Nơi ngã tư thường xảy ra tắc đường, tình người vẫn kịp ‘ghé qua’

30/03/2021 20:29 GMT+7

Để giải cứu nông sản giúp bà con nông dân Hải Dương, người dân Hà Nội chung tay giúp đỡ rất nhiệt tình. Đáng quý hơn, không ít bạn trẻ đã tự nguyện tham gia buôn bán, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” cao đẹp.

Những ngày qua, nhiều người đi qua ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng (Q.Đống Đa, Hà Nội) đã quen thuộc với hình ảnh những bạn trẻ kêu gọi người dân mua rau củ quả ủng hộ bà con Hải Dương, nơi nông sản đang bị ồn ứ, khó tiêu thụ.

Những “bác sĩ tương lai” xông pha mọi mặt trận

Cuối tháng 1.2021, Hải Dương nổi lên là điểm nóng của Việt Nam khi liên tiếp xuất hiện những ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, kéo theo rất nhiều hệ luỵ trong công việc, đời sống cũng như sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, Hải Dương được biết đến là vựa nông sản lớn của miền Bắc, nhưng vì dịch bệnh, nhiều mặt hàng trọng điểm như su hào, bắp cải, cà chua, ổi,... bí đầu ra, thậm chí phải cho bò ăn hoặc để thối.
Trước tình hình đó, nhiều địa bàn trên cả nước đã dấy lên phong trào giải cứu nông sản giúp đỡ bà con nông dân Hải Dương và được người dân tích cực hưởng ứng.

Người dân giải cứu nông sản giúp bà con Hải Dương

Ảnh Anh Sơn

Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lắng xuống, “cơn sốt” giải cứu cũng đã phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ, khó tiêu thụ rau củ quả ở tỉnh Hải Dương vẫn đang diễn ra. Thậm chí, không ít trường hợp bà con phải “nuốt nước mắt” thuê người về phá chính cây mình tự tay trồng để lấy đất cho mùa vụ tiếp theo. Và trong những lúc khó khăn nhất, chúng ta mới thấy hai chữ “đồng bào” thiêng liêng đến mức nào. 
Gần 2 tuần nay, tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng xuất hiện điểm bán nông sản giúp bà con Hải Dương. Không phô trương bằng các băng rôn, khẩu hiệu, chính nhiệt huyết tuổi trẻ đến từ những bạn sinh viên tham gia buôn bán là điều làm các khách hàng cảm thấy ấn tượng.
“Ban đầu, do điểm giải cứu thiếu người nên tôi và các bạn tự nguyện giúp các anh. Thời gian trước khá vất vả nhưng về sau còn có một số bạn từ các trường khác tham gia nên đỡ hơn. Ngoài hỗ trợ ăn trưa và ăn tối, mọi người không nhận được khoản tiền phí nào. Tuy nhiên, chúng tôi không buồn vì chính việc giúp đỡ người dân Hải Dương đã là một động lực lớn”, bạn Lê Thị Minh, sinh viên năm tư Đại học Y Hà Nội, chia sẻ. 

Anh Trần Đăng Quân là khách “ruột” của điểm giải cứu nông sản. Với anh Quân, mua hàng chính là niềm vui để giúp đỡ bà con Hải Dương

Ảnh Anh Sơn

Thời tiết Hà Nội những ngày hôm nay chuyển sang nắng nóng, đặc biệt, phải làm việc trên tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tắc đường, khói bụi, nhưng các bạn trẻ vẫn tranh thủ những lúc nghỉ học để đưa rau củ đến tay người dân Thủ đô.
Cảm kích trước hình ảnh đó, không ít khách hàng đã quay trở lại mua hàng, ủng hộ nhiều lần, điển hình là anh Trần Đăng Quân (30 tuổi, trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), không những nhiệt tình ủng hộ mà anh còn đăng bài kêu gọi trên nhóm Facebook khu dân cư của mình đến cùng mua nông sản.

Cam kết giá bán không cao hơn so với chợ đầu mối

Anh Lê Đàm Việt Khang, người trực tiếp làm đầu mối bán nông sản giúp bà con ở Hải Dương, cho biết mục đích chính của những điểm giải cứu là tiêu thụ hết số rau củ tồn đọng. Giá thu mua thấp hơn giá lái buôn và giá bán ra không cao hơn so với chợ đầu mối để người dân nhiệt tình ủng hộ. Cụ thể, ổi 25.000 đồng/túi 5kg, cà rốt 35.000 đồng/túi 5 kg, cà chua 7.000 đồng/kg, hành 10.000 đồng/kg…
Theo anh Khang, từ khi lập ra những điểm giải cứu đến nay, số lượng nông sản nhập từ Hải Dương đã lên đến con số hàng triệu tấn. Hàng hoá được người dân tự tay đóng gói, sau đó qua các quy trình sàng lọc, xử lý cẩn thận mới được bán ra nên người dân rất yên tâm về an toàn thực phẩm và ủng hộ khá đông. Ngoài các điểm giải cứu ở Hà Nội, nhóm của anh Khang còn mở nhiều điểm tiêu thụ nông sản cho bà con Hải Dương ở nhiều tỉnh, thành lân cận khác.
“Mục đích chính vẫn là giúp bà con tốt nhất có thể. Không những là những người điều phối nông sản từ Hải Dương ra khắp cả nước, chúng tôi còn hướng dẫn bà con về các quy trình từ đóng gói đến vận chuyển sản phẩm. Nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh ổn định cũng như bà con nông dân có thể chủ động được trong việc tìm đầu ra, dự án giải cứu dự kiến sẽ kết thúc trong vòng nửa tháng nữa”, anh Khang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.