Nóng trên mạng xã hội: Háo hức với vé số miền Nam tái xuất

29/04/2020 09:23 GMT+7

Sau gần 1 tháng dừng phát hành để phòng dịch Covid-19 , vé số miền Nam mở lại từ hôm nay (29.4) khiến cả dân mạng lẫn người bán háo hức.

“Cơ hội tiền vào bất ngờ đã tới”, “Chuẩn bị tinh thần trở thành tỉ phú thôi nào”... là lời chào đón vui vẻ của dân mạng dành cho ngày vé số “tái xuất”. Trên mạng rộn ràng là vậy, thực tế, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại TP.HCM, từ sáng 28.4, các đại lý vé số trên đường An Dương Vương (Q.5), Lê Hồng Phong, 3 Tháng 2 (Q.10), Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình)... cũng đã mở cửa để người bán đến nhận vé số.

Bà Mai bán vé số trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1

ẢNH: TRỊNH THANH

Nhân viên của đại lý vé số 315 trên đường An Dương Vương (Q.5) cho biết từ 8 giờ sáng đã có người đến nhận vé số để bán. Bà Kiều (chủ đại lý vé số Kim Hùng ở gần đó) cũng cho hay bà đã mở cửa từ sớm nhưng số người đến lấy vé số ít hơn so với những ngày trước khi có dịch. “Chắc cũng từ từ vì có nhiều người ở quê chưa vào nên chưa đi bán vé số lại”, bà Kiều nói.
Một số người bán vé số cho biết chỉ đến đại lý nhận vé số rồi về nhà để ngày mai bắt đầu bán sớm, nhiều người khác thì lấy vé rồi bán luôn để tranh thủ kiếm thêm ít tiền. Ngồi nghỉ mệt trên đường đi bán vé số, bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (60 tuổi) mừng rỡ kể từ 9 giờ bà đã lấy vé số rồi đi bán “được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. “Sáng giờ cũng bán được hai trăm mấy chục tờ”, bà Mai khoe.

Bà Loan cho biết gắn bó với nghề bán vé số đã nhiều năm nay để tự lo và chăm chồng bị liệt

ẢNH: TRỊNH THANH

Đi cùng với bà Mai, bà Như (52 tuổi) gạt nước mắt tâm sự khi vé số ngừng phát hành, chị phải nhổ tóc bạc cho những người trong xóm rồi người ta cho bao nhiêu tiền thì cho. Được cho 20.000 đồng, 30.000 đồng, chị đều mừng nhận lấy, chờ đến ngày vé số được bán lại.
Chiếc bàn gỗ để đựng vé số được đóng tạm của bà Phạm Thị Minh Loan (64 tuổi, ngụ Q.10) sau bao nhiêu ngày bỏ xó ở góc nhà thì nay lại được bê ra trước con hẻm gần nhà. Cả gia đình bà Loan sống nhờ vào những tờ vé số hơn 10 năm nay, chân bị tật nên bà không thể đi khắp nơi như những người bán vé số khác, đành phải dựng bàn bán một chỗ.
“Nay tôi lấy 150 tờ, mỗi tờ lời được 1.000 đồng, nếu bán hết thì được 150.000 đồng. Mà không đi lại được nên trả tiền xe ôm người ta đến đại lý lấy vé số giùm, tốn 10.000 đồng, còn lại 140.000 đồng”, bà bộc bạch và cho biết ngày đầu tiên đi bán vé số lại, bà không quên trang bị khẩu trang và nước rửa tay phòng dịch.

“Cố gắng bán để cho con đi học”

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trung tâm TP.Cần Thơ có nhiều người bán vé số dạo đã trở lại với công việc thường nhật. Ông Nguyễn Thế Phương (44 tuổi) bị khuyết tật, bán vé số dạo để nuôi mẹ già cùng 2 con nhỏ. Ông rất vui khi được bán lại.
Còn ông Nguyễn Văn Vũ (41 tuổi, ngụ TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bị khuyết tật đôi chân cũng vui mừng không kém. Gắn bó với công việc bán vé số đã hơn 10 năm qua. Chính nhờ công việc này đã giúp ông kiếm được tiền để lo cho 2 con ăn học. “Nay được bán trở lại, tôi phải cố gắng bán để tích lũy tiền lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Vũ bộc bạch.
Cụ Tô Thị Đen (83 tuổi, ngụ P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cũng mừng rớt nước mắt: “Nhà có 4 đứa con, 3 đứa thì bị tâm thần giờ đang ở trong trại. Chỉ còn 1 đứa bị tâm thần nhẹ thì ở với tôi. Mấy chục năm qua, nhờ bán vé số mà tôi có tiền lo cho bản thân, lâu lâu đi thăm tụi nó. Nghỉ bán không có tiền, dịch bệnh cũng không đi thăm được khiến tôi rất buồn. Giờ thì được đi bán, có tiền để dành mua đồ thăm tụi nó rồi”.
Duy Tân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.