Nỗi kinh hoàng trong giờ ăn: Giúp con vượt qua chứng lười ăn

08/05/2013 03:05 GMT+7

Một nghịch lý là dù tình trạng béo phì đang đe dọa xã hội phương Tây lẫn phương Đông, nhưng phụ huynh ở đâu cũng không thoát cảnh phập phồng khi tới bữa ăn của con.

Một trong những vấn đề mà các bậc cha mẹ thời hiện đại phải đối đầu là làm sao cho con ăn đủ chất, nhất là đối với trẻ ở độ tuổi tập đi. Đây là những trẻ đã học được ý nghĩa của từ “không” và thường xuyên thích áp dụng nó, nếu không muốn nói là bất kể tình huống nào cũng sử dụng được. Cha mẹ nói A, trẻ sẽ nói B và ngược lại.

Phức tạp như biếng ăn

Nỗi kinh hoàng trong giờ ăn: Giúp con vượt qua chứng lười ăn
Ảnh: shutterstock

Đối với các bậc phụ huynh, trẻ nào không ăn đều được liệt vào dạng biếng ăn, còn giới chuyên gia lại phân biệt ra nhiều dạng biếng ăn khác nhau. Đầu tiên là biếng ăn nhũ nhi, có nghĩa là trẻ sẽ sớm bộc lộ sự chán ăn ngay từ trong 6 tháng đầu đời, tức bú ít và dễ ngưng. Đến khi biết ngồi, trẻ ngày càng bị hấp dẫn bởi thế giới đầy thú vị bên ngoài và cứ mải mê chơi đùa không nghĩ đến chuyện ăn hay uống. Khi bị bắt ngồi vào bàn, trẻ chỉ nghịch thức ăn, quăng muỗng nĩa và tìm cách thoát khỏi ghế càng sớm càng tốt. Ở những trẻ này, các bậc phụ huynh sẽ hết sức ngạc nhiên khi thấy con mình sao mà hiếu động quá, dù ăn không đáng nhét kẽ răng, theo phân tích của giáo sư tiến sĩ Irene Chatoor (Mỹ) trong chương trình Bé yêu học ăn. Bà kể lại một người cha đã mô tả hết sức ngắn gọn về tình trạng của đứa con gái 7 tuổi: “Thà chơi và nói chứ không ăn, thà đọc chứ không ngủ”. Chúng luôn trong trạng thái hào hứng và không nhận ra mình đói, cần phải ăn. Hậu quả tất yếu là trẻ kém tăng cân đến độ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển thể chất lẫn tâm sinh lý sau này.

 

Phạt thế nào cho đúng ?

Tại một hội thảo bàn về chứng biếng ăn của trẻ tổ chức tại TP.HCM mới đây, đa số phụ huynh tham dự đều hết sức quan tâm đến cách phạt trẻ do chuyên gia phương Tây đề xuất. Thay vì dùng đến đòn roi, đầu tiên các bậc cha mẹ được khuyên nên cảnh cáo trẻ, và chỉ cảnh cáo một lần, khi bé ném đồ ăn hoặc cư xử không đúng. Nếu trẻ vẫn tiếp tục hành vi đó, đã đến lúc áp dụng phương pháp thời gian ở một mình. Cha mẹ chọn một nơi an toàn và đặt bé ở đó, nơi mà bé không nhìn thấy họ. Nếu trẻ khóc, không tiếp xúc với trẻ cho đến khi trẻ bình tĩnh. Khi trẻ đã nguôi ngoai, hãy bước vào và nói với trẻ rằng bạn hiểu trẻ đã rất khó khăn để dịu xuống, và tự hào vì trẻ đã làm được điều đó. Hãy giải thích rằng trẻ đã được ở một mình để có thời gian nghĩ về hành động sai trái của bé trên bàn ăn. Sau đó, đặt trẻ lại vào ghế ngồi, và đề nghị cho cha mẹ thấy trẻ đã biết điều chỉnh hành vi, chẳng hạn như ngồi ngay ngắn và không quậy phá thức ăn.

Ở trường hợp thứ hai, trẻ đơn giản chỉ kén ăn. Một vài trẻ có thể thường xuyên thay đổi sở thích, như hôm nay thích ăn trứng, ngày mai lại chê. Hoặc một số trẻ từ chối ăn những món cố định, do ác cảm với chúng hoặc không chịu ăn vài món, hoặc do thực đơn quá hạn chế nên đẩy trẻ vào tình trạng gặp vấn đề về dinh dưỡng. Một khi đã ghét loại thức ăn nào rồi, chúng có khuynh hướng từ chối nếm, hoặc nếu bị ép ăn thì cũng nôn thốc nôn tháo, sặc hoặc phun, nói chung là làm đủ trò để đẩy thức ăn ra khỏi miệng. Tất nhiên, nguyên nhân ban đầu là từ trẻ, nhưng chính cách cha mẹ xử trí với con mình mới tạo ra sự khác biệt lớn ở từng trường hợp.

Nỗi sợ hãi của trẻ

Nếu một số trẻ quá nhạy cảm với thức ăn, cũng có trường hợp trẻ từ chối uống sữa hoặc ăn một loại thực phẩm đặc biệt nào đấy vì quá sợ hãi nó. Bé Thảo là một ca như vậy. Khi thức, bé chẳng bao giờ chịu bú bình, khi ngủ thì uống liên tù tì mà không khó chịu gì. Tuy nhiên, khi thức đột ngột trong lúc bú, bé lại đẩy bình ra và khóc ré lên. Điều này cho thấy bé Thảo đặc biệt sợ bình, có thể là do một trải nghiệm nào đó gây đau đớn trong quá khứ có liên quan đến chiếc bình sữa. Hậu quả là mẹ của bé chỉ đành cho con bú vào lúc ngủ, còn khi thức thì vô phương xử lý.

Còn trường hợp bé Phương thì lại khác. Bé đã được 4 tuổi và không mắc vấn đề gì trong chuyện ăn uống. Nhưng đến hôm nọ, bé về nhà nói với mẹ rằng mình sẽ không ăn nữa. Đến bữa, bé chỉ nhấp môi qua loa, ở trường cô giáo cũng phản ánh tình trạng tương tự. Khi nỗ lực tìm hiểu, mẹ mới phát hiện bé bị hàng xóm chê là mập, nên tự quyết định sẽ không ăn để giảm béo. Có một số trẻ lại sợ sặc đến nỗi phản ứng kịch liệt với món ăn, sau khi chứng kiến hoặc tự mình trải qua nỗi sợ hãi đó.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc quan trọng nhất là cha mẹ phải xác định được con bị vấn đề gì, để có giải pháp xử trí thích hợp. 

Phi Yến

>> Nỗi kinh hoàng trong giờ ăn: Nuôi con đúng cách
>> Nỗi kinh hoàng trong giờ ăn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.