Nữ họa sĩ body painting: 'Quá giới hạn tôn trọng sẽ dẫn đến nguy hiểm'

Hoài Nhân
Hoài Nhân
24/05/2018 12:37 GMT+7

Với body painting, vượt quá giới hạn của sự tôn trọng sẽ là sự nguy hiểm. Nó đòi hỏi người làm nghề, nhất là mẫu nữ phải tỉnh táo và biết mình đang làm gì.

Đi quá giới hạn tôn trọng sẽ dẫn đến nguy hiểm
Vốn thẳng thắn và có quan điểm nghệ thuật rõ ràng, ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã đề cập trực tiếp vào vụ lùm xùm chuyện một họa sĩ bị tố xâm hại người mẫu trong những ngày vừa qua.
VIDEO: Người mẫu tố họa sĩ hiếp dâm: 'Đau nhưng vẫn phải chấp nhận!'

“Tôi nghe câu chuyện đó ngay từ ngày đầu nó được dấy lên. Tôi cũng biết rõ về anh họa sĩ trong nghi án vì là một người bạn chung khóa năm xưa. Nhưng tôi không phán xét, cũng như tất cả chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề nhưng đều không có quyền phán xét, nhất là phán xét cực đoan, vì đó là việc của luật pháp”, chị Mỹ Hạnh chia sẻ.
Theo chị, các ê kíp làm body painting chuyên nghiệp luôn có từ 6 - 10 người, không bao giờ có chuyện 1 họa sĩ, 1 người mẫu cùng ở trong một không gian như thế. Theo đó, bất kì cuộc làm việc nào liên quan đến mẫu nữ có nude và chỉ 2 người, đó là “sự không tôn trọng bản thân của cả họa sĩ lẫn người mẫu”.
Chị Hạnh cho biết, với những ca ê kíp hạn chế, người mẫu luôn phải có sự chuẩn bị với một người thân cận cạnh bên, có thể là vợ/chồng, bạn thân, người yêu,… Trong quy trình làm việc, không ai bắt buộc chuyện chỉ một và một. Chị Hạnh đã từng từ chối nhiều lời đề nghị tương tự như thế cho mình và mẫu của mình. Với chị, “anh làm việc gì, phục vụ cái gì, đều phải có quan điểm rõ ràng”.
Thực hiện tác phẩm body painting thường có từ 6 – 10 người Lê Thiện Viễn
Câu chuyện ở đây, theo chị, chung quy chỉ duy nhất một điều, đó là sự tôn trọng: "Tôi không phê phán người mẫu hay đồng nghiệp, cũng không quan tâm chuyện anh ấy bị oan, cô ấy bị hại, điều tôi nhận thấy là mọi thứ đã vượt quá giới hạn của sự tôn trọng, từ đó dẫn đến sự nguy hiểm".
Con mắt vô cảm với những thứ trần tục
Chị Hạnh quan niệm, người mẫu trong body paiting không khác gì tấm toan của họa sĩ. Nhưng đó là một tấm toan đặc biệt, sống động và không giữ được lâu. Chính vì vậy mà khoảnh khắc tồn tại của tác phẩm lại trở nên vô cùng giá trị. Nhưng khi nhìn vào, người ta chỉ khen tấm toan đẹp, cũng như việc đánh giá tác phẩm điêu khắc lại khen đất sét đẹp, với người nghệ sĩ, đó là sự xúc phạm.
“Trước nay, truyền thông nói đến lĩnh vực này toàn khai thác góc độ giới tính trong sự tiếp xúc giữa họa sĩ và người mẫu. Tôi cho rằng đó là sự làm méo mó nghề. Người mẫu thay thế cho cái toan, là một yếu tố phụ, tại sao phải đặt nặng chuyện nhạy cảm. Đừng bao giờ khai thác người nghệ sĩ bằng khía cạnh người mẫu đẹp, phải hỏi là anh ấy đã làm được gì trên nền cơ thể đó và mang đến thông điệp gì”, chị tỏ ra bức xúc.
Chị Hạnh đồng thời chia sẻ câu chuyện của những người được đào tạo họa sĩ chính quy, họ trải qua rất nhiều năm để tiếp xúc người mẫu cũng như body nude. Giống như bác sĩ, chẳng thể nào có câu chuyện xúc động về mặt giới tính với bệnh nhân, điều họ quan tâm chỉ là biểu hiện bệnh. Cũng như người họa sĩ chỉ quan tâm tới việc cơ thể đó sẽ tạo ra những đường nét nào, bố cục nào, ánh sáng nào. Đấy mới là cái nghề, là người họa sĩ chân chính.
Tác phẩm “Chim Công” do họa sĩ Mỹ Hạnh thực hiện, vẽ trên người mẫu Đàm Thu Trang Lê Thiện Viễn

