Nữ hậu duệ hoàng tộc Miến Điện bán nhà để 'hồi sinh' cù là MacPhsu vang danh Sài Gòn

Hoài Nhân
Hoài Nhân
06/12/2018 12:08 GMT+7

Với nỗ lực "hồi sinh" dầu cù là MacPhsu của hai bà "công chúa Miến Điện", hẳn một ngày nào đó người Sài Gòn sẽ lại được nghe lại câu đồng dao “Bòn bon xi cu la, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là mac su…”

Trong câu đồng dao, các từ nói trại gồm “bòn bon” là kẹo Bourbon, “xi cu la” là Chocolate, cùng với bánh Tây, sữa hột gà là những món ngon mà bất cứ đứa trẻ nào cũng mê! Riêng dầu cù là “mac su”, chính xác là MacPhsu, là một loại dầu cực kỳ thông dụng vào thời đó.

Nổi tiếng ở Việt Nam gần nửa thế kỷ, nhưng ít ai biết loại dầu này lại có nguồn gốc từ Miến Điện (nay là Myanmar) và đến với miền Nam Việt Nam qua một câu chuyện dài.
Dầu cù là MacPhsu ngưng sản xuất từ năm 1979 và bặt vô âm tín cho đến đầu thế kỷ sau. Năm 2013, người ta mới thấy lại thương hiệu MacPhsu dưới tên gọi Cao xoa Con Công, được 2 người phụ nữ là hậu duệ của dòng dõi hoàng tộc Miến Điện âm thầm gầy dựng.
Bà Lê Kim Nga (SN 1945) và Lê Kim Phụng (SN 1947) hiện đang sống tại Q.Tân Bình (TP.HCM) là những người duy nhất còn nắm giữ cách bào chế dầu cù là bí truyền.
Công thức nấu dầu của dòng dõi hoàng tộc
Theo lời kể của bà Nga, dầu cù là MacPhsu của gia đình bắt nguồn từ năm 1930 ở Phnom Penh (Campuchia). “Khi ấy, ông ngoại chúng tôi là Thong Ong Zan đã dựa trên công thức nấu dầu của nhà bà MacPhsu - vợ ông, vốn là con gái hoàng tử Miến Điện Myngoon Min rồi sau đó sang Singapore học thêm kỹ thuật nấu. Tại đó, ông ngoại và một người đàn ông Singapore lai Myanmar nữa đã cùng theo học một bác sĩ người Anh tên Basythin. Sau khi lĩnh giáo cách nấu dầu tuyệt diệu, họ trở về bắt đầu làm nên thương hiệu riêng của mình”.
Bà Lê Kim Phụng bên bức ảnh hiếm hoi về ông cố, vốn là hoàng tử Miến Điện Myngoon Min (1842 - 1921). Myngoon Min có con gái là bà MacPhsu, con rể là ông Thong Ong Zan (người sáng tạo ra dầu cù là MacPhsu) HOÀI NHÂN
 
Dầu cù là thương hiệu MacPhsu do ông Thong Ong Zan sáng tạo có màu xanh lục đặc trưng HOÀI NHÂN

