, bóng gầy yếu của bà che lên người con bại liệt. Vào nhà, chiếc bóng ấy lại bao bọc người chồng bệnh tật nằm liệt giường. “Chắc lần này ông trời sẽ cho tôi đi để bà đỡ vất vả mà lo cho con” - ông Hậu đỡ bát cháo, phều phào với vợ.

“Nói dại mồm! Ông mà chết thì con với tôi buồn lắm” - bà cụ gạt nước mắt, an ủi ông. Rồi gượng cười, bà chỉ chiếc quan tài ở góc nhà: “Số ông nhà tôi cao lắm! Bốn lần ngưng thở rồi mà vẫn không rời vợ con. Tôi đã dành dụm tiền bán tép đóng cho ông cái áo gỗ cả mười năm nay, nhưng chỉ mấy ông hàng xóm phải mượn để rồi con cháu đóng trả”. Nghe vợ nói ông cụ bật cười, nước mắt chảy dài trên gương mặt xanh xao.

Bà cụ lại nhìn con, tâm sự: “Đời già rồi cũng phải về với ông bà, chỉ thương thằng Phúc”. Bà dụi mắt quay đi để Phúc không thấy bà khóc. Bà nói sao trời không đổ bất hạnh của con vào bà. Bà nhớ hồi Phúc học hết lớp 2 thì phải nghỉ vì bại liệt. Bạn xóm trêu Phúc “què”, anh tự ái lắm. Một ngày, anh trốn mẹ lê lết ra bờ đầm đặt trúm tép để đỡ mẹ và cho bạn biết mình không què. Loay hoay, Phúc rơi tõm xuống đầm. Anh đang chới với sắp chìm thì người làng phát hiện, vớt kịp. Bà cụ nghe hàng xóm í ới, lập cập ra đón con. Suốt đêm đó cụ khóc với con: “Ông trời đã bắt vậy thì cam chịu con ạ. Hi vọng đời sau con may mắn hơn. Có gì mẹ không sống được đâu!”.

Phúc thương mẹ nhưng tính anh hay tủi. Có lần bị bạn ép rượu, ghẹo: “Cái thằng không ích gì cho xã hội, cả đời chỉ biết cái tổ của mẹ”. Thế là Phúc buồn, lê ra đường xin xe đi xuống tận Vĩnh Phúc. Anh lang thang vài ngày thì lạc đường. May có người tốt bụng gọi điện thoại về UBND xã báo tin cho mẹ. Đường xa, bà cụ không đi đón nổi con, phải bán chiếc xe đạp duy nhất trong nhà nhờ người tìm anh. Rồi bà chống gậy ra tận đầu làng đón anh. Mẹ con gặp nhau không ai nói được lời nào chỉ lăn dài nước mắt. “Thằng Phúc hay tủi nhưng thương mẹ lắm!”, bà nói. Người con 40 tuổi, nhưng với bà vẫn còn là trẻ thơ.

Miên man tâm sự, bà cụ ít nói về mình mà cứ nhắc chồng con. Nhưng tôi cảm nhận được tình thương bao la của bà cụ ẩn trong từng lời nói, ánh mắt. Nhiều lần dầm nước đồng rét quá lâu, bà bị kiệt sức, phát bệnh liệt giường, rồi bệnh hen suyễn cứ tái phát. Bà vẫn cố gượng dậy xoay xở cân gạo, thổi cơm cho chồng con. Hàng xóm qua thăm thấy bà thắp nhang lạy bàn thờ: “Xin đừng bắt tôi đi trước chồng con!”. Lúc chia tay, tôi hỏi mãi nhưng bà cụ vẫn không chịu kể tên đầy đủ của mình. Cụ nói: “Cứ gọi tôi là Phúc”. Một đời vì chồng con, đến tên mình cũng muốn là của con. Thôi thì tôi xin gọi là bà cụ bắt tép nuôi con.

Bà cụ là chỗ dựa của người con 40 tuổi - Ảnh: Quốc Việt
Ngôi nhà lá rách nát trên đồi vắng ngày càng nghèo khó. Cuộc sống của người chồng mù và đứa con tật nguyền trông chờ vào bà cụ 80 tuổi gầy guộc, lưng còng. Thương chồng con, cụ ngày đêm mò mẫm ngoài đồng. Những ngày đông rét cắt da cụ co ro, tím tái, nhưng vẫn không rời trúm tôm tép. Cánh đồng đầy người nghèo kiếm sống, tôm cá ít dần. 70 trúm, ngày may mắn cụ được nửa ký, còn thường chỉ hai, ba lạng. Loại tôm nhỏ như tép bán chỉ được 4.000-5.000 đồng/lạng. Suốt đêm bì bõm ngoài đồng, cụ còn phải tranh thủ đi bán chợ sớm để đong gạo. Quãng đường vượt mấy dốc núi, cụ còng lưng lọm khọm đi từng đoạn và chỉ dám tựa vào gậy để nghỉ, vì nếu ngồi xuống sẽ khó đứng lên.

Theo Quốc Việt/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.