Chị kể vui: “Chuyện xúc động với người mẫu khác giới, nếu có, chỉ xảy ra trong một vài lần đầu. Như ngày xưa, mấy ông bạn khóa tôi, kiểu thanh niên mới lớn, đùng cái thầy kêu mẫu nữ nude để vẽ thực hành, 7 ông run tay rồi một mạch bỏ đi không dám lên lớp cả buổi sáng. Nhưng một khi đã có sự rèn luyện nhất định, chuyện mặc hay không mặc không phải là vấn đề nữa”.
Những người làm nghệ thuật body painting hay bất kì loại hình nào cần nude khác, phần “con” trong họ không thể trên phần “người”. Nhất là người họa sĩ làm công việc sáng tạo, họ mang sự tự tôn rất cao.
“Một người được gọi là “họa sĩ body painting”, con mắt họ đã vô cảm với những cái trần tục. Hoặc có thể tôi là nữ, mức độ tâm sinh lí sẽ khác. Nhưng vấn đề là dù có chuyên nghiệp hay không, đã là họa sĩ, như đã nói, họ phải có sự tôn trọng chính mình. Tác phẩm đó thể hiện tất cả trí tuệ, tuyên ngôn của họ, tại sao họ lại làm vẩn đục nó đi?”, chị Hạnh bày tỏ.
Những góc khuất
Body painting, dẫu sao vẫn là một cái nghề, bản chất nghề là tạo thu nhập. Không lạ gì khi chị Hạnh nói rằng, họa sĩ có khi còn không sống được với nghề, thì chuyện người mẫu thu nhập bấp bênh cũng rất bình thường.
Nghề người mẫu body painting Green Apple

Đa phần người mẫu body painting đều rất trẻ, thậm chí còn là sinh viên. Họ làm nghề chỉ để trang trải phần nào, chứ hẳn nhiên không sống được với nó. Ấy là chưa kể với loại hình còn tương đối nhạy cảm với văn hóa Á đông này, “người mẫu nude” là cái nghề không dễ gì được gia đình họ chấp nhận.
“Chính vì còn rất trẻ, nên nhiều bạn bị mờ mắt trước các mác “nghệ sĩ” và tâm lí “hy sinh vì nghệ thuật”. Chẳng có thứ nghệ thuật nào bắt bạn phải hy sinh như thế cả! Các bạn dễ dàng nhận lời đề nghị từ một anh họa sĩ có “tiếng” và sẵn sàng cởi tất tần tật. Cởi hay không cởi lại là một chuyện khác. Tại sao lúc nào cũng phải cởi, trong khi các bạn có biết nó phục vụ gì cho tác phẩm hay không?”, Mỹ Hạnh trải lòng.
Theo chị Hạnh, các bạn mẫu trẻ thường quy chụp một họa sĩ xù xì, gai góc, tóc dài,… là “nghệ sĩ”, mà lại không nhìn vào tác phẩm anh ấy ra sao, nhìn hiệu quả công việc anh ấy thế nào, đem lại lợi ích gì cho xã hội, cho dự án. Chính cái mác “nghệ sĩ” và cái mác được là “người mẫu” ấy, trở thành nguồn cơn của nhiều chuyện đáng tiếc.
Tác phẩm phục vụ chủ đề “Môi Trường và Hơi Thở” do Mỹ Hạnh thực hiện
Ngoài ra, chị Hạnh cũng cho rằng, câu chuyện thù lao, danh vọng dễ dàng khiến những người trẻ làm nghề bỏ quên danh dự và an toàn của bản thân. Lúc đầu là suy nghĩ không có gì để mất, nhưng sau này lại là một câu chuyện khác.

“Phải xác định rõ mục đích của bản thân và hiểu rõ mục đích dự án, con người mình cộng tác. Trên hết, hãy có những hợp đồng ràng buộc cụ thể. Không phải phòng chuyện xâm hại mà còn vô vàn thứ khác. Một buổi làm việc chụp ra một nghìn tấm, bạn có chắc ngoài một vài tấm giá trị thì trăm tấm hớ hênh, hoặc hậu trường kia được lưu giữ và sử dụng một cách tử tế, đúng nguyên tắc hay không?”, chị Hạnh đưa ra lời khuyên cho mẫu trẻ làm nghề.
Là một họa sĩ đã tiếp xúc với body art thế giới, chị cũng có sự so sánh nhất định ở các quốc gia. Đơn cử với "The world body painting festival" tại Áo, trong nhiều tuần lễ, khắp nơi đều ngập không khí loại hình này. Những “tác phẩm” body painting có thể xuống phố, đi vào quán ăn, khách sạn… và mọi tầng lớp đều cởi mở với điều đó. Phương Tây họ có một nền tảng đời sống nghệ thuật như thế, tuyệt nhiên không so đo những thứ tầm thường.
Để một loại hình nghệ thuật ra đời và tồn tại rất khó, rất lâu dài. Gần 13 năm xuất hiện ở Việt Nam, body painting mới dần định hình cuộc sống riêng của nó. Có nên vì “những con sâu làm rầu nồi canh” mà bôi đen đi cả một môi trường?
Sự kết hợp giữa Mỹ Hạnh và nữ Hoàng Dance Sport Khánh Thi mang thông điệp bảo vệ môi trường Nguyễn Long
Tác phẩm body painting của Mỹ Hạnh trong khuôn khổ cuộc thi Siêu Mẫu Việt Nam với ca sĩ Ái Phương, chủ đề “Hoang dã” Green Apple
Theo họa sĩ Mỹ Hạnh, nên có những hợp đồng ràng buộc trách nhiệm giữa họa sĩ và người mẫu Green Apple
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1982)

- Tốt nghiệp loại Giỏi trường ĐH Mỹ Thuật TP. HCM 2006
- Nghệ sĩ Body Art - Thực hiện Nhân Tượng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam (Sách Kỷ Lục Việt Nam công nhận 2007)
- Hoạ sĩ body painting Việt Nam đầu tiên tham gia Lễ hội body painting thế giới 2009

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.