Theo đó, người “đồng môn” của Thong Ong Zan chọn nâu đỏ làm màu đặc trưng cho loại dầu của mình, đặt tên là “Tiger Balm” (người Việt vẫn quen gọi là dầu “Con Cọp Vàng”).
Còn ông Thong Ong Zan chọn màu xanh lục và đặt tên là dầu “Cù Là”. Bà Nga giải thích, “Cù Là” đơn giản là “Miến Điện”, tức ý ông ngoại bà muốn chỉ một loại dầu có gốc gác từ Miến Điện. Thế nhưng, sự phổ biến của loại dầu này ở Việt Nam đã khiến ba chữ “dầu cù là” trở thành một danh từ chung để gọi tất cả những loại dầu cao.
Ở Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) hiện nay vẫn còn một xóm mang tên xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hiệp Hòa, vì trước đây có nhiều người Miến Điện đến làm ăn, sinh sống.
Năm 1931, ông Thong Ong Zan trở lại Phnom Penh, bắt tay vào việc mở hẳn xưởng sản xuất dầu cù là và lấy tên vợ là bà MacPhsu để đặt cho thương hiệu. Bà Kim Nga cho rằng, cái tên đó khiến nhiều người nhầm lẫn bà ngoại bà là người sáng lập loại dầu này: “Thực tế thì toàn bộ cách bào chế đều do ông ngoại tôi nắm giữ. Như một điều tuyệt mật quyết định sự tồn vong của thương hiệu dầu dòng họ, ông tôi đặt ra một điều luật khắt khe: nghề chỉ được truyền lại cho con gái, vì lý do con trai... dễ nghe lời vợ, sẽ khó giữ được cách bào chế bí truyền của tổ tiên!”.
Công thức làm dầu cù là được bảo mật tuyệt đối bằng những quy định nghiêm khắc, chỉ được truyền lại một cách cẩn trọng trong dòng họ HOÀI NHÂN
Dầu cù là những năm tháng đó được truyền tụng với công dụng chữa "bách bệnh" HOÀI NHÂN

Dầu cù là MacPhsu bắt đầu nổi tiếng khắp Đông Dương, bởi công dụng trị “tứ thời cảm mạo”. Từ nhức mỏi tay chân, bị thương chảy máu, bị côn trùng đốt cho đến chóng mặt, ho khan, sổ mũi, nhức đầu, đau bụng… “bách bệnh” khi dùng dầu đều khỏi.
“Những loại dầu khác sử dụng salicylate nhằm tăng mùi thơm, nhưng lại khiến dầu nóng "hỗn" và độc hại khi uống. Còn dầu MacPhsu sử dụng những tá dược tuyệt mật, tinh túy, nên không chỉ thoa mà còn có thể uống để trị khỏi ngay những chứng đau bụng, nhức răng”, bà Lê Kim Phụng cho biết.
Thời "vàng son" dầu cù là MacPhsu
Dưới sự cố vấn của ông Thong Ong Zan, con gái đầu của ông là bà Phonlouvemark đảm trách việc nhập dầu cù là MacPhsu vào Sài Gòn. Sau khi nhận thấy thị trường Sài Gòn tiêu thụ một lượng dầu quá lớn, năm 1944, bà Phonlouvemark lập hẳn xưởng sản xuất dầu ở số 220 đường Lê Lợi (nay là đường Lê Thánh Tôn, Q.1).
Chỉ vài năm sau thì mở thêm xưởng thứ hai ở số 205 cũng trên đường Lê Thánh Tôn và lập thêm một kho chứa hàng ở đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi). Thế cũng phần nào thấy vị trí của dầu cù là bấy giờ, không sợ bất kỳ một đối thủ cạnh tranh nào, nếu không muốn nói là không có đối thủ, đặc biệt ở loại dầu cao!
Những tư liệu gia đình được hai chị em bà Nga, Phụng lưu giữ ghi lại nhiều thông tin về một thời "vang bóng" của dầu cù là MacPhsu HOÀI NHÂN
Cái tên MacPhsu xuất hiện khắp Sài Gòn Ảnh chụp tư liệu gia đình
Bà Nga cho biết, dầu cù là MacPhsu cùng thời với dầu gió Nhị Thiên Đường và dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, nhưng không có loại nào cạnh tranh nổi ở phân khúc cao xoa HOÀI NHÂN
“Sau khi dì Phonlouvemark đưa dầu MacPhsu vào Sài Gòn, những năm 60 có thể xem là "thời hoàng kim” vì dầu làm ra không đủ bán. Ba mẹ chúng tôi bấy giờ cũng ở Việt Nam, nhưng không tham gia, chỉ có hai chị em tôi, đi học về lại chạy sang phụ làm dầu trong xưởng. Có gần 100 công nhân chia nhau làm liên tục 3 ca: 7 - 11 giờ sáng; 13 giờ 30 - 17 giờ; 19 - 21 giờ, mỗi ngày nấu hơn chục nồi dầu, cho ra gần 10.000 chai. Lúc đó dầu chỉ phân phối ở miền Nam, từ Cà Mau ra đến Huế, nhưng các chủ đại lý phải đứng xếp hàng chờ lấy dầu hàng ngày”, bà Nga nhớ lại.
Dầu MacPhsu được quảng cáo khắp nơi, “phủ sóng” trên báo chí, các biển quảng cáo ở chợ An Đông, Thái Bình, các hiệu buôn, hiệu thuốc… Hãng dầu có nuôi một con voi tên là Xà Kum. Mỗi lần quảng cáo, bà Phonlouvemark lại dắt Xà Kum theo đi khắp phố phường. Về sau, con voi này được tặng cho Thảo Cầm Viên.
Đội ngũ công nhân sản xuất dầu cù là MacPhsu ở Sài Gòn trước đây Ảnh chụp tư liệu gia đình

