Nỗi niềm người dân làng phong: Nơm nớp lo nhà không sổ đỏ

09/01/2015 09:00 GMT+7

“Sống ở đây đã 2,5 năm, điều mà người dân lúc nào cũng trăn trở nhất đó là chưa có sổ đỏ công nhận quyền sở hữu căn nhà đang ở”, anh Nguyễn Thanh Tú, Tổ trưởng Tổ 13, đại diện cho người dân làng phong ngày trước, hiện sống ở những dãy nhà liền kề buồn bã nói.

“Sống ở đây đã 2,5 năm, điều mà người dân lúc nào cũng trăn trở nhất đó là chưa có sổ đỏ công nhận quyền sở hữu căn nhà đang ở”, anh Nguyễn Thanh Tú, Tổ trưởng Tổ 13, đại diện cho người dân làng phong ngày trước, hiện sống ở những dãy nhà liền kề buồn bã nói.

Những căn nhà mới xây chỉ gần 2,5 năm nhưng nứt toác móng, tường rất nguy hiểm
Những căn nhà mới xây chỉ gần 2,5 năm nhưng nứt toác móng, tường rất nguy hiểm - Ảnh: D.H
45 ngày và 2,5 năm
“Khi chúng tôi vào bờ, sống ở trong những căn nhà liền kề này, các cơ quan chức năng có một lời hứa với chúng tôi là sau 45 ngày kể từ ngày vào đất liền sẽ cấp sổ đỏ cho chúng tôi. Nhưng, giờ đã hơn 800 ngày trôi qua, sổ đỏ vẫn chưa có. Chúng tôi lo lắng bởi hiện phải sống trong căn nhà không thuộc quyền sở hữu của mình, làm gì cũng không dám”, anh Tú nói thêm. Ông Nguyễn Lên, cũng là cư dân của làng phong được lên bờ vào thời điểm tháng 8.2012. “Hôm nhận căn nhà 72m2 với đầy đủ tivi, bàn, ghế, tui vui mừng lắm. Hồi xưa ở ngoài làng Vân, người làng Vân chúng tôi cũng trông có sổ đỏ sau hơn 40 năm sống ngoài đó. Nhưng rồi mấy lần yêu cầu cũng không xong, sau đó là nghe rục rịch dự án nên càng không được làm thủ tục cấp quyền sở hữu đất lẫn nhà. Khi nghe vào bờ, tui thiệt tình là rất vui vì cuối cùng cũng sẽ có được quyền sở hữu riêng, rứa mà chừ cũng trông đứng trông ngồi...”, ông Lên thở dài...
Qua tìm hiểu, trên thực tế, chính quyền TP.Đà Nẵng khi bàn giao 76 căn nhà liền kề cho những hộ dân vào bờ từ làng phong Hòa Vân, đã có chính sách là hỗ trợ 100% tiền xây nhà, xong, đối với tiền đất, thì những hộ trong danh sách có người bị bệnh phong mất sức lao động thì được hỗ trợ 50% tiền đất và phải đóng 50% còn lại; còn người không mắc bệnh là cư dân của làng phong được bố trí nhà thì phải đóng 100% tiền đất. Nhưng, thời gian chờ đợi cấp sổ đỏ quá lâu, nên hầu hết những hộ dân ở đây đã tiêu hết phần lớn số tiền hỗ trợ khi chuyển từ Hòa Vân vào bờ, nên giờ việc chi trả 50 hay 100% tiền đất để có sổ đỏ là việc hết sức khó khăn. “Chúng tôi cũng có nắm tình hình và cũng có kiến nghị với TP xem xét hoàn cảnh khó khăn của các hộ dân ở đây để có cơ chế hỗ trợ thêm, để họ có điều kiện sở hữu nhà, an cư lâu dài” ông Ông Văn Dũng, Chánh văn phòng UBND Q.Liên Chiểu trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh vấn đề sổ đỏ của những hộ dân nơi này.
Phập phồng lo xuống cấp
Không chỉ lo lắng với sổ đỏ, người dân làng phong hiện tại sống trong những căn nhà liền kề cũng thêm một nỗi lo khác, đó là những căn nhà, dù chỉ mới xây dựng nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng. Dạo một vòng quanh những căn nhà liền kề nằm ở đầu hồi, như nhà D01, C16, C01, C20... mới thấy hết mức độ nguy hiểm của những căn nhà này. Những căn hộ dù chỉ mới xây được 2,5 năm, nhưng phía trên tường nhà đầy những đường nứt toác rộng. Người dân phải vá víu bằng việc đắp xi măng nhưng không cứu vãn được nhiều. Mùa mưa, những căn phòng ngập nước tạt vào. Đáng nói, nhiều căn nhà móng nhà nứt toác bên dưới, vô cùng nguy hiểm.
“Cũng biết là nguy hiểm, nhưng những người dân ở đây nào dám sửa chữa, vì nhà này vẫn chưa thuộc sở hữu của họ. Tôi đại diện cho người dân nhiều lần lên phản ánh với chính quyền và cũng có nhiều đoàn xuống kiểm tra, nhưng đến nay, dù mưa gió nhiều, nhưng vẫn không có đơn vị nào đến sửa chữa. Chúng tôi phải cứ sống trong phập phồng lo sợ mỗi khi mưa gió tràn về!”, anh Tú nói.
Lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cho biết, đơn vị thi công công trình nhà liền kề cho người dân làng phong này là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng-Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng. “Chúng tôi đã xuống kiểm tra, và cũng đã có kiến nghị, yêu cầu có biện pháp khắc phục, sửa chữa để người dân yên tâm sinh sống. Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng-Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng phải có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng nhà cho dân”, ông Ông Văn Dũng nói rõ. Dù vậy, đến ngày 7.1, việc sửa chữa trên vẫn chưa được thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.