Nữ sinh bị cưa chân rút tố cáo: Bác sĩ vẫn có thể đi tù, nếu...

21/03/2016 14:33 GMT+7

Mặc dù gia đình của cháu Lê Thị Hà Vi có thể rút đơn tố cáo, tuy nhiên các bác sĩ điều trị vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mặc dù gia đình của cháu Lê Thị Hà Vi có thể rút đơn tố cáo, tuy nhiên các bác sĩ điều trị vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nữ sinh Lê Thị Hà Vi bật khóc khi nói chuyện cùng Bộ trưởng y tế - Ảnh: Viên AnNữ sinh Lê Thị Hà Vi bật khóc khi nói chuyện cùng Bộ trưởng y tế - Ảnh: Viên An
Vụ việc cháu Lê Thị Hà Vi gây nhiều bức xúc với bạn đọc cũng như người dân về sự an toàn khi khám chữa bệnh cũng như đặt ra trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ đã phẫu thuật cho em, cũng như trách nhiệm của chính Bệnh viện đa khoa Cư Kuin, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến xin lỗi gia đình em Vi và chỉ đạo làm rõ vụ việc.  
Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM để làm rõ hơn về trách nhiệm của các y bác sĩ nếu gây ra sai sót trong việc khám chữa bệnh để mọi người dân có thể hiểu rõ.
Thực tế, việc rút đơn tố cáo của gia đình nạn nhân, không làm chấm dứt một sự kiện pháp lí liên quan đến hậu quả nghiêm trọng mà cháu Vi phải gánh chịu.
Theo qui định của điều 73, 74 Luật Khám Chữa Bệnh (LKCB) 2009: trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh thì thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Lưu ý, cũng theo qui định của điều 75 của LKCB này, thành phần của hội đồng chuyên môn bao gồm: a) Các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; b) Các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh; c) Luật gia hoặc luật sư.
Bác sĩ tắc trách có thể bị phạt tù lên đến 12 năm
Như vậy, có thể thấy rằng kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở pháp lí quan trọng nhất để xem xét có sự tắc trách của ekip thực hiện việc khám chữa bệnh này hay không.
Khi đó, tùy theo mức độ nặng nhẹ của hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra cho nạn nhân. Hành vi vi phạm đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 285 Bộ luật hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Em Vi đã vĩnh viễn mất đi ước mơ trở thành công an - ẢNh: FBNVEm Vi đã vĩnh viễn mất đi ước mơ trở thành công an - ẢNh: FBNV
Cụ thể như sau: Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trở lại vấn đề, có thể thấy rằng, với những chỉ đạo và động thái của người đứng đầu ngành y tế, đại diện gia đình cháu Vi cũng cho rằng sẽ rút đơn tố cáo. Tuy nhiên, nếu gia đình nạn nhân có rút đơn tố cáo, cơ quan cảnh sát điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 BLHS.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn mà chúng ta lại đón nhận 2 sự việc đau lòng liên quan đến việc chữa trị các vết thương ở chân của bệnh nhân. Trường hợp cháu Vi bị cưa cụt chân vĩnh viễn khiến cho nhiều người bức xúc. Chúng tôi chỉ cầu mong rằng: “Đừng để sự tắc trách đó trở thành nỗi đau không thể nào bù đắp cho các nạn nhân và gia đình họ”.
Nếu kết luận của hội đồng chuyên môn là do sự tắc trách của các y bác sĩ trong ekip, pháp luật cần có những biện pháp chế tài thật nghiêm khắc đối với những trường hợp vô cảm, thờ ơ với nỗi đau của nạn nhân và không có lương tâm nghề nghiệp.
Nếu kết luận của hội đồng chuyên môn xác định lỗi hoàn toàn là do ekip y, bác sĩ, gia bình bên bị hại có quyền yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo qui định của điều 609 BLDS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.