Sau năm 1975, do một số biến động lịch sử, hiệu dầu cù là MacPhsu phải tạm ngưng sản xuất, đến năm 1979 thì chính thức đóng cửa. Cũng thời gian này, phần lớn con cháu trong gia đình hoàng tử Miến Điện đều sang Pháp sinh sống. Chỉ riêng gia đình ông bà Lê Văn Tươi - Ong Zanno (ba mẹ của bà Kim Nga, Kim Phụng) ở lại Việt Nam. Dầu cù là trứ danh biến mất từ đó.
Thế chấp nhà để "hồi sinh" dầu cù là
Nói về hoàng tử Miến Điện Myngoon Min, ông sống lưu vong tại Sài Gòn từ năm 1889 sau khi xảy ra chính biến trong triều đình ở Mandalay (miền Bắc Miến Điện) vào năm 1866. “Trong tài liệu tổ tiên để lại được chị em chúng tôi lưu giữ, trong 32 năm sống ở Sài Gòn, cho đến lúc mất, hoàng tử Myngoon Min có 3 vợ, 3 con, trong đó có một người vợ Việt. Chị em chúng tôi có 8 người, chính là cháu cố của vị hoàng tử và người vợ Việt ấy”, bà Nga giải thích.
Sau khi ông ngoại và dì Ba mất đi, chỉ còn hai chị em bà Nga và bà Phụng nắm giữ bí mật dầu cù là của dòng dõi hoàng gia. “Từ nhỏ, mùi dầu cù là thơm lừng trong xưởng nhà đã thoang thoảng. Sự gắn bó ấy khiến chúng tôi luôn nung nấu quyết tâm “hồi sinh” lại thương hiệu dầu vang danh. Năm 1993, chúng tôi có hợp tác với một công ty đông y ở Gò Vấp để sản xuất dầu cù là theo công thức bí truyền, lấy tên là “Sư tử cá”, nhưng chỉ được 5 năm thì phải ngưng hoạt động”, hai bà chia sẻ.
Hai "công chúa" dòng dõi hoàng tộc không lập gia đình, vẫn ngày đêm canh cánh nỗi niềm "hồi sinh" dầu cù là của gia đình HOÀI NHÂN
Nấu dầu cù là phải cân đo đong đếm từng tá dược, nguyên liệu HOÀI NHÂN
“Giờ chỉ mong sao có ai đó hiểu tâm ý của chúng tôi, để mà góp công, góp vốn. Chúng tôi cũng sẵn sàng nhượng thương hiệu, truyền lại công thức cùng tất cả cách thức sản xuất, vật dụng, cho ai đó thực sự muốn tiếp tục truyền giữ loại dầu rất có ích cho mọi người này.
Hai nữ hậu duệ
Mãi cho đến năm 2010, chị em bà Nga đều về hưu, có nhiều thời gian hơn, nên quyết định dốc toàn bộ vốn liếng mở lại xưởng sản xuất ngay tại nhà riêng số 22C, đường số 12, phường An Lạc A, Q.Bình Tân.
Tháng 6.2014, sau nhiều nỗ lực, mẻ dầu đầu tiên được “tái sinh” với tên gọi Cao xoa Con công. Sở dĩ hai bà lấy tên loài vật này vì nó được xem như biểu tượng của đất nước Myanmar.
“Chúng tôi đã cố gắng cân đo đong đếm chuẩn xác từng tá được, nguyên liệu. Mùi hương và công dụng đều nguyên bản những lọ dầu của ông, dì năm xưa”, vừa mở nắp lọ dầu, bà Phụng vừa nói.
Ngoài 70, chị em bà miệt mài làm dầu, không phải vì muốn thu lợi nhuận, mà cao cả hơn là muốn lấy lại tiếng tăm một thời của thương hiệu dầu cù là từng “tung hoành” khắp nơi.
