Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn chỉ' ở Sài Gòn

Trác Rin
Trác Rin
10/02/2018 13:33 GMT+7

Nước rút, những chiếc vỏ lãi đang nằm im ỉm dưới kênh Lò Gốm (Q.8) lại nổ máy, túa ra khắp sông rạch Sài Gòn, Đồng Nai... đi 'đánh trùn'.

6 giờ sáng, anh Cao Văn Hải (47 tuổi, quê Hải Phòng) lái chiếc vỏ lãi thẳng ra sông Buông (tỉnh Đồng Nai) để săn trùn chỉ. Hơn hai giờ luồn lách qua các kênh, rạch, chiếc vỏ lãi chông chênh lướt qua sông Đồng Nai. Sóng vỗ vào mạn, bắn nước tung tóe.
Săn trùn chỉ
Tới sông Buông, anh Hải tắt máy vừa chèo tay, vừa quan sát tìm vị trí có trùn. Đang đi, thỉnh thoảng anh lại dùng mái chèo quệt lớp bùn dưới sông rồi ngắm nghía. Một hồi anh bỗng la to: “Có trùn!”. Trên mái chèo, lẫn trong đống bùn là đám trùn nhỏ li ti bám vào. Chẳng nói chẳng rằng, anh Hải lấy đồ nghề rồi nhảy xuống nước. Với chiếc thau nhựa và một khung sắt bọc lưới bên trong, anh bắt đầu ngụp lặn, mò mẫm để săn trùn. “Vớt lớp bùn dày khoảng 1 phân dưới đáy, sàng cho bùn trôi đi rồi gạn lấy trùn cho vào thau”, anh tiết lộ “bí kíp”.
Đến khu vực cầu Gò Công (Q.9, TP.HCM), anh bật mí, nhìn màu nước với màu đất để kiếm dấu vết trùn chỉ. Chỗ nào người dân nuôi heo, bò... xả thải trực tiếp xuống sông, hoặc gần miệng cống thì khả năng sẽ nhiều trùn.
Phát hiện trang trại nuôi heo sát bên bờ sông, anh nháy mắt: “Đây rồi, chắc sẽ thu được kha khá!”. Nói đoạn anh lại nhảy xuống dòng nước đen ngòm, bốc mùi tanh rất khó chịu. Ngoi từ dưới đáy lên, khuôn mặt anh đen sì vì dính nước bẩn. Anh cười bảo: “Nhiều chỗ nước còn thúi dữ hơn nữa nhưng tui cũng quen rồi. Theo nghề này là phải chịu thôi”.
Hôm đó, quần quật làm việc từ sáng đến 13 giờ chiều, anh Hải “thu hoạch” được khoảng sáu kg trùn chỉ. “Giá bán trùn 50.000 đồng/kg. Nhiêu đây đủ tiền dầu với cơm nước hằng ngày chứ không dư”, anh Hải cho biết.
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 1
Trùn chỉ sau đó được cho vào thau nhựa, khi trùn nhiều sẽ bỏ lên vỏ lãi
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 2
Ngụp lặn nhiều giờ liền dưới nước, những thợ săn trùn chỉ thường hút thuốc giữ ấm
Cùng là thợ săn trùn chỉ, anh Nguyễn Đố (43 tuổi, quê Thái Bình) có thâm niên 10 năm trong nghề. Đi đánh trùn phải lặn hàng giờ dưới nước lạnh nên rất mau đói. Vì vậy, lúc nào đi làm anh cũng mang theo hộp cơm để kịp thời nạp năng lượng, có sức mò trùn tới chiều.
Anh Đố cho biết từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm trùn chỉ sẽ xuất hiện nhiều nhất. Mỗi chuyến đi đánh trùn, mỗi người “thu hoạch” trên dưới 15 kg. Những tháng còn lại trùn ít hơn, mỗi chuyến chỉ được từ 5 – 10 kg. “Mấy tháng này đi chủ yếu kiếm tiền trang trải thôi chứ ít có dư lắm, trùn nó cũng có theo mùa mà”, anh nói.
Nỗi niềm ngày tết
Trên đường Bến Phú Định (P.16, Q.8) có hàng chục người quê tỉnh Thái Bình, Hải Phòng... sống bằng nghề vớt trùn chỉ.
Phòng trọ của anh Hải chỉ khoảng 10 mét vuông, thùng mì gói và tấm nệm trải dưới nền nhà là những thứ giá trị nhất trong phòng. Vợ và bốn con anh đều đang ở Hải Phòng. Đứa lớn học đại học, trung cấp, đứa út đang học lớp 12. Một mình anh vào Sài Gòn mưu sinh. Tiền trọ hết 1 triệu đồng/tháng. Ăn thì bữa mì gói, bữa đi mò trùn bắt được ít cá bống về kho, thế là qua ngày. Mỗi tháng anh gửi về nhà 3-4 triệu đồng phụ vợ nuôi con. Thấm thoát đã 6 cái Tết xa nhà.
