Nông nghiệp lấy xi măng bón lúa: Cần chính sách hợp lý cho nông nghiệp

29/08/2016 15:02 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Nông nghiệp lấy xi măng bón lúa đăng trên Thanh Niên ngày 28.8.

Không làm cho đất bị suy yếu
Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy các ý kiến đưa ra trong bài báo là hoàn toàn chính xác. Chúng ta đang làm nông nghiệp theo kiểu lạm dụng sự phóng khoáng của thiên nhiên, của đất đai, bắt đất đai phải “đẻ” ra quá nhiều sản phẩm bằng cách canh tác nhiều vụ. Đó là cách làm nông nghiệp không khoa học. Đất cũng như con người, nếu quá lạm dụng thì cũng sẽ đến lúc kiệt quệ. Vì vậy, phải tìm cách phục hồi độ màu mỡ cho đất, không làm cho đất bị suy yếu, đến lúc không thể cải tạo được nữa.
Xuân Trí (H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Nâng cao chất lượng gạo
Chạy đua năng suất, thu hoạch được thật nhiều bằng mọi cách, sử dụng chất vô cơ quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất bạc màu. Mặt khác, nếu chú trọng về số lượng mà bỏ quên chất lượng gạo là một tính toán thiếu khoa học. Khái niệm “xuất khẩu nhất, nhì thế giới” là một quan điểm lỗi thời. Bởi chạy theo số lượng để “nhất, nhì” thế giới mà giá xuất khẩu lại thấp hơn các nước thì nhất nhì để làm gì, chưa kể cái mất lớn hơn là độ màu mỡ trong đất không còn. Vì vậy, ý kiến cần có chiến lược nâng cao chất lượng hạt gạo VN, theo tôi, là hoàn toàn đúng.
Trần Văn Minh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Không thể bền vững
Thời buổi bây giờ mà cứ quy ra sản lượng để nói thành tích thì không ổn, mà cần phải tập trung vào chất lượng. Bên cạnh đó là phải phát triển các ngành phụ trợ khác như giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi… thì nền nông nghiệp mới phát triển đồng đều và bền vững được. Nếu chỉ cứ chăm chăm vào sản xuất ra sản lượng gạo thật nhiều để xuất khẩu theo kiểu hiện nay đang làm thì nền nông nghiệp sẽ không thể bền vững.
Văn Ngọc Khánh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Nghịch lý
Xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới mà phải nhập giống lúa với chất lượng không ổn định thì thật nghịch lý. Tại sao không tập trung vào sản xuất tạo ra giống cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm khác cho ngành nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... Không nhất thiết cứ phải tạo ra thật nhiều gạo xuất khẩu để rồi cuối cùng nền nông nghiệp cứ èo uột, còn người nông dân thì cứ nghèo mãi. Cần thay đổi tư duy, đi vào phát triển chất lượng thật sự chứ không nên phát triển theo kiểu thành tích, đó chỉ là phát triển ảo mà thôi.
Nguyễn Minh Phương (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Giá cả mới quyết định
Tại sao Nhật họ có thể sản xuất ra gạo có giá cao gấp đôi VN, ngay cả Hàn Quốc, Thái Lan và Campuchia họ cũng có gạo giá cao hơn VN rất nhiều? Sản xuất nhiều, xuất khẩu nhiều nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế thì phải xem lại. Nếu cần, chúng ta có thể cử người sang các nước để học hỏi, đầu tư kỹ thuật, giống cây trồng để nâng cao chất lượng mới là hướng đi đúng đắn. Trong tình hình diện tích đất đai sản xuất nông nghiệp của VN ngày càng bị thu hẹp thì việc tăng chất lượng gạo, nâng cao giá gạo Việt là cần thiết và phải làm ngay.
Nguyễn Ngọc Tuấn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
       
Theo tôi, VN không nên chạy đua theo năng suất để giữ vị trí nhất nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo nữa. Xuất được bao nhiêu triệu tấn gạo không quan trọng bằng việc chúng ta đem về được bao nhiêu USD. Làm nhiều mà lợi nhuận ít, thậm chí còn bội chi để nhập những thứ nguyên liệu đầu vào thì không phải là điều đáng tự hào. Để làm được việc này thì cần phải có chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước, người nông dân không thể tự làm được.    
Võ Thụy Mỹ (Q.3, TP.HCM)
       
Tạo ra sản phẩm nhiều nhưng lại phụ thuộc vào nước ngoài thì không phải là cách phát triển ổn định. Vì vậy, cần phát triển thêm các ngành nông nghiệp phụ trợ, các ngành chế biến nông sản. Việc nhà nhà sản xuất ồ ạt lúa gạo rồi Chính phủ phải chi tiền để dự trữ chỉ làm lợi cho thương lái chứ người nông dân và nhà nước không được gì.    
Nguyễn Đăng Khoa (Q.12, TP.HCM)
An Phong - Hải Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.