Dù chất lượng dầu vẫn vượt trội và được nhiều người đón nhận, nhưng để làm được việc của gia đình năm xưa, chị em bà đã phải mang hết tiền dành dụm làm vốn, mang cả sổ hồng căn nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng đến 2,5 tỷ đồng.
Chất lượng vẫn vẹn nguyên, nhưng hành trình "hồi sinh" dầu cù là không hề dễ dàng, trong khi hai bà Nga, Phụng tuổi đều đã ngoài 60 HOÀI NHÂN
“Hiện tại, do tuổi tác cao, chúng tôi không thể tiếp tục đảm trách làm dầu nữa. Giờ chỉ mong sao có ai đó hiểu tâm ý của chúng tôi, để mà góp công, góp vốn. Chúng tôi cũng sẵn sàng nhượng thương hiệu, truyền lại công thức cùng tất cả cách thức sản xuất, vật dụng, cho ai đó thực sự muốn tiếp tục truyền giữ loại dầu rất có ích cho mọi người này. Hy vọng ai đó sẽ giúp chúng tôi viết lại thời “vàng son” của dầu cù là MacPhsu", hai bà bộc bạch.
Dân Hóc Môn, Bà Điểm xưa có bài thơ khen sự hiệu nghiệm của dầu cù là:
“Cù là hay lắm mấy ông ơi!
Dầu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi
Quệt thử bên hông, chùm mật nhảy
Uống vào trong bụng, huyết tim dôi
Mùi thơm qua mũi, thông lên óc
Hơi nóng ngoài da, thấu ruột rồi
Hỡi kẻ đồng bang mau xức thử
Mù điên mau hết bệnh thời thôi.”
Bài thơ khiến nhiều người thắc mắc, liệu dầu cù là Nguyễn An Ninh và dầu cù là MacPhsu có liên quan? Hai bà Nga, Phụng giải thích, trong những năm tháng cuối đời ở Sài Gòn, thời cuộc thay đổi, hoàng tử Myngoon Min bị Pháp cắt trợ cấp, lấy lại nhà. Bấy giờ, khách sạn Chiêu Nam Lầu của chí sĩ yêu nước Nguyễn An Khương chiêu hiền đãi sĩ, Myngoon Min được nương nhờ nơi đây suốt 4 năm, có bà Xuyến quản lý khách sạn tận tình giúp đỡ. Năm 1921, nhắm sức khỏe không qua khỏi, Myngoon Min đã đền ơn bà Xuyến bằng cách tặng bà toa thuốc dầu cù là của hoàng gia (công thức được con rể hoàng tử dùng sản xuất dầu cù là MacPhsu sau này).
Mười năm sau, bà Xuyến mang công thức này đưa cho thầy thuốc Nguyễn An Cư, anh trai của chí sĩ Nguyễn An Ninh, làm dầu cho ông Ninh đi bán, thực chất là để thực hiện các hoạt động yêu nước. Việc truyền tay công thức được giữ bí mật, nhưng vừa ra đời, dầu cù là Nguyễn An Ninh đã lập tức nổi tiếng, hiệu nghiệm hơn tất cả thuốc ông Cư từng làm. Điều đó chứng tỏ rõ ràng, công thức làm dầu cù là không phải gia truyền của nhà họ Nguyễn.
Tiếng đồn dầu cù là Nguyễn An Ninh làm ra đến đâu bán hết đến đó vang gần xa, tạo thành lớp vỏ bọc hoàn hảo cho người chí sĩ. Với chiến thuật mang dầu cù là đi bán khắp lục tỉnh, ông Ninh đã bí mật gặp gỡ nhiều người yêu nước khác, tuyên truyền mở mang dân trí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.