Nơi độc nhất ở Sài Gòn nước sâm 'sạch' công khai, doanh thu 100 triệu

12/12/2016 09:58 GMT+7

Nước sâm là một trong những thức giải khát yêu thích nhất của người Sài Gòn nhất là vào mùa nắng bởi giá cả bình dân và cách thưởng thức nhanh, gọn. Quan trọng là nước sâm giúp giải nhiệt cơ thể, nên nhiều người cũng tìm đến.

Mỗi hàng nước sâm đều sở hữu những thực đơn thức uống bí truyền, đa dạng với nào là các loại nước mát nấu từ lá, rễ, củ… hay các loại nước thuốc có tác dụng thanh nhiệt, chữa bệnh…
Quán "huyền thoại" 6 năm không ngày nào vắng khách
Trên mỗi nẻo đường, bạn đều có thể bắt gặp những quán nước sâm, thậm chí là những thùng nước sâm mini để phục vụ cho mùa nắng nóng cao điểm. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến quán nước sâm Su Su, suốt 6 năm qua không ngày nào vắng khách và dần trở thành “”huyền thoại” trong lòng nhiều người Sài Gòn.
 
VIDEO: Cận cảnh quán nước sâm "huyền thoại" ở Sài Gòn - Thực hiện: Lưu Trân
Tôi ghé quán vào buổi sáng, khá bất ngờ khi quán vẫn rất đông khách vào ngày mát trời như vậy. Gọi chai sâm bông cúc, nhãn nhục uống thử, vị đầu tiên khi uống hơi nhẫn, có mùi thuốc bắc khá nồng. Nhưng uống liền một hơi thì cái ngọt thanh của mía lau, nhãn nhục đọng lại nơi cổ họng rất thích.
Nước sâm Su Su (421 Vĩnh Viễn, phường 8, quận 10) được lòng nhiều người Sài Gòn suốt 6 năm qua
Nước sâm Su Su (421 Vĩnh Viễn, phường 8, quận 10) được lòng nhiều người Sài Gòn suốt 6 năm qua
Rau và lá thuốc luôn được lựa chọn loại tươi ngon nhất
Rau và lá thuốc luôn được lựa chọn loại tươi ngon nhất
Giữa những người đang chờ mua nước sâm thì có tiếng ai đó vang lên: “Cho 2 chai bông cúc, 1 chai sâm ngò đi”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu (49 tuổi), chủ quán nước sâm nhanh nhẹn bỏ bao và đem ra cho khách. Giải thích làm thế nào để biết ai là người vừa gọi, ông Hiếu vui vẻ nói: “Vợ chồng tui bán ở đây toàn khách quen. Riết rồi nghe giọng là biết ai với ai liền”.
Ông Hiếu kể thêm, trước khi bán nước sâm thì 2 vợ chồng đã thử bán rất nhiều món khác, từ cơm tấm, bánh tráng nướng cho đến đồ chiên…nhưng không được nhiều thực khách ủng hộ.
Từ ngày mở quán này thì mọi việc tiến triển tốt hơn. Được biết, lúc trước quán bán ngay góc ngã tư Ngô Quyền – Vĩnh Viễn. Sau này chủ nhà lấy lại mặt bằng thì chuyển hẳn vào địa chỉ 421 Vĩnh Viễn, phường 8, quận 10.
Lá lẻ bạn và lá thuốc dòi được rửa sạch để ráo trước khi nấu
Lá lẻ bạn và lá thuốc dòi được rửa sạch để ráo trước khi nấu
Thực đơn của quán khá đa dạng với 3 loại nước sâm là: sâm ngò, sâm bông cúc la hán quả, sâm rong biển nhãn nhục… “Cả 3 loại đều được nấu chung với mía lau, lá thuốc dòi, lá lẻ bạn. Cứ cái nào tốt cho sức khỏe thì mình cho thêm nhiều một chút”, chị Huỳnh Thị Ý (42 tuổi), vợ ông Hiếu cho biết.
Khi nấu nước bông cúc, do vị của bông cúc rất đặc trưng nên thường chỉ nấu riêng một loại, không nấu chung như bó nước mát. Nếu không thích vị hơi nhẫn thì có thể cho thêm rong biển, mía lau, nhãn nhục… Đặc biệt nhãn nhục khi nấu cùng với bông cúc sẽ tạo vị ngọt thanh rất ngon cho nước mát.
Mía lau được sử dụng để tạo độ ngọt thanh cho các loại nước sâm tại đây