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 3
Bữa cơm trên chiếc vỏ lãi giữa cái nắng bỏng rát
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 4
Anh Cao Văn Hải buộc chiếc thau nhựa vào cơ thể, sau đó di chuyển dọc bờ sông săn trùn chỉ
“Nghề này sướng nhất là được làm tự do, chịu cực chịu dơ chút thì cũng lo cho gia đình ổn. Có điều, tết phải xa nhà vì về tốn kém quá. Nhiều lúc nhớ dữ lắm nhưng đành chịu. Con cái còn tuổi ăn học, phải tiết kiệm chú à. Dăm bảy năm nữa, đứa út học xong là tui khăn gói về quê ngay”, anh tâm sự.
Chung xóm trọ, ông Nguyễn Văn Thực (52 tuổi, quê Thái Bình) săn trùn chỉ cũng được khoảng 10 năm. Ông được hai đứa cháu ruột cho ở ké nên đỡ tốn tiền. “Nhà có 2 đứa con đang học ngành Y ngoài quê. Tui thì tết nào cũng về, cả năm trời lặn lội không về sao được”, ông nói.
Sau cả ngày ngụp lặn, những thợ săn trùn chỉ thường tụ tập tại các quán cà phê cóc lề đường để “tám” chuyện, xua đi nỗi cô đơn nơi xứ người. Khi “trúng mánh” được nhiều trùn, mỗi người hùn vài chục ngàn rồi mua mồi về phòng trọ làm bữa tiệc nho nhỏ. Bên nồi lẩu cá kèo nóng hổi, anh Đố góp chuyện: “Tui lấy vợ dưới H.Cai Lậy (Tiền Giang), cháu nhỏ được bảy tuổi, hai mẹ con hiện đang ở quê. Phòng trọ tui ở bốn người, chia ra tiền nhà mỗi người 500.000 đồng/tháng, toàn thợ đánh trùn chỉ cô đơn vì xa cách vợ con. Ráng làm, chứ nhớ mẹ con nó là tui... đón xe đò về liền”.
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 5
Săn trùn chỉ ở khu vực Q.9 (TP.HCM) giữa làn nước đen ngòm và có mùi rất hôi
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 6
Săn trùn chỉ trên sông Buông (tỉnh Đồng Nai)
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 7
Khi “trúng mánh”, nhóm thợ săn trùn chỉ thường hùn tiền mua mồi về lai rai vài xị rượu
Nỗi niềm của thợ ‘đánh trùn’ chỉ ở Sài Gòn 8
Quán cà phê cóc ven đường cũng là nơi giải khuây quen thuộc của nhóm thợ săn trùn chỉ Ảnh: Trác Rin
Những rủi ro
Anh Cao Văn Hải cho biết nhiều năm trước, có hai thợ săn trùn phải bỏ mạng dưới đáy sông. “Lúc trước, thợ săn trùn thường buộc sợi dây từ chiếc thau vào cơ thể quá chặt. Lặn xuống đáy sông sâu, chiếc thau lật úp chìm xuống, phần vì đuối sức sau khi ngụp lặn nên có trường hợp thợ săn trùn không ngoi lên được và chết”.
Dù sao đó cũng là việc hi hữu, còn khi trời mưa to, nước ở sông Đồng Nai dâng cao, sóng mạnh dễ đánh chìm chiếc vỏ lãi. “Tui làm nghề nhiều năm, hồi còn trẻ cũng là dân đi biển nên “cứng tay”. Gặp mưa lớn, tui rẽ sóng cho vỏ lãi tấp vào bờ, hoặc vào con rạch nào gần đó nên đến giờ này chưa bị lật úp vỏ lãi lần nào, bạn làm nghề thì gặp hoài”, anh Hải cho biết.
 Vớt trùn chỉ cho vịt ăn rồi hình thành nghề
Theo ông Nguyễn Văn Trường (52 tuổi, quê Thái Bình), chuyên thu mua trùn chỉ khu vực Q.8 từ năm 1990 tới nay, trùn chỉ có màu hồng, kích thước rất nhỏ, nhìn kỹ mới thấy nó đang cử động. Mới đầu, người dân sống ven kênh, rạch ở Sài Gòn vớt trùn chỉ về cho vịt ăn. Sau này thú nuôi cá cảnh nở rộ, trùn chỉ lại là món ăn khoái khẩu của cá cảnh nên nghề săn trùn chỉ xuất hiện. Tính ra nghề này đã xuất hiện trên 30 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.