Nơi độc nhất ở Hà Nội có người giữ những khuôn bánh xa xưa

06/12/2016 09:32 GMT+7

Ông Phạm Văn Quang, 61 tuổi, ngụ ở số 59 Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm có lẽ là người duy nhất giữa Hà Nội này còn làm những chiếc khuôn bánh, khuôn xôi, oản bằng gỗ truyền thống.

Căn nhà nhỏ xíu, tổng diện tích khoảng 10 mét vuông của ông Quang khác biệt nhất trên dãy phố Hàng Quạt, nó cũ nhất, biển quảng cáo vẽ bằng sơn tay và trước nhà, trong nhà treo đầy những chiếc khuôn gỗ, đủ các kiểu.
Ông Quang quê gốc ở huyện Thường Tín, Hà Nội, từng là người lính tham gia chiến tranh biên giới những năm 1976-1980, trở về quê hương, ông nối nghiệp của tổ tiên để làm khuôn gỗ, nuôi sống mình và cả gia đình.
[VIDEO] Gặp người giữ khuôn bánh truyền thống ở phố cổ - Thực hiện: Thanh Tâm - Thúy Hằng
Cửa hàng khuôn số 59 hàng Quạt ẢNH: BẢO NGỌC
Trải qua những thăng trầm, những năm tháng thời bao cấp phải làm khuôn trong giấu giếm, nghề làm khuôn bánh vẫn được ông Quang gìn giữ đến tận hôm nay.
Nghệ nhân làm khuôn bánh truyền thống ở Phố Hàng Quạt ẢNH: THANH TÂM
Gỗ làm khuôn bánh là gỗ thị, gỗ xà cừ vì các loại gỗ này rắn, chắc, chịu được lực mạnh, có thể giữ được hoa của gỗ khi bào, đục. Tùy vào khối lượng chiếc bánh, oản mà ông Quang chọn loại gỗ cho phù hợp.
Cái tâm của người đục đẽo ra chiếc khuôn ảnh hưởng lớn đến chất lượng của chiếc khuôn. Theo ông Quang, nếu làm khuôn không với cái tâm trong sáng, nóng nảy, không tỉ mỉ, chẳng bao giờ ra được cái khuôn như ý.
Khuôn bánh được làm bằng gỗ xà cừ ẢNH: BẢO NGỌC
Những năm tháng ngồi ở phố Kẻ Chợ cho ông Quang một con mắt tinh tế và tinh đời. Nhìn mắt khách hàng ông biết người ta có thật lòng muốn mua hàng hay chỉ hỏi cho vui, với những khách đòi quỵt tiền hoặc phá giá, ông cũng có mẹo riêng để trị.
Ông Quang kể chuyện, từng có một vị khách ở Thái Bình mua khuôn rồi quỵt mấy triệu, không trả. Từ đó, cứ thấy khách nào quê Thái Bình lên mua hàng, ông đều giảm giá, làm mẫu mã cho thật đẹp, cửa hàng của vị khách xấu tính kia bị ế ẩm, buộc phải lên gặp ông Quang xin lỗi, trả tiền.
Ông Quang giữ nghề, thuê nhiều người thợ để làm cùng ông, trong những mùa cao điểm. Tuy nhiên, nếu có 10 người thợ, 10 người cũng phải làm 10 công đoạn khác nhau, ở 10 địa điểm khác nhau và đều không được biết nhau.
Ngoài khuôn bánh, ông còn khắc con dấu, biển hiệu… ẢNH: BẢO NGỌC
Thời buổi hiện đại, nhiều dây chuyền sản xuất công nghiệp đã khiến những chiếc khuôn truyền thống có thời gian bị lép vế. Tuy nhiên, ông Quang vẫn tự hào, mình làm được những chiếc khuôn riêng biệt, sáng tạo, không máy móc nào làm được. Đó là khuôn tạo hình tên riêng, những logo riêng, cầu kỳ, khách hàng đặt cọc tiền triệu nhờ ông Quang làm.
Động lực gì để ông Quang vượt qua mọi gian khó để cống hiến với nghề? Ông Quang cười, đó là vì nghề nghiệp để mưu sinh. Phần thứ nữa, ông thấy vui khi khách hàng vui vẻ cầm chiếc khuôn bánh ông làm, ưng ý khi những đường nét chạm khắc trên chiếc khuôn ưng ý.
Mỗi hình tượng đều mang một ý nghĩa văn hoá Việt Nam ẢNH: THANH TÂM
Các con cháu của ông Quang không theo nghề tổ tiên. Ông Quang bảo, làm được nghề phải có duyên, nếu các con sống được với các nghề khác, ông không ép. Bởi làm nghề mà không yêu thích, sẽ không bao giờ sống được với nghề.
Ở tuổi 61, ông Quang ngày ngày vẫn đi bộ thể dục, xem bóng đá, nghe thời sự, thi thoảng, ông đi về tận ngoại ô, quê hương Thường Tín của mình để nhìn lúa chín, nghe chim hót, ông nói, đó chính là lúc ông tận hưởng cuộc sống này để lấy tinh thần sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm mới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.