Nỗi niềm những 'cơ trưởng' giữa tết Mậu Tuất

18/02/2018 13:02 GMT+7

Đằng sau những chuyến tàu đưa hàng nghìn lượt khách về quê ăn tết, ít ai biết rằng có những bác tài lái tàu phải làm việc liên tục ngày đêm, hàng chục năm qua ít khi nào có một cái tết trọn vẹn bên gia đình.

20 năm chưa ăn một cái tết trọn vẹn
Những ngày cuối năm, hàng triệu người sống và làm việc trên địa bàn TP.HCM lại tấp nập về quê ăn tết Nguyên đán Mậu Tuất. Ga đường sắt Sài Gòn cũng tăng chuyến, hoạt động liên tục ngày đêm đưa đón khách.

Theo đó, hàng chục bác tài lái tàu lửa dịp tết cũng vô cùng bận rộn, phải làm việc liên tục trên các quãng đường xa, ít khi nào ở bên gia đình một ngày trọn vẹn ăn bữa cơm, kể cả những ngày tết.
Trong bộ trang phục chuẩn bị lên ca nhận tàu khởi hành đi Nha Trang, anh Hoàng Xuân Thoan (40 tuổi, quê Thái Bình), nhân viên lái tàu chia sẻ, đây là thời điểm mà các anh em trong đội lái tàu ga đường sắt Sài Gòn phải làm việc nhiều nhất trong năm.
Ngày thường, sau mỗi chuyến tàu, anh em được về nhà nghỉ ngơi gần 1 một ngày, ăn bữa cơm với vợ con. Còn những ngày cận tết, anh em phải thay ca chạy tàu liên tục. Xong chuyến tàu trong đêm là sáng sớm hôm sau anh em phải lên ca nhận tàu, tiếp tục khởi hành.
Cận tết, anh em lái tàu phải làm việc gấp đôi để đưa hành khách về quê ăn tết ẢNH: AN HUY
“Nói về áp lực công việc thì anh em hầu như lúc nào đi tàu cũng có. Khi ngồi buồng lái, mắt phải liên tục quan sát phía trước, điều chỉnh tàu tránh sự cố xảy ra. Nếu tàu đến những đoạn có đường ngang dân sinh, anh em phải căng mắt chú ý xa hàng trăm mét để phát hiện chướng ngại vật bóp còi cảnh báo và hãm phanh kịp, tránh gây tai nạn. Lượng công việc tăng lên gấp đôi thì áp lực anh em lái tàu cũng thêm nhiều lần trong những ngày tết”, anh Thoan trải lòng.

Cũng theo anh Thoan, bước vào ngành lái tàu thì không chỉ riêng anh mà các anh em trong đội đã chấp nhận việc “làm dâu trăm họ”, sẵn sàng phục vụ mọi người đi lại không kể những ngày lễ hoặc tết. Thậm chí, những hôm gia đình có việc gấp hay hệ trọng, anh em cũng không được rời tàu đi làm việc riêng.
Anh Thoan vào ngành lái tàu đến nay đã gần 20 năm, đó là khoảng thời gian người vợ anh ở hậu phương phải chịu thương, chịu khó chăm lo gia đình và chấp nhận cảnh chồng thường xuyên không có mặt ở nhà, đặc biệt vào dịp tết. Đi chúc tết bà con hai bên nội ngoại, mua sắm tết cho các con đều do một tay vợ anh lo.
"Tôi rất yêu công việc lái tàu, đó cũng là niềm mơ ước từ nhỏ nên tôi không thay đổi được. Rất may, vợ hiểu được công việc của tôi nên chịu khó lo lắng tất cả mọi việc trong gia đình, làm hậu phương vững chắc cho tôi thực hiện nhiệm vụ”, anh Thoan chia sẻ.
Anh Hoàng Xuân Thoan và anh Nguyễn Văn Nam chuẩn bị lên tàu khởi hành chạy chuyến tàu ngày 25 tháng Chạp ẢNH: AN HUY
Còn anh Nguyễn Văn Nam (42 tuổi, ngụ Q.3 TP.HCM) đã có hơn 20 năm phục vụ trong ngành lái tàu chia sẻ, vất vả và áp lực là những gì anh em lái tàu thường trải qua trong những ngày giáp tết khi phục vụ hành khách xuôi ngược Nam Bắc. Những ngày này, anh em không được nghỉ ngơi quá 10 tiếng sau một lượt tàu. Khi tàu cập bến, anh em phải tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe tiếp tục làm việc.
Nói về gia đình, anh Nam cho biết đã 20 năm qua anh chưa có một cái tết trọn vẹn đúng nghĩa bên vợ con. Mọi việc ở gia đình đều do một tay vợ anh chăm lo chu toàn. Bắt đầu từ 15 tháng Chạp trở về những ngày giáp tết, lượng tàu chạy tăng hơn gấp đôi so với ngày thường, thế nhưng số lượng anh em lái tàu có hạn nên phải đảm nhận lượng công việc khổng lồ.
Khi nhận tàu xong, anh em phải thức liên tục cả ngày lẫn đêm điều khiển tay lái. Đến khi về nhà thì phải nghỉ ngơi ngay để có sức khỏe đảm bảo lượt tàu tiếp theo, việc chăm lo gia đình coi như không thể.
“Nói chung là vợ cũng thấu hiểu công việc và thương chồng nên không than thở một lời mà lúc nào cũng động viên mình cố gắng giữ gìn sức khỏe lo công việc. Giáp tết, vợ tôi sẽ dẫn các con đi mua đồ đẹp, sau đó ghé siêu thị mua thực phẩm dùng trong nhà. Việc dọn dẹp nhà cửa và lo mâm cơm cúng tổ tiên ngày tết cũng do vợ chuẩn bị tất cả, tôi tranh thủ giờ nghỉ ngơi trước khi chạy tàu cúng tất niên. Nói chung, anh em lái tàu chỉ việc đem tiền về lo cho vợ con, còn hậu phương thì vợ đảm nhận”, anh Nam vui vẻ nói.
Những khoảnh khắc không bao giờ quên
Áp lực công việc ngày tết tăng cao, kéo theo đó là những sự cố trên đường tàu khiến anh em tài xế không thể nào

Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì đã hãm phanh kịp thời để giúp gia đình nhỏ của người đi ô tô có được cái tết trọn vẹn. Thật sự, đây là sự việc hết sức hi hữu, tàu chạy với vận tốc rất cao thì khó hãm phanh kịp thời được, nhưng rất may lần này tôi thực hiện thành công. Mọi người nghĩ đoàn tàu thường chạy với tốc độ chậm nhưng không phải, nhìn tàu đi vậy nhưng tốc độ  60 - 80km/giờ. Để hãm phanh tàu đứng lại cũng mất 700 - 800m, thành thử qua đây tôi cũng mong mọi người chú ý không qua đường ray khi có đèn cảnh báo

Anh Hoàng Xuân Thoan

quên, trong đó có cả niềm vui và nước mắt.
Anh Hoàng Xuân Thoan cho biết, vào ngày 30 tết Đinh Dậu, lúc anh chạy tàu từ Bình Thuận về ga Sài Gòn, tàu chạy với tốc độ trên 80km/giờ. Khi về địa phận tỉnh Đồng Nai, tàu đang di chuyển thì một chiếc ô tô 7 chỗ băng ngang đường tàu. Thế nhưng, tàu chạy gần đến, chiếc ô tô này vẫn không rời đi.
Lập tức, anh bóp còi kéo dài liên tục và bình tĩnh hãm phanh cấp tốc. Rất may khi tàu dừng bánh chỉ cách chiếc ô tô chưa đến 2m nên không xảy ra tai nạn. Lúc này, trên chiếc ô tô có 5 người gồm đôi vợ chồng và ba đứa con đang nháo nhào trên xe.
Khi biết gia đình đã an toàn, người vợ mới loạng choạng mở cửa ô tô bước xuống đường ray và quỳ chắp tay vái lạy đoàn tàu tạ ơn. Lúc này, chiếc ô tô vẫn còn đứng bánh trên đường ray và phải nhờ anh em lái tàu phụ đẩy mới qua được khỏi khu vực.
Nguyên nhân do gia đình trên đường đi ăn tất niên về và người chồng điều khiển ô tô uống quá chén, không quan sát đèn cảnh báo tàu. Đến khi băng ngang đường tàu thì ô tô bị kẹt số, không thể di chuyển được, dẫn đến suýt xảy ra tai nạn chết người.
“Đây là sự cố mà tôi không thể nào quên được, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì đã hãm phanh kịp thời để giúp gia đình nhỏ của người đi ô tô có được cái tết trọn vẹn. Thật sự, đây là sự việc hết sức hi hữu, tàu chạy với vận tốc rất cao thì khó hãm phanh kịp thời được, nhưng rất may lần này tôi thực hiện thành công. Mọi người nghĩ đoàn tàu thường chạy với tốc độ chậm nhưng không phải, nhìn tàu đi vậy nhưng tốc độ từ 60 - 80km/giờ. Để hãm phanh tàu đứng lại cũng mất 700 - 800m, thành thử qua đây tôi cũng mong mọi người chú ý không qua đường ray khi có đèn cảnh báo”, anh Thoan chia sẻ.
Anh Hoàng Xuân Thoan cho biết 18 năm qua, anh chưa có một cái tết đúng nghĩa trọn vẹn ẢNH: AN HUY

Anh Nguyễn Văn Nam cũng chia sẻ, với thời gian chạy tàu 20 năm, anh cũng đã quen dần với công việc vào những ngày tết khi không ở bên gia đình. Tuy nhiên, trên hành trình, nhiều khi những hình ảnh mọi người không kịp đến ga lúc tàu khởi hành, trễ tàu phải bịn rịn ôm nhau khóc, khiến anh em lái tàu nhiều lúc cũng chạnh lòng và xót xa.
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Trần Thanh Băng, Quản đốc phân xưởng vận dụng ga Sài Gòn chia sẻ, vào dịp tết hiểu được áp lực và vất vả trong công việc, đơn vị cũng động viên tinh thần và tổ chức trước cho anh em một bữa tiệc nhỏ trước dịp cao điểm chạy tàu tết. Chúng tôi cũng có mời vợ của anh em lái tàu lên phát biểu cảm xúc khi chồng vắng nhà dịp tết, thì mọi người đều vui vẻ khẳng định luôn là hậu phương vững chắc cho chồng thực hiện nhiệm vụ, thật sự rất vui.
“Đêm giao thừa, lãnh đạo ngành đường sắt cũng thay nhau gọi điện chúc tết anh em lái tàu để động viên tinh thần. Tại các trạm ga vào những ngày tết, đơn vị cũng tổ chức nấu cơm miễn phí cho anh em lái tàu bữa trưa và chiều. Mỗi khi lên ca nhận tàu, anh em cũng được thử nồng độ cồn để kiểm tra, rất vui vì anh em thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an toàn chạy tàu”, ông Băng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.