Mía lau được sử dụng để tạo độ ngọt thanh cho các loại nước sâm tại đây
“Bông cúc có tác dụng thanh nhiệt và giúp an thần, làm dịu căng thẳng, khắc phục chứng mất ngủ. Ông bà ngày xưa hay nói bông cúc có đặc tính kháng viêm, trà bông cúc cũng giúp ngừa mụn, trị đau họng. Mấy ngày trời nắng nóng thì uống bông cúc hạ hỏa liền”, bà Ý vui vẻ nói.
Bạn Ngọc Linh (ngụ quân 11) chia sẻ: “Mình mới uống ở đây chừng 1 năm à. Trong các loại nước ở đây thì thích nhất là sâm ngò, vì nó thơm và dễ uống nhất. Tiếp theo là sâm bông cúc, la hán quả rồi mới tới rong biển. Thật lòng mà nói thì nước sâm ở đây vị không ngọt nhiều như những chỗ khác. Nhưng chính vì không ngọt nhiều nên khi uống lạnh không có cảm giác gắt và rất mát”.
Bà Ý tỉ mẩn rửa rau qua 6 lần nước
Bà Ý tỉ mẩn rửa rau qua 6 lần nước
Rửa qua sáu lần nước và nấu bằng bếp gas
Quan sát thấy, toàn bộ quy trình nấu và đóng chai nước sâm đều được làm trực tiếp và công khai ngay tại quán. Các loại nước sâm được phân biệt bằng màu sắc trên nắp chai. Và dù nấu trong nồi lớn nhưng ở đây không sử dụng than củi mà lại nấu bằng bếp gas.
Ông Hiếu tâm sự: “Mình bán tất nhiên là muốn trụ lại lâu dài rồi. Mà để được vậy thì phải đảm bảo khâu vệ sinh và giá cả. Nấu gas lời ít hơn nhưng sẽ không độc hại bằng than củi”.
Nồi nước sâm nghi ngút khói với những thành phần như: gốc ngò, lá thuốc dòi, lá lẻ bạn, mía lau…vô cùng chất lượng
Nồi nước sâm nghi ngút khói với những thành phần như: gốc ngò, lá thuốc dòi, lá lẻ bạn, mía lau…vô cùng chất lượng
“Chú uống ở đây cũng 5,7 năm rồi. Chú ở quận 4, gần nhà có nhiều tiệm bán nước sâm lắm. Nhưng mà chú thích đây hơn, vì người ta làm sạch sẽ. Họ làm trực tiếp cho mình thấy thì cũng an tâm là trong nước sâm không có phẩm màu hay những hóa chất bậy bạ”, chú Nguyễn Bửu Cảnh hài lòng.
Quá trình đóng chai được làm trực tiếp và công khai giúp thực khách an tâm về chất lượng vệ sinh thực phẩm
Quá trình đóng chai được làm trực tiếp và công khai giúp thực khách an tâm về chất lượng vệ sinh thực phẩm
Theo lời bà Ý, lượt khách đến quán đông nhất là vào khoảng 3 đến 5 giờ chiều. Trung bình mỗi ngày bán được từ 200 đến 300 chai nước sâm. Với giá 10.000 đồng/chai, doanh thu trung bình mỗi tháng của quán từ 90.000.000 cho đến 100.000.000 triệu đồng.
Mỗi ngày quán bán từ 200 – 300 chai, với giá 10.000 đồng/chai thì thu nhập hàng tháng có thể lên đến 100.000.000 triệu đồng
Mỗi ngày quán bán từ 200 – 300 chai, với giá 10.000 đồng/chai thì thu nhập hàng tháng có thể lên đến 100.000.000 triệu đồng
“Cảm thấy ngon thì mình làm bán vậy thôi. Ở đây tui sử dụng chai sạch, chai mới, không pha đường hóa học, chỉ sử dụng đường phèn nguyên chất, mía nhiều nữa là ngọt rồi. Đây là cái nghề cái nghiệp rồi, nên thành ra có mấy người tới hỏi mua công thức nấu nước sâm nhưng vợ chồng tui nhất định không bán”, bà Ý tâm sự.
Khách hàng liên tục ghé mua, nhiều người còn đứng tại chỗ trực tiếp thưởng thức chai nước sâm mát lạnh
Khách hàng liên tục ghé mua, nhiều người còn đứng tại chỗ trực tiếp thưởng thức chai nước sâm mát lạnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.