Nỗi phiền toái viêm mũi dị ứng

20/02/2016 15:09 GMT+7

Mùa xuân, thời tiết se lạnh, có nhiều dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, viêm mũi dị ứng theo đó không ngừng sinh sôi.

Mùa xuân, thời tiết se lạnh, có nhiều dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, viêm mũi dị ứng theo đó không ngừng sinh sôi.

Viêm mũi dị ứng nằm trong nhóm bệnh dị ứng gồm suyễn, nổi mề đay, chàm da... Ở các nước công nghiệp phát triển, do ô nhiễm môi trường và sự xuất hiện những dị nguyên mới, viêm mũi dị ứng theo đó cũng gia tăng. Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện theo mùa, do thời tiết thay đổi hoặc do sự xuất hiện các dị nguyên theo mùa như phấn hoa.
Tại VN, số người bị viêm mũi dị ứng cũng rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện môi trường không khí nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, thói quen nuôi thú vật trong nhà, điều kiện vệ sinh nhà cửa chưa tốt.
“Sát thủ” phấn hoa
Có một người bạn sống cùng gia đình ở ngoại ô Warsaw, Ba Lan. Nơi đây ngập tràn những vườn táo mênh mông, và mùa táo ra hoa cả một vùng trắng muốt rất đẹp. Ấy thế mà mỗi dịp đến mùa hoa, cô ấy lại “trốn” chồng con về VN. Hỏi ra mới biết cô nàng bị chứng dị ứng phấn hoa. Chuyện tưởng chừng như chỉ có ở trời Tây, té ra tại VN cũng vậy. Ở những nơi trồng nhiều cây có hoa kết trái bằng hình thức thụ phấn, đến mùa hoa, nhiều người cũng bị dị ứng... xanh mặt.
Thời điểm vào mùa đông - xuân hiện nay, khi thời tiết se lạnh, miền Bắc có mưa phùn gió bấc, miền N.am thì se se, con người ta cũng dễ sụt sịt, khò khè. Cùng với đó là muôn hoa khoe sắc, hương ngào ngạt bay, thưởng thức thì có vẻ hay hay, nhưng với những người dễ dị ứng với phấn hoa, đó là môi trường “chết chóc”.
Chưa có số liệu thống kê nhưng số bệnh nhân viêm mũi dị ứng đang có khuynh hướng tăng dần tại TP.HCM trong các năm gần đây. Những trường hợp dị ứng từ môi trường làm việc như ở các xí nghiệp da giày, cắt may, hóa chất... tăng đáng kể.
Biểu hiện
Theo bác sĩ CK1 Lữ Thị Hoàng Oanh, chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin (TP.HCM), viêm mũi dị ứng biểu hiện tại mũi, do niêm mạc mũi tiếp xúc dị nguyên gây hắt hơi thành tràng dài, chảy nước mắt, tắc mũi, nhức đầu mệt mỏi... triệu chứng dị ứng tái diễn chỉ cần tiếp xúc với dị nguyên là bệnh xuất hiện. Các dị nguyên thường gặp gồm có phấn hoa, bụi nhà, lông động vật, bào tử nấm mốc...
Khi tiếp xúc dị nguyên có trong môi trường, cơ thể sẽ tạo ra IgE. Số lượng IgE sẽ gắn kết dưỡng bào và các tế bào ái kiềm ở niêm mạc mũi. Khi tiếp xúc lần hai IgE sẽ gắn kết với dị nguyên, từ đó giải phóng các hóa chất trung gian vào niêm mạc mũi, các hóa chất sẽ kích niêm mạc mũi gây ra các triệu chứng dị ứng. Viêm mũi dị ứng không phải là một bệnh lâm sàng mà là hoạt động phản ứng của một bệnh miễn dịch.
Hậu quả
Bác sĩ Hoàng Oanh cho biết, tùy theo giai đoạn mà viêm mũi dị ứng gây ra những phiền toái khác nhau cho bệnh nhân. Giai đoạn còn nhẹ, thì người bị dị ứng vẫn có giấc ngủ bình thường; dị ứng không gây ảnh hưởng tới các hoạt động hằng ngày như làm việc, thể thao, giải trí; không có các triệu chứng khó chịu.
Nhưng nếu bước vào giai đoạn từ trung bình đến nặng, người ta sẽ gặp các phiền toái như khó ngủ do thở không thông, xuất hiện các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, năng suất lao động, các bệnh kèm theo. Chẳng hạn, người có bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, đặc biệt hen... thì sẽ bị ảnh hưởng.
Viêm mũi dị ứng, theo bác sĩ Hoàng Oanh, không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống và tốn kém chi phí khám chữa bệnh.
Phòng tránh
Viêm mũi dị ứng do các dị nguyên gây nên, do đó để tránh bị phiền toán bởi những triệu chứng dị ứng, cần tránh các yếu tố nguy cơ như: bụi nhà, khói thuốc lá, lông chó mèo, tránh stress, cải thiện môi trường sống, các chất kích thích, theo bác sĩ Hoàng Oanh. Cần đeo khẩu trang khi quét nhà, tránh xa chỗ hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với chó mèo; tránh xa phấn hoa, đặc biệt là những vườn cây trái đang trong mùa thụ phấn.
Để tránh dị ứng, cần biết điều tiết độ ẩm, cách giữ ấm mũi họng, không ngoáy mũi, tránh ăn thức ăn sống, lạnh, tanh, có mùi nặng.
Nên sử dụng máy lạnh thông khí, tránh sử dụng quạt vì nó có thể mang các dị nguyên bên ngoài vào.
Nên thường xuyên vệ sinh chăn gối, sử dụng áo bọc chăn gối, sử dụng máy lọc không khí. Không để đồ chơi thú nhồi bông ở giường ngủ. Giặt chiếu gối hằng tuần bằng nước nóng. Làm sạch những bề mặt sinh mốc ở máy lạnh, máy điều hòa độ ẩm; giữ độ ẩm trong nhà ít hơn 50%.
Khi bị dị ứng, cần điều trị ngay, tránh diễn biến nặng hơn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như tác động tới các bệnh liên quan. Mục tiêu của điều trị là làm thuyên giảm triệu chứng. Việc điều trị cần được tiến hành song song hai phương thức: tránh các dị nguyên và sử dụng thuốc. Khi các phương pháp trên thất bại thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định liệu pháp thay đổi miễn dịch. Một số trường hợp cần đến phẫu thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.