Nơi mạnh tay, nơi 'thả nổi' vỉa hè: Cần làm nghiêm túc, đồng loạt ở khắp nơi

18/02/2017 08:41 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về bài viết Nơi mạnh tay, nơi “thả nổi” vỉa hè trên Thanh Niê n số phát hành ngày 17.2.

Ủng hộ
Việc một số quận mạnh tay với lấn chiếm vỉa hè là việc phải làm. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm này. Lâu nay, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ bán hàng rong, cho xe đi trên vỉa hè trở thành thói quen xấu của nhiều người. Do đó, cần phải có biện pháp mạnh để vỉa hè là nơi thực sự dành cho người đi bộ. Người đi xe máy cũng không thể leo lên vỉa hè để mua hàng hóa của những cửa hàng lấn chiếm vỉa hè. Lâu dần sẽ tạo thành thói quen cho người dân thành phố.
Đỗ Huy Tuấn (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
VIDEO: Người lái xe máy leo lề bị xử phạt ở trung tâm Q.1
Khó nhưng không thể bó tay
Người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán thường không có địa chỉ thường trú, không đăng ký kinh doanh. Do đó, khi lực lượng kiểm tra đến nơi thì họ tuân thủ rất nghiêm túc, nhưng khi lực lượng rút đi thì họ lại lấn chiếm. Nếu quay phim để phạt nguội cũng khó thành công vì họ không đăng ký kinh doanh, cũng chẳng biết họ từ địa phương nào đến nên chẳng có địa chỉ, danh tính để gửi hóa đơn xử phạt. Vì vậy, cần phải làm thường xuyên, tránh kiểu đánh trống bỏ dùi.
Nguyễn Thế Nhàn (Củ Chi, TP.HCM)
Công tâm trong xử lý
Việc xử lý triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè là cần thiết, phải làm lâu dài. Làm đến khi nào người dân không còn dám lấn chiếm vỉa hè nữa mới thôi. Muốn như vậy thì trong xử lý vi phạm cần phải đặt yếu tố công tâm, công bằng lên hàng đầu. Ai vi phạm đều bị xử lý như nhau, bất kể đó là ai. Vỉa hè là để đi bộ, để tạo không gian thoáng đãng cho phố phường, cho người đi đường chứ không phải nơi để buôn bán.
Nguyễn Huy Khanh (Q.4, TP.HCM)
Phải thực hiện đồng bộ
Việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường không chỉ thực hiện tại một quận hoặc các tuyến đường đông người qua lại mà cần thực hiện đồng loạt trên toàn địa bàn thành phố. Không thể có chuyện chỉ có ở quận 1, các quận trung tâm, vỉa hè mới thực sự dành cho người đi bộ còn các quận khác thì không. Phải thực hiện đồng loạt, nghiêm túc ở mọi nơi. Phải làm sao để người dân ý thức tự giác không còn lấn chiếm vỉa hè. Nếu làm quyết liệt nơi này, nơi khác không làm hoặc làm cho có thì cũng như không.
Trần Minh Tuyền (Q.8, TP.HCM)
Tuyên truyền, vận động sâu rộng
Bên cạnh các biện pháp mạnh tay từ chính quyền để triệt để dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì thành phố cũng cần có một chiến dịch tuyên truyền lâu dài, sâu rộng. Cần vận động mọi người dân không mua bán ở các hàng quán lấn chiếm vỉa hè, không tiếp tay cho hành vi lấn chiếm như thế. Một khi người bán không có người mua thì họ sẽ tự thay đổi, không còn lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và tăng nặng mức xử phạt đối với các hàng quán cố ý lấn chiếm vỉa hè - không gian sinh hoạt chung của cộng đồng.
Hồ Thị Kim Thoa (Q.Tân Phú, TP.HCM)
       
Ý kiến của ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, sẽ “xử lý mạnh là tính toán luân chuyển người đứng đầu quản lý địa bàn cơ sở theo hướng chức vụ mới phải thấp hơn chức vụ cũ” nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Đây là hướng xử lý mạnh và hợp lý. Người đứng đầu ủy ban phường không xử lý được nạn lấn chiếm vỉa hè thì chuyển công tác nhưng ở vị trí thấp hơn cũ, chứ chuyển công tác mà bằng hoặc hơn chức vụ cũ thì ai cũng muốn bị xử lý kỷ luật.
Nguyễn Thị Mai Ly (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
       
Chính quyền quyết tâm, mạnh tay xử lý và làm lâu dài thì chẳng người dân nào dám vi phạm. Đừng làm kiểu “đánh trống bỏ dùi”, làm cho có. Làm kiểu đó vừa tốn kém nhân lực, tiền bạc lại khiến người dân không có ý thức tuân thủ pháp luật, “lờn” luật. Thà làm một lần, kéo dài nhiều năm nhưng đạt kết quả mãi mãi.
Huỳnh Duy Thịnh (Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.